– Vấn đề quá tải bệnh viện một lần nữa được xới xáo trở lại với những ý kiến sôi nổi. Nhiều lãnh đạo các Sở Y tế, các bệnh viện cho rằng nếu không có điểm gì đột phá, ngành Y tế không thể giải được bài toán hóc búa này.

Đây là tinh thần của buổi thảo luận diễn ra chiều 13/9 trong khuôn khổ “Hội nghị sơ kết công tác y tế 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2011; Phương hướng kế hoạch phát triển sự nghiệp y tế năm 2012” do Bộ Y tế tổ chức.


Miền núi cũng quá tải!

Ông Trương Quý Dương, Giám đốc bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình cho biết ngay cả ở một tỉnh miền núi như tỉnh Hòa Bình thì bệnh viện tỉnh cũng luôn ở trạng thái quá tải 130%-140%.

Tại Lai Châu, bệnh nhân không quá đông nhưng sự quá tải lại đến theo một nghĩa khác. Hiện nay, bệnh viện đa khoa tỉnh đang thiếu khoảng 80 bác sỹ. Số bác sỹ hiện có (khoảng gần 30 người) vừa phải làm công việc của mình, vừa phải làm hết công việc của 80 người còn thiếu khiến họ luôn ở trong trạng thái căng thẳng.

Tình trạng quá tải trầm trọng là bài toán nan giải của ngành y tế nhiều năm nay (Ảnh: C.Q)

Tại bệnh viện ung bướu TP HCM, có những thời điểm bệnh nhân vào viện không phải là nằm điều trị, mà là ngồi điều trị, thậm chí là đứng để điều trị! Tất cả cũng bắt nguồn từ tình trạng quá tải quá trầm trọng.

Tập trung giải quyết bài toán quá tải bệnh viện

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết nhiệm vụ hàng đầu trong giai đoạn 2011-2016 của ngành y tế nước ta là giảm tải các bệnh viện (đặc biệt là các bệnh viện tuyến TW, các bệnh viện chuyên khoa như K, Nhi, Tim mạch, …). Các biện pháp đưa ra là tăng số giường bệnh; thực hiện nghiêm quy định chuyển tuyến, vượt tuyến; Thực hiện tốt phân tuyến kỹ thuật; Điều chỉnh giá dịch vụ y tế và tăng cường đầu tư cho y tế cơ sở.

Thống kê mới nhất mà Bộ Y tế đưa ra cho thấy tình trạng quá tải xảy ra ở tất cả các bệnh viện lớn, đặc biệt là các bệnh viện chuyên khoa. Trong đó, tỷ lệ quá tải “khủng” nhất phải kể đến bệnh viện K.

Theo con số mà Bộ Y tế đưa ra thì Khoa tia xạ tổng hợp của bệnh viện K quá tải 365%. Khoa ngoại phụ quá tải 364%, khoa ngoại cơ sở Tam Hiệp (Thanh Trì, HN) quá tải 341%, khoa tia xạ đầu cổ quá tải 318%, khoa ngoại vú quá tải 315%. Đây là bệnh viện có tỷ lệ quá tải cao nhất cả nước.

Tiếp đến là các bệnh viện Bạch Mai, Chợ Rẫy, Bệnh viện TW Huế, Bệnh viện Việt Đức, Nhi TW, Phụ sản TW, Tai mũi họng TW, … Các bệnh viện này đều có tỷ lệ quá tải thấp nhất là 122%, cao nhất là 210%.

Điều đặc biệt là các bệnh viện này cứ nỗ lực chống quá tải, mở thêm khu điều trị, tăng giường bệnh đến đâu thì chỗ mới lại quá tải y như cũ.

Điển hình là cơ sở mới của bệnh viện K hiện cũng đang quá tải như cơ sở cũ vì người bệnh kéo đến quá đông.

Bài toán giải mãi chưa thấy đáp số

Lãnh đạo các Sở Y tế, các bệnh viện có mặt tại Hội thảo cho rằng quá tải bệnh viện là tình trạng tất yếu xảy ra khi phân tuyến kỹ thuật như ở Việt Nam hiện nay. Vấn đề quá tải cũng xuất hiện đã lâu.

