- Anh Võ Văn Minh không phải khách hàng đầu tiên của Tân Hiệp Phát vào tù khi phát hiện sản phẩm của công ty này có lỗi và đưa ra trao đổi. Điều đáng nói là con đường dẫn các “thượng đế” của Tân Hiệp Phát vào tù đều có chung một ‘kịch bản’.

“Thượng đế” và những “cú đòn”

Không phải đến phiên tòa xét xử anh Minh người ta mới biết “cú đòn” của Tân Hiệp Phát dành cho khách hàng khi phát hiện sản phẩm có lỗi và đưa ra trao đổi. Thế nhưng, với những người dân ít có điều kiện tiếp xúc với báo chí, mạng xã hội thì sự việc này vẫn còn mới. Nếu không có cách giải quyết khác, họ có thể rơi vào ‘kịch bản’ tương tự bất cứ lúc nào.

“Nếu không có vụ anh Minh, có khi tôi cũng phải đi tù”, chị chị Bùi Thị Tiên (ngụ ấp 1, xã Đô Thạnh, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) bức xúc khi nói về cách hành xử của Tân Hiệp Phát. Chị Tiên đã đến tham dự phiên tòa xử anh Minh ngày 17 và 18/12 vì quan tâm đến sự việc. Chị cho rằng mình may mắn vì đã biết thông tin vụ anh Minh nên mới không nghe Tân Hiệp Phát “dụ” để đi khiếu nại ở Ban bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Thế nhưng không phải ai cũng may như chị Tiên.

{keywords}
Chai nước Number 1 của Tân Hiệp Phát bị tố "có ruồi bên trong"

Ngày 5/6/2012, anh N.Q.T. (thợ bạc, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) mua chai Trà xanh không độ của Tân Hiệp Phát cũng phát hiện bên trong có con gián chết dù chai nước còn hạn sử dụng, nhãn mác còn nguyên và chưa khui nắp.

Anh T. đã điện thoại lên công ty phản ánh sau đó là những cuộc gặp gỡ. Anh đề nghị Tân Hiệp Phát giao 50 triệu đồng để đổi lấy chai trà trên và sự im lặng.

Cuộc gặp giữa anh và nhân viên Tân Hiệp Phát cũng được nhân viên công ty lập biên bản với nội dung: “Phía công ty yêu cầu xem sản phẩm, anh T. cung cấp sản phẩm (sản xuất ngày 14/11/2011, hạn sử dụng 14/11/2012). Công ty cảm ơn anh T., đề nghị anh cho đổi sản phẩm, tặng 2 - 4 thùng trà cảm ơn. Anh T. không chấp nhận đề nghị và giữ nguyên yêu cầu công ty trả 50 triệu đồng, nếu không sẽ công bố thông tin cho nhiều người biết...”.

Khi anh T. vừa nhận tiền, ghi biên bản, ký tên xong cũng bị công an ập vào bắt quả tang. Ngày 17/7/2013, anh T. bị TAND quận Bình Thạnh (TP.HCM) tuyên phạt 3 năm tù.

Theo thông tin trên báo chí, sau khi anh Minh bị bắt, một kỹ sư tên H. từng bị TAND quận Gò Vấp (TP.HCM) tuyên phạt 1 năm tù về tội “cưỡng đoạt tài sản” cũng lên tiếng.

Anh H. cho biết trong lần đi nghỉ mát, anh phát hiện một chai Dr Thanh mình mua để uống có lợn cợn bên trong. Giữ nguyên bao bì sản phẩm, anh yêu cầu phía Tân Hiệp Phát phải bồi thường 70 triệu đồng.

Như một “kịch bản” có sẵn, phía công ty đề nghị tặng anh 2 thùng nước ngọt và xin lại chai nước nhưng anh không đồng ý. Cuối cùng, công ty đồng ý giao cho anh 35 triệu đồng để đổi chai nước và sự im lặng. Rồi anh cũng bị công an bắt quả tang khi đang nhận tiền và vướng vòng lao lý.

