Vụ việc xảy ra làm dư luận không khỏi xót xa, chê trách về sự vô cảm, bàng quan của những người trực tiếp chứng kiến nam thanh niên rơi xuống sông và chết đuối.

Luật sư Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc Công ty Luật Hưng Nguyên, đoàn Luật sư Hà Nội trao đổi về một thực trạng tồn tài hiện hữu trong xã hội bấy lâu nay, đó là việc nhìn người khác gặp nạn mà không ra tay cứu giúp trong khi mình hoàn toàn có điều kiện để làm việc đó.

{keywords}

Một nạn nhân cố vùng vẫy dưới ao nhưng không ai cứu giúp, chỉ được đưa lên bờ khi đã tử vong

Mới đây nhất, trên mạng xã hội lan truyền một clip ghi lại cảnh nam thanh niên chết đuối tại Đà Nẵng, trước sự chứng kiến của nhiều người. Điều khiến đoạn clip thu hút được nhiều ý kiến trái chiều là việc hàng chục người đứng trên bờ chứng kiến cảnh nam thanh niên vùng vẫy như cầu cứu nhưng lại không có ai ra tay cứu giúp.

Đây không phải trường hợp đầu tiên và duy nhất xảy ra, mà thực tế trong cuộc sống xã hội chúng ta đã xảy ra nhiều tình trạng tương tự, điển hình nhất có lẽ là việc rất nhiều các nạn nhân bị TNGT nhưng không được người đi đường hỗ trợ đưa đi cấp cứu, trong đó dẫn đến không ít trường hợp đáng tiếc tử vong vì không được cấp cứu kịp thời.

Nói về tình trạng trên, Luật sư Nguyễn Văn Nguyên cho biết, truyền thống tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, thấy người gặp hoàn cảnh hoạn nạn ra tay cứu giúp là nét đẹp trong văn hóa và đời sống người Việt Nam.

Nhằm bảo vệ các giá trị, quan niệm tốt đẹp đó, Điều 102 Luật Hình sự Việt Nam quy định: “Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.

“1. Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm:

a) Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm;

b) Người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”.

“Vụ việc xảy ra làm dư luận không khỏi xót xa, chê trách về sự vô cảm, bàng quan của những người trực tiếp chứng kiến nam thanh niên rơi xuống sông và chết đuối. Pháp luật đã có quy định, nhưng trường hợp này trên hết phải nhìn dưới góc độ tính người, đạo đức xã hội, xã hội học thì mới có biện pháp ngăn ngừa các vụ việc tương tự đáng tiếc như vậy” - Luật sư Nguyên nhấn mạnh.

(Theo Báo Giao thông)