Ở một mức độ nào đó thì quá tải vẫn có thể chấp nhận được (vì nó như một phần tất yếu của y tế) nhưng nếu đến mức ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng khám chữa bệnh, chất lượng phục vụ, thái độ của y bác sỹ, … như hiện nay thì cần phải có biện pháp mạnh để cải thiện tình trạng quá tải này.

Bệnh viện K là một trong những bệnh viện quá tải trầm trọng nhất. Bệnh viện có 5 khoa có tỉ lệ quá tải từ 315% đến 365% và cứ mở rộng thêm ra đến đâu là chỗ đó ngay lập tức lại quá tải. Bộ Y tế đã đưa ra nhiều biện pháp giảm tải nhưng chưa thấy hiệu quả rõ rệt (Ảnh: C.Q)

Bộ Y tế từ lâu cũng đã đưa ra nhiều biện pháp để giảm tải bệnh viện. Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết ngoài các nhóm giải pháp lâu dài như hoàn thiện cơ chế chính sách, củng cố chuyên môn kỹ thuật và điều hành quản lý thì trước mắt, Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện tập trung cải tiến quy trình khám chữa bệnh hợp lý, giảm phiền hà cho người bệnh.

Ngoài ra, đưa công nghệ thông tin vào bệnh viện, rà soát quy trình khám chữa bệnh để điều chỉnh cho hợp lý, giảm thời gian chờ đợi của người bệnh. Tiếp tục nhân rộng mô hình bệnh viện ban ngày, bác sĩ gia đình, điều trị ngoại trú, khám tại nhà, khám ngoài giờ, … Giảm ngày điều trị, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, thực hiện tốt phân tuyến kỹ thuật, vv…

Tuy thực hiện từ lâu nhưng đến nay, bài toán quá tải vẫn chưa có tìm được lời giải. Mỗi ngày bệnh viện Nhi đồng 2 có khoảng 6.000-7.000 lượt bệnh nhi đến khám. Một bác sỹ của bệnh viện này phải khám 130.000 cháu/ngày. Tại các khoa ung bướu, tim mạch của các bệnh viện lớn, cường độ lao động cũng diễn ra tương tự.

“Quá tải bệnh viện sẽ mãi là cái vòng luẩn quẩn nếu không mạnh dạn chọn lấy một điểm cắt ra làm điểm đầu, giải quyết xong điểm đó sẽ gỡ rối cho toàn bộ phần còn lại”, ông Nguyễn Văn Hào, Giám đốc bệnh viện đa khoa Nam Định bày tỏ ý kiến.

Đề xuất thay đổi cách phân tuyến kỹ thuật và cách tính giá viện phí giữa các tuyến

Hiện nay, theo quy định phân tuyến kỹ thuật của Bộ Y tế thì bệnh viện ở các tuyến khác nhau có phạm vi khám chữa bệnh khác nhau.

Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo bệnh viện và Sở Y tế cho biết không nên giới hạn mức tối thiểu cho các đơn vị mà nên để mức tối đa cho các cơ sở có thể chọn lựa phát huy năng lực. Bởi những kỹ thuật họ đủ khả năng thực hiện nhưng chiểu theo phân tuyến kỹ thuật thì họ không được phép làm. Như vậy bệnh nhân bắt buộc phải lên tuyến trên, làm tình trạng quá tải gia tăng.

Một bất cập nữa là hiện nay theo quy định của luật BHYT, cùng một bệnh nhưng có sự phân biệt rõ rệt về mức thanh toán giữa các tuyến. Có những bệnh ở tuyến TW thì được BHYT thanh toán toàn bộ nhưng ở tuyến tỉnh, tuyến huyện thì bệnh nhân không được thanh toán đến mức như vậy. Vì thế, bệnh nhân đương nhiên muốn bỏ lên bệnh viện tuyến TW để khám.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đồng tình cho rằng 2 điểm này cần được xem xét, sửa đổi để tạo điều kiện cho y tế tuyến tỉnh, huyện phát huy năng lực, năng động và chủ động trong khám chữa bệnh, góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến trên.


Cẩm Quyên