Ngoài những trường hợp trên, ngày 16/12/2011, bà N.T.T.H. (chủ quán ăn, ngụ phường Trảng Dài, TP Biên Hòa, Đồng Nai) cũng đã bị công an còng tay khi “bắt quả tang” bà đang nhận từ Tân Hiệp Phát 49 triệu đồng. Khởi điểm sự việc là bà phát hiện 5 chai nước (1 chai nước Number 1, 4 chai sữa đậu nành Soya Number 1) của Tân Hiệp Phát có lỗi.

Qua các cuộc gặp gỡ, thương lượng, bà được nhận 49 triệu đồng từ Tân Hiệp Phát bồi thường thiệt hại về doanh thu do nghỉ bán hàng. Trưa 16/12/2011, khi bà H. đang nhận tiền phía công ty thì có nhóm người mặc thường phục tự xưng là Công an TP Biên Hòa ập vào bắt giữ, còng tay. Sau khi nhận thấy đây là giao dịch dân sự giữa hai bên, bà đã được công an thả ra trong ngày.

“Họ bảo ký gì thì bị cáo ký”

Với phiên tòa xử anh Minh ngày 17 và 18/12, trong phần trả lời thẩm vấn, anh Võ Văn Minh khai những cuộc gặp gỡ đều được nhân viên của Tân Hiệp Phát lập biên bản. Anh đã ký nhiều biên bản mà phía Tân Hiệp Phát yêu cầu. Tòa hỏi nội dung các biên bản là gì, người đàn ông chỉ quen với công việc bán bún riêu nhiều lần trả lời: “Không biết”.

“Không biết nội dung biên bản là gì mà bị cáo vẫn ký sao?” - “Bị cáo không hiểu biết pháp luật, người ta bảo ký gì thì bị cáo ký” – anh Minh nói và khai thêm rằng phía Tân Hiệp Phát trước đó đã chủ động đưa ra con số 100 triệu đồng để đổi lại chai nước và sự im lặng. Điều này có nghĩa là Tân Hiệp Phát đã chủ động thương lượng.

Thế nhưng những thông tin liên quan đến con số 100 triệu đồng trên lại không được ghi nhận trong biên bản làm việc giữa hai bên. Phía Tân Hiệp Phát phủ nhận điều này nên lời khai của anh Minh không được chấp nhận.

 {keywords}
Bị cáo Võ Văn Minh tại phiên xử ngày 17/12. Ảnh: Mai Phượng

Cũng liên quan đến chữ ký, vị Hội thẩm nhân dân đặt câu hỏi “lúc gặp nhân viên công ty, bị cáo đề nghị Tân Hiệp Phát mua lại chai nước hay thế nào?” - “Bị cáo đã bảo họ mua lại chai nước đó”. “Tại cuộc gặp cuối cùng ở quán cà phê, khi bị cáo nhận tiền rồi bỏ vào cốp xe mà bị công an bắt thì lúc đó chai nước ai giữ?” - “Nhân viên Tân Hiệp Phát đã nhận lại chai nước này” - anh Minh trả lời.

“Vậy khi lập biên bản thu chai nước cơ quan điều tra có niêm phong không?” - “Không” - “Không niêm phong vậy sao lại có chữ ký của bị cáo ở bao bì niêm phong?” - “Về đến cơ quan điều tra rồi bị cáo mới ký”.

Vị Hội thẩm nói tiếp: “Chai nước đã thu giữ suốt thời gian dài rồi sao bị cáo biết là có đúng chai nước bị cáo mua không mà bị cáo ký niêm phong. Đó là chính bị cáo hại bị cáo. Niêm phong tang vật là phải niêm phong tại chỗ. Bị cáo nhớ lại đi có chắc chắn vậy không?” – “Dạ chắc”, anh Minh trả lời.

Mai Phượng