- Giám đốc Bệnh viện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) thừa nhận bệnh viện này có một phần trách nhiệm trong việc để xảy ra cái chết của hai mẹ con sản phụ. Và không hiểu vì sao sản phụ được thăm khám bởi bác sỹ có kinh nghiệm, lại được hỗ trợ bằng thiết bị hiện đại nhưng hai mẹ con vẫn tử vong.
Trước cái chết oan uổng của hai mẹ con sản phụ Nguyễn Thị Thuận tại Bệnh viện huyện Cẩm Xuyên đang được dư luận đặc biệt quan tâm, PV VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông Phan Thanh Minh, Giám đốc Bệnh viện huyện Cẩm Xuyên.
GĐ bệnh viện Cẩm Xuyên thừa nhận bệnh viện này có một phần trách nhiệm trong cái chết của mẹ con sản phụ. |
- Với tư cách là giám đốc bệnh viện, ông đánh giá như thế nào khi để xảy ra cái chết của hai mẹ con sản phụ? Nguyên nhân chủ quan, khách quan?
Nguyên nhân thì hiện đang phải chờ kết luận của Hội đồng khoa học về mặt chuyên môn như thế nào? Khám xét và kíp trực hôm đó?
Chúng tôi chỉ hồi cứu lại thôi. Sản phụ khi vào thì nữ hộ sinh tiến hành thăm khám, ban đầu khi đo bằng phương pháp cổ điển, ước lượng chiều cao tử cung là 31cm, vòng bụng là 92cm, chẩn đoán thai nhi khoảng 3,1kg.
Khi bác sỹ Dương tiến hành siêu âm thì ước lượng thai nhi khoảng 4kg (+_ 2). Và bác sỹ Dương đã quyết định là cho sản phụ sinh thường.
Bây giờ để đánh giá quyết định cho sản phụ sinh thường hay đẻ mổ trong trường hợp này thì phải chờ kết luận của hội đồng khoa học. Khi đó mới biết được là quyết định của ông Dương là đúng hay sai.
- Nữ hộ sinh thăm khám thì cho rằng trọng lượng cháu bé khoảng 3,1 kg, bác sỹ trưởng khoa sau khi siêu âm thì lại tiên lượng là 4 kg, thế nhưng đứa bé ra đời với trọng lượng 4,8 kg. Tại sao lại có sự chênh lệch lớn như vậy?
Người nữ hộ sinh ước lượng khoảng 4,6 kg. Bây giờ xem xét lại hồ sơ bệnh án thì đó chỉ là ước lượng chứ khi đó cháu bé ra đời rất yếu, sau đó bị tử vong nên không cân.
- Làm sao có thể nói là ước lượng được?
Đó là từ hay nói miệng với nhau. Thường thì khi mà đứa trẻ vẫn còn sống thì hộ sinh sẽ tiến hành hút nhớt, làm rốn, lau sạch sẽ cho bé, quấn tã rồi mới cân.
Hôm qua chúng tôi tiến hành họp và hồi cứu lại thì không cân cho cháu. Trong hồ sơ bệnh án thì nữ hộ sinh ghi là đứa bé sau khi mất ước khoảng 4,6kg.
- Trong chuyên môn của ngành sản khoa thì trọng lượng của thai nhi bao nhiêu thì cho sinh thường, bao nhiêu thì sinh mổ?
Về lý thuyết thì người Việt Nam thai 3,8 kg là thai to, nếu không phải là con so (sinh con đầu - PV) thì xem xét mổ. Còn đối với người sinh con thứ thì có thể phải mổ nếu khung chậu người mẹ không tương xứng.
Giữa trọng lượng khám và thực tế khi sinh ra vẫn có sự chênh lệch khoảng 200gam.
- Trong trường hợp cụ thể của nạn nhân Nguyễn Thị Thuận, tại sao bác sỹ lại quyết định nhanh chóng cho sinh thường như thế?
Giấy biên nhận số tiền 12 triệu đồng do Bệnh viện huyện Cẩm Xuyên và cá nhân bác sỹ Dương, nữ hộ sinh Nguyễn Thị Liên “hỗ trợ” gia đình nạn nhân. |
Cái này thì hội đồng khoa học phải xem xét có hợp lý hay không.
- Vậy là giữa việc tiên lượng của bác sỹ và thực tế cháu bé sinh ra có sự chênh lệch rất lớn?
Nếu theo kết quả siêu âm, trọng lượng thai từ 3,8 – 4kg, sản phụ cao 1,58m, nặng 62 kg, khung chậu bình thường, sinh con thứ hai, đã từng sinh thường con đầu nặng 3,5 kg. Bây giờ hội đồng khoa học sẽ xem xét trên những con số đó để xem chỉ định cho sinh thường là đúng hay sai.
“Chúng tôi có một phần trách nhiệm”
- Khi siêu âm thì bác sỹ siêu âm bằng loại máy gì?
Bác sỹ Dương siêu âm bằng máy đen trắng. Bệnh viện vẫn có máy siêu âm màu nhưng không hiểu vì sao bác sỹ không gọi người trực máy đến để siêu âm. Nhưng xét về giá trị thì hai loại máy siêu âm này cho kết quả tương đương nhau.
Bác sỹ Dương làm nghề này đã 21 năm, có nhiều kinh nghiệm trong sản khoa nhưng không hiểu vì sao lại để xẩy ra sự việc như thế.
- Đứa bé và sản phụ tử vong vì nguyên nhân gì, thưa ông?
Đứa bé bị ngạt do chuyển dạ kéo dài. Còn người mẹ thì do chảy máu quá nhiều sau khi sinh, được chuyển ra Bệnh viện tỉnh Hà Tĩnh. Bây giờ nguyên nhân chảy máu thì phải căn cứ vào bệnh án ngoài bệnh viện tỉnh vì sản phụ đã được mổ cấp cứu.
Sau khi sinh thì thường tử cung sẽ bị co lại và mạch máu cũng sẽ không bị chảy. Nhưng trong trường hợp này thì lại chảy máu do tử cung không co.
- Chúng tôi được biết bệnh viện, bác sỹ Dương, nữ hộ sinh Liên đã hỗ trợ cho gia đình nạn nhân 12 triệu đồng?
Đúng rồi. Đó là số tiền hỗ trợ mai táng phí cho gia đình.
- Tại sao lại hỗ trợ? Bệnh viện huyện Cẩm Xuyên có loại quỹ này?
Đó là hỗ trợ nhân đạo, bệnh viện có một khoản kinh phí tự chủ theo Nghị định 43. Gia đình sản phụ thuộc diện khó khăn, lại mất ở tại bệnh viện huyện nên chúng tôi có một phần trách nhiệm nào đấy để hỗ trợ cho gia đình bớt khó khăn.
- Như ông nói thì sản phụ Nguyễn Thị Thuận đã được nữ hộ sinh thăm khám bằng phương pháp cổ điển, được bác sỹ trưởng khoa có kinh nghiệm phụ trách, lại có hỗ trợ bằng thiết bị hiện đại, chẩn đoán thai phụ sức khỏe bình thường. Vậy tại sao lại để xẩy ra sự cố đáng tiếc khi có sự chênh lệch lớn giữa tiên lượng và thực tế?
Cái này thì tôi cũng chỉ chờ kết luận thôi, khó trả lời. Nghề y là nghề nhạy cảm, nhiều lúc mình làm nhiều việc rất là tốt thì không ai biết đến nhưng chỉ cần sơ sảy, để xảy ra sự việc thì công lao đổ xuống sông xuống biển hết.
Cám ơn ông!
Duy Tuấn – Lê Quang (thực hiện)