- Hai nạn nhân bị sát hại cách nhau 5 năm là có thật. Nhưng vì sao phải là Huỳnh Văn Nén? Nguyên do đại gia đình bên vợ của ông Nén dính vào 2 vụ án đặc biệt nghiêm trọng này?

“Kỳ án vườn điều”

Hồ sơ “án oan chồng án oan” thể hiện, ngày 19/5/1993 người dân phát hiện thi thể bà Dương Thị Mỹ tại vườn điều nhà ông Hai Hoàng ở thôn 2, xã Tân Minh (nay là thị trấn Tân Minh), huyện Hàm Tân.

{keywords}
Ông Huỳnh Văn Nén trong vòng vây của báo chí trong ngày được xin lỗi công khai

Công an Bình Thuận vào cuộc xác minh bà Mỹ bị giết, bị cướp tài sản. Lúc đó vợ chồng ông Trần Văn Sáng - bà Nguyễn Thị Nhung bị tạm giam nhưng không có quyết định khởi tố gần 2 tháng, do bị tình nghi là hung thủ gây án; nghi vấn ông Sáng có quan hệ bất chính với bà Mỹ.

Sau đó vụ án đi vào ngõ cụt vì yếu chứng lý; năm 1995 công an tỉnh có quyết định đình chỉ điều tra.

5 năm sau, sáng 24//4/1998 tiếp tục phát hiện bà Lê Thị Bông bị giết - cướp ngay tại nhà, ở xã Tân Minh.

Chưa đầy 1 tháng sau, công an Bình Thuận khởi tố, bắt giam Huỳnh Văn Nén với cáo buộc là hung thủ sát hại bà Bông. Điều tra viên Cao Văn Hùng, cán bộ phòng PC16 (nay là phòng PC44 - văn phòng cơ quan CSĐT) là người điều tra chính vụ án.

Ông Nén sau đó thừa nhận là hung thủ vụ án “bà Bông”. Ngoài ra ông còn khai, cùng 9 thành viên bên gia đình vợ thực hiện vụ đánh ghen, giết chết bà Mỹ 5 năm trước (còn gọi là “kỳ án” vườn điều). Sau này ông Nén khai, bị bức cung, nhục hình, bị ép ký vào các tờ khai cung...khống.

Chín người khác sau đó bị bắt giữ trong “kỳ án vườn điều”. Bà Nhung bị cáo buộc là cầm đầu, cùng đại gia đình gồm mẹ, anh chị em ruột, con, cháu đã tổ chức đánh ghen, giết bà Mỹ tại vườn Điều vào đêm 19/5/1993…

Đến nay chưa ai hiểu vì sao lại có “kỳ án vườn điều"? Vì sao là đại gia đình bên vợ của ông Nén lại dính vào vòng lao lý?

Một thực tế là giai đoạn bấy giờ, Bình Thuận xảy ra nhiều vụ án giết người nhưng việc truy lùng hung thủ không có kết quả. Uy tín, danh dự của công an Bình Thuận...ảnh hưởng nghiêm trọng. Có phải vì thế mà khi “vớ” được ông Nén, lập tức điều tra viên tạo ra kịch bản hoàn hảo cho 2 vụ án nhằm vào ông Nén và gia đình bên vợ ông này.

{keywords}
“Người hùng” Cao Văn Hùng (điều tra viên chính của 2 vụ án oan ông Nén) hiện đang hành nghề luật sư. Ảnh tư liệu

Ông Nguyễn Thận (ân nhân của đại gia đình ông Nén) kể, khi đó ông Nén là người...“mát mát”, say xỉn suốt ngày như một “Chí Phèo”...Thậm chí, sau vụ án “bà Bông”, ông Nén đã tham gia khâm liệm thi thể bà Bông. Ngay sau đó, ông Nén có xin 2.000 đồng của một người quen ngồi tại đám tang và nói “mua rượu uống...rửa tội”.

Một câu nói của...gã Chí Phèo đã làm ông dính đến 2 vụ án oan thế kỷ. Mãi sau này có người nói vui, “ông Nén đi...cai rượu những...17 năm 6 tháng 11 ngày”.

