Giám đốc Bệnh viện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) cho rằng, trong các trường hợp mà VietNamNet phản ánh, đội ngũ y bác sỹ bệnh viện đã làm hết sức mình. Tuy nhiên, vị giám đốc bệnh viện này cũng thừa nhận thực trạng hạn chế trong vấn đề chuyên môn của y bác sỹ ở đây...

Khoa sản, 2 tháng và 4 mạng người

Những thông tin liên tục về những cái chết bất thường của trẻ sơ sinh và sản phụ tại Bệnh viện Cẩm Xuyên trong thời gian vừa qua không khỏi khiến nhiều người dân nơi đây rùng mình.

Với những thông tin mà phóng viên VietNamNet nắm được, từ giữa tháng 6/2011 đến những ngày đầu tháng 8/2011, đã có tới 4 nạn nhân tử vong có liên quan trực tiếp đến khoa sản này, trong đó có tới 3 trẻ sơ sinh.

Sau cái chết của mẹ con sản phụ Nguyễn Thị Thuận (trú xã Cẩm Nhượng) vào ngày 17/6 tại bệnh viện này, cơ quan chuyên môn Sở Y tế Hà Tĩnh đã có cuộc kiểm tra và kết luận.

Trong lần làm việc với phóng viên, ông Nguyễn Tuấn, Phó GĐ Sở Y tế đã thông báo kết quả kiểm tra, trong đó có nêu: Cái chết của hai mẹ con có liên quan tới sự hạn chế về trình độ chuyên môn của bác sỹ Nguyễn Đình Dương, Trưởng khoa sản.

Khi sự việc về cái chết của hai mẹ con sản phụ chưa nguôi ngoai thì chỉ trong vòng 5 ngày, từ ngày 5 đến ngày 9/8/2011, tại khoa sản do bác sỹ Dương làm trưởng khoa lại liên tục xảy ra hai trẻ sơ sinh bị tử vong.
 

Giám đốc Bệnh viện Cẩm Xuyên.


Giám đốc bệnh viện nói gì?

Phóng viên VietNamNet đã có buổi làm việc với ông Phan Thanh Minh, Giám đốc Bệnh viện huyện Cẩm Xuyên để tìm hiểu thêm thông tin xung quanh những cái chết “bất thường” này.

- Thưa ông, ông có thể cho biết thông tin cụ thể trường hợp cái chết của cháu bé sơ sinh con của anh Hà Huy Nam và chị Phan Thị Thúy Xoan ở xã Cẩm Hưng trong ngày 9/8 vừa qua?

Vụ này sau khi mổ đẻ các bác sỹ nghi có dị tật bẩm sinh đường hô hấp. Khi mổ ra thì trẻ khó thở và được bác sỹ tiến hành làm các biện pháp hô hấp, 3 tiếng sau thì lại chuyển về cho mẹ. Rồi sau đó mấy tiếng thì mất.

- Đối với trường hợp trẻ yếu thế này thì y bác sỹ có thể phải theo dõi 24/24, thế nhưng sao chỉ sau mấy tiếng lại trả về cho mẹ trong lúc tình trạng sức khỏe của người mẹ vẫn đang yếu. Và dẫn đến đứa trẻ bị chết một cách nhanh chóng?

Người mẹ lúc đó sau khi mổ được nằm tại phòng hậu phẫu. Trường hợp này là ối vỡ sớm, nước ối bẩn. Khi vào thì chỉ định mổ luôn.

Khi sinh ra thì đứa trẻ có vấn đề về đường hô hấp. Sau khi hút nhớt và làm các biện pháp thì đứa trẻ hồng trở lại và được bác sỹ cho về với mẹ.

- Trong tình trạng đứa bé đang yếu, có thể nói là nguy hiểm như vậy thì tại sao lại cho trở về với mẹ nhanh chóng và dễ dàng như vậy? Trong khi bác sỹ Lân – Phó GĐ Bệnh viện nói rằng, đối với những trường hợp như thế, bác sỹ phải theo dõi 24/24 hoặc cho nằm lồng kính?

Ở đây chưa có lồng kính. Trường hợp này tôi không trực tiếp nên không được biết, nhưng chúng tôi nghe bác sỹ báo cáo lại là đứa trẻ bị suy hô hấp do nghi dị tật bẩm sinh đường hô hấp.

