- Xây biệt thự và biệt phủ có quy mô lớn như vậy, thật khó
biện minh nếu nói rằng chính quyền địa phương không biết, không phát hiện, người
vi phạm bất hợp tác. Có lẽ vì cả nể, sợ đụng chạm, sự việc mới kéo dài - bạn đọc Trần Văn Tường nêu quan điểm trong bài viết gửi đến VietNamNet.
Biệt phủ đại gia vàng, sao không cấm lúc xây? Tại sao khi bắt đầu xây dựng biệt phủ, các cơ quan chức năng không quyết liệt can thiệp, cấm xây dựng? |
Sau khi đăng tải bài viết "Biệt phủ đại gia vàng, sao không cấm lúc xây?", VietNamNet nhận được rất nhiều ý kiến của độc giả. Phần đông đều đồng tình với việc tháo dỡ, thực hiện nghiêm pháp luật. Đồng thời, quy trách nhiệm các ban ngành sao không cấm từ khi xây dựng, để đến khi công trình hoàn thành, tốn hàng trăm tỷ đồng thì đập bỏ.
Dưới đây, chúng tôi xin trích đăng quan điểm của bạn Trần Văn Tường (TP.HCM):
Khu biệt thự rộng hơn 1.400 m2 của đại gia vàng Ngô Văn Quang trên núi Hải Vân được yêu cầu phải đập bỏ. (Ảnh: VTC News) |
"Biệt thự và biệt phủ xây trái phép, sao không cấm lúc xây?": Đây là thắc mắc của rất nhiều người vì quy mô lớn như vậy, sao chính quyền và các cơ quan chức năng không can thiệp, cương quyết ngay từ đầu, cấm xây dựng? Đến khi đã hoàn thành, bị phát hiện, dư luận lên tiếng, mới xử lý, sau đó buộc tháo dỡ, nhưng công tác xử lý rất chậm?
TIN LIÊN QUAN
|
Tôi cũng giống như nhiều người đọc báo, bất ngờ khi biết ông Phan Như Thạch đã tháo dỡ căn biệt thự và ông Ngô Văn Quang cũng sắp tháo dỡ căn biệt phủ, do xây dựng trái phép ở Đà Nẵng.
Bất ngờ vì sự việc quá lâu khi có những công trình xây trái phép, sai thiết kế vẫn còn tồn tại, không xử lý triệt để. Có người cho rằng tháo dỡ biệt thự và biệt phủ xây trái phép là nhờ báo chí đăng tin, dư luận lên tiếng và bất bình. Tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta xem chuyện này là bình thường, hiển nhiên, sai phải sửa, dù đó là ai.
Dù sao vụ việc đã được thực thi đúng quy định, lấy lại niềm tin trong nhân dân, răn đe những ai xem thường pháp luật.
Trước đó, UBND quận Liên Chiểu chần chừ, không giải quyết theo thẩm quyền, hành lang pháp lý có sẵn nhưng không xử lý. Sở TN-MT và Sở Xây dựng thì lại có văn bản tham mưu vừa xử lý vừa cho tồn tại, giữ lại biệt thự, chỉ tháo dỡ phần không phù hợp quy hoạch.
Nhiều người đã bức xúc cho rằng pháp luật bị xem thường, không công bằng, xây trái phép trên đất rừng không đủ điều kiện thì làm gì phù hợp quy hoạch? Đến khi báo chí phản ảnh, dư luận lên tiếng phản đối, chính quyền Đà Nẵng mới xử lý buộc tháo dỡ biệt thự xây trái phép.
"Pháp bất vị thân", dù là ai cũng phải tuân thủ pháp luật, xây dựng trái phép phải tháo dỡ. Vụ việc đơn giản lại trở nên phức tạp, bị cho là do chính quyền địa phương và các ngành chức năng ở Đà Nẵng chậm xử lý?
Tôi làm nhà vừa đổ xe cát buổi sáng, buổi trưa trật tự đô thị phường đã đến kiểm tra thủ tục, giấy phép. Vậy mà biệt thự và biệt phủ xây trái phép, không bị ngăn chặn, lại được tồn tại trong thời gian dài.
Xây biệt thự và biệt phủ có quy mô lớn như vậy phải tập kết máy móc, thiết bị, vật tư, ximăng, cát, đá… Thật khó biện minh nếu nói rằng chính quyền địa phương không biết, không phát hiện, người vi phạm bất hợp tác. Có lẽ vì cả nể, sợ đụng chạm, sự việc mới kéo dài.
Tháo dỡ biệt thự và biệt phủ trị giá cả trăm tỷ đồng thật tiếc, lãng phí. Thiết nghĩ nếu ngăn chặn từ đầu có thể mọi thứ sẽ tốt hơn cho các cơ quan chức năng, người vi phạm. Lỗi không nhỏ từ chính quyền địa phương đã buông lỏng trong quản lý, kiểm tra, xử lý?
Có ý kiến cho rằng, chính quyền biết vụ xây dựng trái phép, do người vi phạm không chịu tiếp xúc nên không thể xử lý. Tôi nghĩ mọi sai phạm đều có biện pháp xử lý, chỉ ngại hoặc sợ “đụng chạm” nên chưa chịu làm.
Trong trường hợp người vi phạm bất hợp tác thì chính quyền có thể lập biên bản mời người làm chứng, báo cáo với cấp trên hoặc đơn vị quản lý người vi phạm, ban hành quyết định xử lý ngay từ đầu, quyết liệt, cưỡng chế.
Pháp luật phải được thực thi đúng, công bằng, đầy đủ, trọn vẹn… Cần xử lý đúng mức đối với tổ chức và cá nhân có liên quan vì buông lỏng trong quản lý, nếu chỉ dừng lại ở mức kiểm điểm và rút kinh nghiệp thì e rằng quá nhẹ so với hậu quả và lãng phí đã gây ra.
Một số ý kiến khác: - Phá làm gì nhỉ? Tịch thu để làm dịch vụ du lịch có hơn không? Người nào xâm hại của công thì tịch thu "tang vật", sung công (Bạn đọc Nguyễn Văn Đại). - Thiết nghĩ sai từ lúc được xây, sao không cấm người ta? Xây xong thiết nghĩa nó là tài sản, công sức của mọi người chứ. Sao không đàm phán sử dụng vào việc gì chứ? (Bạn đọc Bui Xuan Cay) - Trước khi xây dựng một công trình, nhà cửa gì đó ... đều phải xin giấy cấp phép xây dựng. Biệt phủ xây xong có nghĩa là đã được cấp phép. Bây giờ bị bắt tháo dỡ như thế này là quá lãng phí. (Bạn đọc Lương Nhật Quân) |
Trần Văn Tường (TP.HCM)