-
Vừa dứt
lời, có tin báo về rằng đang cần lực lượng hỗ trợ, ông ra ngay chiếc máy cày có
gắn rơ-moóc hô hoán anh em lên xe.
Dùng phà lấp lỗ mọi
14h ngày 29/9, một chiếc phà nhỏ chở đất qua lại trên dòng kênh Bác Viện (ấp Thi Sơn, xã Tân Thành A, H. Tân Hồng, Đồng Tháp) phục vụ công trình gia cố đê bao.
Công việc đang trôi chảy bỗng một người trên phà chỉ về một điểm trên đê bao gần đó: xì lỗ mọi rồi...
Ngoái nhìn theo hướng về nơi xảy ra sự cố, anh Hồ Văn Côn (42 tuổi) đang cầm lái điều khiển chiếc phà giật mình.
Lỗ mọi chỉ bằng miệng lu, trong chốc lát đã xé to thành một lỗ thủng có đường kính gần 3m. Nước tuôn vào cánh đồng rộng gần 400 ha.
Lão phú nông Hồ Văn Đực |
Nếu đoạn đê này vỡ, khả năng diện tích này sẽ ngập trắng cướp đi biết bao công sức và tài sản của bà con.
Không chần chừ, một mặt gọi điện báo về cơ quan chức năng yêu cầu hỗ trợ, một mặt anh Côn bẻ bánh lái hướng về lỗ thủng.
Anh dùng chính chiếc phà bịt kín lỗ thủng. Nước đã bị chặn nhưng nếu không được chi viện kịp thời sẽ không cầm cự được bao lâu.
Xáng cạp được điều đến nhấn chìm phà, sau đó hàng loạt bao đất được lấp lên. Lỗ thủng được vá kín an toàn. Chiếc phà chìm sâu dưới đáy kênh.
Bà Nguyễn Thị Hôn, vợ ông Bảy |
Gương mặt mọi người giãn ra. Ai nấy thở phào nhẹ nhõm. Nếu không phản ứng kịp thời sẽ có nhiều người bị trắng tay.
Hành động nghĩa hiệp của người cầm lái con phà được nhiều người cảm kích. Nhưng khi hiểu chuyện, mọi người càng cảm kích hơn khi biết chủ nhân chiếc phà đó cũng một lòng như người cầm lái.
Chủ phà là ông Hồ Văn Đực, thường gọi là Bảy Đực, một lão nông năm nay đã 68 tuổi là cha ruột anh Côn.
Ông Bảy Đực nói: "Con tôi hành động rất đúng. Mặc dù đó là tài sản của gia đình nhưng mất một chiếc phà để hàng trăm bà con nông dân không phải đói thì cũng là điều nên làm".
Một người dân cho biết, năm nào cũng vậy, hễ đến mùa nước lớn, gia đình ông Bảy ai nấy cũng nhiệt tình trong việc bảo vệ đê bao.
Ông là một phú nông nhưng đã đem hết tài sản của mình để phục vụ cứu đê mà không cần sự yêu cầu của bất cứ ai.
Ông già phú nông vẫn còn “gân”
Chúng tôi gặp ông bà tại căn nhà nằm sát con đường bờ đông kinh Tân Thành. Hai ông bà đang tất bật hướng dẫn mọi người ngăn sân để bơm cát.
Bà Hôn, vợ ông Bảy cho biết: “Phải hi sinh ao cá. Cát từ sàlan được bơm vào sân ngăn lại để nước tràn xuống ao. Nước này vô ao sẽ làm cá chết và cát theo nước cũng làm cạn ao. Nhưng thôi, không sao cả, miễn làm sao bảo vệ được đê là tốt rồi".
Ông ra ngay chiếc máy cày có gắn rơ-moóc hô hoán anh em lên xe. |
Bà tâm sự, nhà có hai chiếc phà dùng để chở máy gặt đập liên hợp đi làm khắp các nơi. Mất đi một chiếc cũng chẳng sao. Nhà cũng có hai máy cày, hơn 20ha lúa trong cánh đồng Bắc Viện.
"Việc bảo vệ đê để cứu lúa, gia đình tôi từ lớn đến nhỏ ai cũng đồng tình cao. Bởi vậy, không cần ai nói, không cần chỉ đạo của các cấp, khi thấy việc phải làm thì làm nên con tôi chấp nhận hi sinh chiếc phà để đê khỏi vỡ" - bà nói.
Ông Bảy Đực cũng góp thêm lời với vợ: “Mình xuất thân là nông dân nên việc gì có ích cho người làm nông là tôi làm”.Vừa dứt lời, có tin báo về rằng đang cần lực lượng hỗ trợ, ông ra ngay chiếc máy cày có gắn rơ-moóc hô hoán anh em lên xe.
Khi đến nơi, ông nhảy xuống xe đến chỗ này, qua chỗ nọ góp ý mọi người phải làm sao cho có chất lượng.
Ông già phú nông 68 tuổi cầm lái máy cày chạy bon bon trên con đường đê ngoằn ngoèo sẽ là hình ảnh ấn tượng khó quên với chúng tôi trong đợt công tác này.
Trần Chánh Nghĩa