“Người hùng” công an không thể tự đạp đổ thành tích

Đầu tháng 8/2000, ông Nén bị tuyên phạt chung thân về hành vi giết – cướp trong vụ án “bà Bông”. Người tù Huỳnh Văn Nén, trên danh nghĩa không có đơn kháng cáo, nhưng thực tế kháng cáo được gửi đi không đúng thời gian quy định.

Mãi khi phiên xét xử phúc thẩm vụ “kỳ án vườn điều”, ông Nén mới kêu oan trong vụ án “bà Bông”.

Đáng lẽ với hành vi giết người, cướp tài sản, ông Nén phải lĩnh án cao hơn. Có thể vì ông “có công” trong việc khai báo về nhóm hung thủ trong “kỳ án vườn điều”?

{keywords}
Đơn tố cáo của anh Nguyễn Phúc Thành về 2 hung thủ thật sự vụ án “bà Bông” bị lãng quên đến 15 năm trời

Mãi đến năm 2005, cả 10 bị cáo trong “kỳ án vườn Điều” được giải oan, cơ quan tố tụng Bình Thuận đã xin lỗi công khai, tổ chức bồi thường. Riêng ông Nén lúc đó không được xin lỗi, bồi thường vì đang thụ án chung thân trong vụ “bà Bông”.

Đáng nói, trước phiên xử sơ thẩm vụ án ông Nén giết hại bà Bông chỉ vài ngày (trong năm 2000), Nguyễn Phúc Thành – đang thụ án tù tội “gây rối trật tự công cộng” ở trại giam Sông Cái, Ninh Thuận có đơn tố cáo khẩn cấp 2 người bạn mình, là Nguyễn Thọ và Hồ Văn Việt chính là hung thủ trong vụ án “bà Bông”, không phải là ông Nén. Nhưng tại sao nguồn thông tin quan trọng này lại bị...bỏ quên?

Đơn được Thành viết từ trại giam, được giám thị trại giam Sông Cái chuyển về Cục quản lý trại giam, Bộ công an và 2 lần gửi về cho ông Nguyễn Thận để ông này chuyển đến cơ quan tố tụng. Tuy nhiên đáng nói là các đơn tố cáo trên lại "quay về" về cơ quan CSĐT công an Bình Thuận ?

Kỳ lạ hơn nữa, việc xác minh nội dung đơn tố cáo của anh Thành lại được giao cho chính điều tra viên Cao Văn Hùng (lúc đó là đại úy) và ông Đinh Kỳ Đáp (lúc đó là trung tá, phó thủ trưởng cơ quan CSĐT). 2 lần ông Hùng và ông Đáp vào trại giam Sông Cái. Ông Đáp có đến trại giam nhưng bỏ ra ngoài, chỉ có ông Hùng trực tiếp làm việc với anh Thành.

Sau này anh Thành có kể, cả 2 lần ông Hùng có thái độ đập bàn, nạt nộ và yêu cầu anh rút đơn tố cáo. Thái độ làm việc của ông Hùng, được anh Thành báo cáo cán bộ quản giáo và trại giam Sông Cái có văn bản ghi nhận anh Thành về việc này.

Phá 2 vụ trọng án, gồm “kỳ án vườn Điều” và vụ án “bà Bông”, điều tra viên Cao Văn Hùng được khen thưởng về thành tích, trở thành...người hùng của công an Bình Thuận nói riêng và nhân tố tiêu biểu của ngành công an lúc bấy giờ. Thử hỏi liệu ông Hùng có can đảm, dám tự đạp đổ thành tích, danh hiệu “người hùng” mà mình đã đạt được hay không?

Thông tin mới về ông Cao Văn Hùng:

Năm 2002 ông Hùng bị tước quân tịch, bị loại khỏi ngành CAND vì có liên hệ, giúp sức cho một bị can can tội “tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” bỏ trốn, khi công an Bình Thuận vừa ra lệnh bắt bị can này.

Sau đó ông Hùng làm nhân viên của Hạt kiểm lâm huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận. Năm 2014, ông Hùng xin gia nhập đoàn luật sư tỉnh Bình Thuận và sau đó xin vào đoàn luật sư TP.Hà Nội nhưng không thành.

Hiện ông Hùng là luật sư thuộc đoàn luật sư tỉnh Thanh Hóa là quê gốc của ông và hiện đang hành nghề.

Bài 2: Những chứng cứ ngụy tạo vụng về vụ ông Nén

Đàm Đệ