- Xe cứu thương đỗ xịch trước cửa khu vực cấp cứu, bệnh nhân nhanh chóng được đẩy thẳng vào trong. Mỗi thao tác được tính bằng giây. Đó là cảnh tượng thường ngày tại khoa cấp cứu các bệnh viện - nơi các bác sỹ trải qua những phút giây 'cân não' để cứu sống người bệnh.
Đêm đổ xuống, trong lúc nhà nhà yên ngủ thì hàng chục y bác sĩ khoa cấp cứu của BV Chợ Rẫy (TP.HCM) và Việt Đức (Hà Nội) bắt đầu đêm không ngủ.
Mỗi tua trực cấp cứu thường làm việc từ 8h tối hôm trước đến 8h sáng hôm sau, phụ cấp mỗi ca chỉ trên 100.000 đồng với hộp sữa Ông Thọ. Các bác sĩ bận tới mức không có thời gian để uống nước chứ đừng nói ăn đêm, "hết ca chỉ đủ sức lết về nhà".
Là cơ sở y tế hàng đầu về cấp cứu và phẫu thuật ngoại khoa của cả nước, mỗi ngày bệnh viện Việt Đức tiếp nhận từ 150-180 bệnh nhân, lúc cao điểm có thể lên tới trên 200 ca. Là nơi "đầu sóng ngọn gió", mọi hoạt động ở đây đều diễn ra rất nhanh chóng, hối hả.
Trong ảnh là bệnh nhân Nguyễn Văn Quảng (18 tuổi, Mỹ Hào, Hưng Yên), nhập viện lúc 23h30 ngày 28/10 trong tình trạng chấn thương rất nặng. Rời khỏi xe cứu thương, chiếc xe đẩy lao như bay vào phòng hồi sức cấp cứu để các bác sỹ kịp thời triển khai các hoạt động cấp cứu, cứu sống người bệnh.
Bệnh nhân vào khoa cấp cứu đều được phân loại theo mức độ nặng - nhẹ khác nhau để xác định mức độ ưu tiên, đảm bảo an toàn và tính mạng cho người bệnh. Bởi trong cấp cứu, ranh giới sinh - tử đôi khi chỉ được tính bằng phút, bằng giây.
Tuy nhiên, nhiều người nhà bệnh nhân vì quá nôn nóng, tâm trạng không tốt nên đã có phản ứng gây náo loạn, đe dọa đang cản trở bác sĩ (như hành hung bác sỹ vì cho rằng 30 phút không được cấp cứu)...
Trong khoa Cấp cứu, mọi hoạt động đều được thực hiện với mức độ tập trung cao nhất.
Lo âu, căng thẳng...
Dù trong tình trạng khẩn cấp đến đâu, mọi thao tác đều phải thực hiện đầy đủ và chuẩn xác, từ chi tiết nhỏ nhất như lau sạch vết thương cho người bệnh ...
Bác sĩ cấp cứu luôn làm việc trong tình huống "khủng hoảng": Người bệnh lâm nguy, người nhà lo lắng đứng ngồi không yên, trong buồng bệnh các chỉ số thay đổi liên tục... Nhưng bác sỹ cấp cứu luôn phải bình tĩnh, tỉnh táo. Đó là lý do mà mọi người thường nói rằng làm bác sỹ cấp cứu phải có "thần kinh thép".
Ở vòng ngoài, các cán bộ y tế cũng hoạt động hết công suất. Không một phút ngưng nghỉ, trưởng tua trực tại BV Việt Đức tối 28/10, điều dưỡng trưởng Nguyễn Ngọc Thực liên tục chỉ đạo qua bộ đàm, lúc lúc lại chạy đôn chạy đáo khắp các phòng để kiểm tra.
15 năm trong nghề, anh bảo đã quen với đêm trắng. Thông thường ca trực đêm sẽ bắt đầu từ 20h30 đến 8h sáng hôm sau với trợ cấp khoảng 180 nghìn đồng/ca. "Ca trực đêm có 12 tiếng nhưng hết ca thì chỉ đủ sức lết về nhà" - điều dưỡng Thực chia sẻ.
Hơn 1g sáng 29/10, khoa cấp cứu Việt Đức vẫn tràn bệnh nhân nặng. Vừa kịp đẩy bệnh nhân này vào, bác sĩ lại nhận được thông tin có bệnh nhân khác chuyển đến.
Chị Vân An (phải) chia sẻ: "Đã xác định trực cấp cứu thì một phút chợp mắt cũng là điều xa xỉ". Chị cho biết mỗi ca trực đêm, kíp vận chuyển của chị gồm 4 người phải làm việc liên tục với phụ cấp 100 nghìn đồng/ca.
Khoa cấp cứu - Bệnh viện Chợ Rẫy cũng trong tình trạng tương tự. Mỗi ca trực đêm gồm 10 bác sĩ, 30 nhân viên y tế, phải căng mình cáng đáng 160-180 ca/đêm.
Là bệnh viện lớn nhất phía Nam, mỗi ngày Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận trên 300 ca cấp cứu, lúc cao điểm có thể lên tới 400 ca.
Nơi đây, ranh giới giữa sống và chết thật mong manh...
Bệnh nhân vào viện cấp cứu hầu hết ở trong tình trạng nặng, chấn thương nghiêm trọng.
Khoa cấp cứu rộng chừng 200 mét vuông chia ra thành 3 khu vực (phân lập sàng lọc, điều trị, hồi sức), chen chúc, chật chội. Thậm chí có lúc cao điểm (lễ, tết) thì khoa cấp cứu cũng quá tải, 2 người nằm 1 băng ca!
Sau đêm trắng cấp cứu, các bác sĩ BV Chợ Rẫy kiệt sức, nằm vạ vật trên ghế vào giờ giao ca. Mỗi tối đi trực, các bác sĩ được hưởng trợ cấp hơn 100 ngàn đồng và một hộp sữa Ông Thọ.
Thúy Hạnh - Thanh Huyền. Ảnh: Lê Anh Dũng - Đinh Tuấn
Bài 2: Bệnh nhân choảng nhau trên băng ca cấp cứu