- Suy hô hấp ở trẻ sơ sinh thì tỷ lệ sống sót như thế nào, thưa ông?

Đối với những trường hợp này ở Viện Nhi (TƯ) thì may ra cứu được, còn đối với bệnh viện như chúng tôi thì rất khó. Mình không đủ cơ sở để chẩn đoán, cũng không thể đủ khả năng xử trí.

- Nếu không đủ sức chẩn đoán thì tại sao không cho chuyển lên tuyến trên mà sau khi cấp cứu cho cháu bé lại đưa về cho sản phụ trong tình trạng vừa sinh mổ xong?

Bởi lúc đó, sau khi hô hấp cho cháu thì thấy hồng hào trở lại nên vẫn để lại để cho anh em tiếp tục theo dõi. Đối với trường hợp nghi dị tật đường hô hấp bẩm sinh thì chúng tôi rất khó để chẩn đoán, và phương tiện cũng thiếu thốn, đơn vị chăm sóc sơ sinh không có nên đã cho trở về với mẹ.

Cái này nó có tỷ lệ nhất định, không may rơi vào ai thì phải chịu.

21 năm và 3 bác sỹ chính quy


- Liên quan đến trường hợp cái chết của hai mẹ con sản phụ Nguyễn Thị Thuận, bác sỹ Nguyễn Đình Dương – Trưởng khoa sản đang trong thời gian bị kỷ luật?

Bác sỹ Dương bị cảnh cáo, do có chủ quan, sai sót trong khi xử trí. Khi người mẹ bị băng huyết thì phải gọi anh em từ tuyến trên về hỗ trợ thì đúng hơn và có thể cứu được mẹ. Đằng này khi chưa xử trí được, bác sỹ Dương lại cho chuyển viện.

Trong quá trình chuyển viện thì người mẹ tiếp tục bị chảy máu. Khoa sản chúng tôi chỉ được 2 bác sỹ. Khi nào đi họp ở huyện và tỉnh tôi đều đề cập đến tình trạng thiếu bác sỹ được đào tạo chính quy tại bệnh viện huyện.

Ở đây bác sỹ chính quy rất hiếm, chủ yếu là bác sỹ được đào tạo từ y sỹ lên. Tôi về đây 21 năm nhưng chỉ có được 3 bác sỹ chính quy về làm việc tại đây. Cái này không riêng Bệnh viện Cẩm Xuyên mà tuyến huyện nói chung.

- Trước thực trạng đội ngũ y bác sỹ vừa thiếu vừa yếu như thế, vậy ông nghĩ thế nào khi sức khỏe và tính mạng bệnh nhân lại trông chờ vào những người như vậy?

Thực trạng là như thế nhưng mà anh em cũng làm rất cố gắng rồi. Nói thật là một số trường hơp vừa rồi, đối với chúng tôi là bất khả kháng. Như trường hợp dị tật bẩm sinh sau khi sinh. Đôi khi anh em có thể phát hiện ra nhưng không thể cấp cứu được. Nhiều khi cố gắng cũng hết sức rồi.

- Riêng đối với khoa sản, chỉ trong mấy tháng mà đã có 4 trường hợp tử vong, trong đó có 3 trẻ sơ sinh?

Một năm chúng tôi có tới 700 ca sinh, tỷ lệ cũng có khoảng 1-2 trường hợp. Như mấy tháng vừa rồi đây có nhiều ca tử vong thì cũng ngẫu nhiên rơi vào thôi.

- Còn đối với toàn bệnh viện, con số 6 nạn nhân trong vòng 4 tháng tử vong tại đây và có liên quan trực tiếp mà chúng tôi được biết, ông nghĩ thế nào về con số đó?
 

 



Như cháu bé u não thì là trường hợp bất khả kháng, có đi đâu thì cũng thế thôi. Vấn đề của bệnh viện là không phát hiện được sớm để chuyển đi, đó là thiếu sót của bệnh viện, nên chúng tôi áy náy.

Còn bệnh nhân già tuổi thì khi vào đã bị trụy tim mạch rồi, đã làm mọi cách nhưng không thể cứu được. “Chết do sức rặn của mẹ hạn chế?!”.

Những cái chết khác

Đối với cái chết đau lòng của cháu bé Nguyễn Như Tố (22 tháng tuổi), ông Minh cho biết: “Trường hợp này chuyển viện nên tôi cũng không được biết. Ở đây mỗi ngày bệnh nhân chuyển viện nhiều, khi bác sỹ Thành không cho chuyển chắc là do không nghĩ ra bệnh khác nên mới thế”.

