– Chiều 2/10, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão TW - Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn tại Bộ NN&PTNT. Ngoài những thông tin chỉ đạo về bão số 6, Phó Thủ tướng cũng kiểm điểm một số nội dung trong công tác phòng, chống bão số 5.

TIN LIÊN QUAN:

“Dự báo bão không thể chính xác 100% được”

Tại cuộc họp này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám – người vừa xuống Quảng Ninh kiểm tra công tác phòng, chống bão số 5 - cho rằng công tác dự báo bão số 5 “có vấn đề” vì ban đầu dự báo bão không vào Quảng Ninh nhưng đến sáng 30/9, khi chỉ còn vài giờ nữa là bão đổ bộ, thì TT dự báo khí tượng thủy văn TW lại cho biết tâm bão sẽ vào Quảng Ninh.

Trước đó, VietNamNet cũng đã có bài phản ánh ý kiến của lãnh đạo một số địa phương của tỉnh Nam Định, cho rằng công tác dự báo bão số 5 của cơ quan khí tượng không cụ thể (dự báo trên diện quá rộng) khiến địa phương không biết phải xoay sở thế nào, tốn nhiều sức lực và tiền của, lại khiến người dân đâm “lờn” bão.

Trên thực tế, kể từ khi bão số 5 hình thành, cơ quan khí tượng thủy văn Việt Nam đều dự báo vùng tâm bão sẽ vào Quảng Ninh – Nam Định.

Lãnh đạo xã Nam Điền (huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) cho biết dự báo trên diện rộng khiến xã mất nhiều công sức và tiền của trong việc phòng chống (Ảnh: VietNamNet)

Trước những ý kiến trên, phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết: “Trước khi bão đổ bộ thì cơ quan khí tượng đã cảnh báo một vùng rộng lớn. Như vậy, tất cả các địa phương thuộc vùng cảnh báo đều phải nghĩ rằng tâm bão có thể rơi vào mình. Với thiên tai thì không thể tính toán trước một cách chính xác 100% được mà luôn phải tính đến tình huống xấu nhất”.

Phó Thủ tướng còn nhấn mạnh: “Riêng với bão lũ, nhất là các cơn bão mạnh như cơn bão số 5, thì cần xác định thà làm nhầm còn hơn là chủ quan. Lần này các địa phương nằm trong tâm bão đã sơ tán toàn bộ 25.000 người nhưng kết quả là không có thiệt hại nào về người”.

Theo phó Thủ tướng, nếu không cảnh giác và sẵn sàng ngay từ đầu thì không biết hậu quả sẽ thế nào. Ông cũng lấy Quảng Ngãi làm ví dụ. Trong cơn bão số 9 (rất mạnh) xảy ra vào tháng 9/2009, vùng tâm bão dự báo sẽ bao phủ cả 11 tỉnh miền Trung nhưng riêng Quảng Ngãi lại “chủ quan” khi cho rằng mình chỉ ở “rìa” nên cứ “tà tà” mà phòng chống. Cuối cùng, Quảng Ngãi bị thiệt hại nặng nhất.

Lãnh đạo TT dự báo khí tượng thủy văn TW cũng cho biết diễn biến một cơn bão thay đổi liên tục, vùng tâm bão rất rộng, vì thế không thể đưa ra chính xác địa điểm cụ thể một vùng nào đó mà chỉ có thể đưa ra cảnh báo cho cả một vùng.

Để dân chết, lãnh đạo địa phương bị phạt

Tại cuộc họp này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đã kiểm điểm với Bộ NN&PTNT cùng các cơ quan liên quan về công tác phòng, chống bão số 5. Theo ông Hải, trong cách ứng phó với cơn bão số 5, các địa phương nên học tập Hải Phòng. Vì trước khi bão vào, lãnh đạo tỉnh cho biết địa phương nào để dân chết vì bão thì lãnh đạo địa phương đó sẽ bị phạt nặng.

“Điều này khiến lãnh đạo các địa phương không kêu gào, hô hào chung chung nữa”, Phó Thủ tướng đánh giá.

Còn tại Quảng Ninh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết khi bão đã đến chân rồi nhưng còn khoảng 80 người ngoài đảo Vân Đồn vẫn không di chuyển vào được trong bờ vì đây toàn là những người làm thuê cho chủ các lồng bè nuôi thủy hải sản. Việc chậm chễ này là do chủ lồng bè không cho họ vào bờ.

Điều này đã khiến công tác cứu hộ gặp rất nhiều khó khăn vì sóng to gió lớn, tàu cứu nạn không thể tiếp cận. Nhưng rất may cuối cùng không có ai thiệt mạng.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo: “Phải chỉ đạo địa phương cưỡng chế chủ các lồng bè đó, sau đó phạt theo quy định bởi họ đã có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống lụt bão”.

Ngoài ra, trong cơn bão số 5 vừa qua, Thái Bình có một đoạn đê bị vỡ vì không đủ vật liệu sẵn để gia cố, khiến cho nhiều diện tích lúa bị ngập úng. Phó Thủ tướng chỉ đạo Thái Bình cần rút kinh nghiệm vì theo các quy định về quản lý đê điều thì những vật liệu như tre, bao cát, .. lúc nào cũng phải có sẵn, khi bão đến chỉ việc huy động người làm chứ không phải lúc đó mới chạy đi mua vật liệu.

Cẩm Quyên