Còn liên quan đến cái chết của ông Đặng Quốc Soa, 61 tuổi, trú ở xã Cẩm Thịnh, ông Minh nói: Bệnh nhân này tôi biết, do bị trụy tim mạch. Không có việc bác sỹ từ chối việc cấp cứu cho bệnh nhân. Trong vòng 30 phút thì bệnh nhân mất do nặng quá.

Thông tin về cái chết của cháu bé con anh chị Nguyễn Trọng Hưng và Nguyễn Thị Thu Hà (thôn 7, xã Cẩm Sơn), bà Nguyễn Thị Hồng Lĩnh, Điều dưỡng trưởng, Khoa sản cho biết: Trường hợp cháu bé con sản phụ Hà, Cẩm Sơn là vỡ ối sớm, chuyển dạ kéo dài.

“Trường hợp này vỡ ối nhưng vẫn đang trong thời gian cho phép. Khi vào có dấu hiệu chuyển dạ rồi nhưng mọi chỉ số đang bình thường nên chúng tôi cho chuyển dạ tự nhiên. Khi tử cung mở gần hết thì bác sỹ đến cho đẻ chỉ huy. Khi đẻ ra thì cháu bị suy hô hấp. Đến 9h sáng thì mất”.

“Chúng tôi chẩn đoán cháu bé ngạt, suy hô hấp do quá trình chuyển dạ kéo dài”. Về việc lý do bác sỹ quyết định cho đẻ thường mà không chỉ định mổ cấp cứu trong trường hợp này, bà Lĩnh tiếp tục cho biết: Trong quá trình chuyển dạ thì mọi chỉ số bình thường. Cháu bé bị ngạt do quá trình chuyển dạ kéo dài, khi đứa bé lọt ra thì bị nằm ngay ở khung chậu người mẹ, do sức rặn của người mẹ hạn chế nên bị ngạt.

Công văn của BV Cẩm Xuyên gửi VietNamNet:

Trong thời gian vừa qua, báo VietNamNet đã đăng một số bài phản ánh về công tác khám chữa bệnh tại Bệnh viện đa khoa huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, trong đó đề cập đến vụ việc về tử vong của mẹ con sản phụ Nguyễn Thị Thuận và một số vấn đề còn bất cập khác.

Sau khi báo nêu, Ban giám đốc bệnh viện đã tiến hành họp với các khoa phòng và các cá nhân có liên quan để tiến hành làm rõ những thông tin báo nêu và kết luận xử lý kỷ luật những cá nhân có liên quan.

Hình thức kỷ luật:

- Cảnh cáo đối với Bác sỹ Nguyễn Đình Dương

- Khiển trách đối với Y sỹ Nguyễn Thị Liên

Đồng thời Ban giám đốc đã nghiêm khắc phê bình những cá nhân chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm còn gây phiền hà cho nhân dân khi đến khám chữa bệnh tại bệnh viện.

Với tinh thần cầu tiến bộ chúng tôi hoan nghênh và tiếp thu những vấn đề báo đã nêu và xin hứa sẽ không ngừng rèn luyện, đào tạo đội ngũ cán bộ có chuyên môn và có đạo đức nghề nghiệp tốt để làm tốt công tác khám chữa bệnh cho nhân dân huyện nhà.


  • Duy Tuấn – Sỹ Tứ

Bác sĩ chần chừ, bé sơ sinh tử vong?
Những cái chết khó tin nhưng lại tiếp diễn liên tục đối với nhiều bệnh nhân khi tới điều trị tại Bệnh viện huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh).
 
Viêm phổi, u màng não, bác sĩ “phán”... đau bụng
Trên bàn thờ cạnh cửa sổ, chiếc lư hương đã đầy ú những cần hương cháy hết. Thắp một nén hương cho đứa con chết oan uổng, anh Tình (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) ngẹn giọng không thể thốt nên lời.
 
Nhất thủ tục, nhì tính mạng bệnh nhân?
Những cái chết “bất thường” ngay tại Bệnh viện huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) vẫn tiếp tục diễn ra. Người dân lo lắng và hoang mang cho số phận của người thân của mình đang phải gửi gắm vào đội ngũ y bác sỹ ở đây...