– Ông là Lê Văn Hoà (xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh, là cựu binh của tàu không số năm xưa. Ông bà được 7 người con thì có tới 6 người bị di chứng của chất độc da cam. Đến nay, đứa cháu nội mà ông hy vọng nhất cũng đang có nguy cơ của căn bệnh quái ác.

Bảy lần truy điệu sống trên tàu không số
Kí ức về những tháng ngày lênh đênh trên biển, đối mặt hiểm nguy trên con tàu không số lại trở về vẹn nguyên như mới ngày hôm qua trong tâm trí người cựu binh Ngô Tất Tiến (66 tuổi, ở thôn Nam, xã Nhân Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình).
 
Nhân chứng sống từng đóng ‘tàu không số’
Những người thợ tài hoa tại thôn Trung Kiên, xã Nghi Thiết, (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) đã hoàn thành những sứ mệnh lịch sử của dân tộc giao phó, chế tác ra những con tàu, trong đó có "tàu không số".


7 năm phục vụ trên đoàn tàu không số, hoà bình lập lại, ông trở về với gia đình với bao ấp ủ xây dựng. Nhưng rồi tai hoạ ập đến khi những đứa con không bình thường lần lượt ra đời.

Ngày chúng tôi có mặt ở nhà ông cũng là ngày gia đình nhận được thông báo, đứa con út tật nguyền của ông được tặng chiếc xe lăn nhân ái. Nhưng ông chẳng vui nữa, đứa con đó đã mang theo nỗi đau da cam về với đất trước đó mất rồi.

Nước mắt lại lăn dài trên khuôn mặt khắc khổ hằn in những vết chân chim của người cựu binh đoàn tàu không số năm xưa.

7 năm lênh đênh trên biển

Thấy chúng tôi hỏi về đoàn tàu không số, ánh mắt ông chợt sáng lên, đôi môi hé lên nụ cười hiếm hoi, lúc này dường như lão ngư Lê Văn Hoà đã quên hết mọi phiền muộn trong cuộc sống.

Ông chạy vào trong căn buồng bé tin hin của hai vợ chồng, lục lọi trong cái rương gỗ đã mục rồi lôi ra một chiếc áo của chiến sỹ hải quân.

“Cái áo này là kỷ vật còn lại quý nhất của những tháng năm trên tàu không số. Nhìn nó mới thế này nhưng tôi đã cất nó 30 năm rồi đấy”, lão cười.
 

Cựu binh của đoàn tàu không số năm xưa buồn rầu bên đứa cháu khôi ngô nhưng chẳng may đã bị ảnh hưởng của chất độc da cam. Ảnh: Duy Tuấn

Năm 1969, chàng thanh niên khoẻ mạnh của làng chài Thạch Kim chính thức nhập ngũ. Lúc này đây những đoàn tàu không số của miền Bắc Việt Nam đã làm nên nhiều kỳ tích trên biển.

Chàng trai trẻ Lê Văn Hoà cũng ao ước được gia nhập đội ngũ đó dù biết rằng rất nhiều hiểm nguy sẽ rình rập trên “đường mòn Hồ Chí Minh trên biển”.

Vốn sinh ra và lớn lên từ làng biển, từng ra khơi vào lộng, có nhiều kinh nghiệm đi tàu thuyền, Lê Văn Hoà đã lọt qua được những điều kiện khắt khe khi gia nhập đội ngũ những chiến sỹ trên đoàn tàu không số.

Sau một thời gian được đào tạo tại Tiên Yên, Quảng Ninh, cuối năm 1969, ông Hoà chính thức hành quân cùng chuyến tàu không số V641 thuộc đoàn 125.

Để rồi một chặng đường dài 7 năm, ông lênh đênh cùng những con tàu huyền thoại. Phục vụ nhiệm vụ bảo vệ cho những chuyến tàu tiếp viện cho miền Nam, ông Hoà cũng như những cán bộ chiến sỹ trên tàu đều xác định được sẵn sàng chấp nhận hy sinh vì sự nghiệp thống nhất của đất nước.

Người cựu binh của đoàn tàu không số năm xưa vẫn nhớ như in chuyến vận chuyển trên biển vào tháng 3/1971 và cũng là chuyến đi “định mệnh” của cuộc đời ông.

Tàu V641 xuất phát từ bến K15 ở Đồ Sơn chở vũ khí vào miền Nam. Sau khi vật lộn với những cơn sóng bão dữ trên biển Đông, qua mặt được tai mắt của địch, ông và 21 cán bộ, chiến sỹ trên tàu đã cập bến tại rừng Đước ở huyện Năm Căn, Cà Mau.

Và trong một lần đi vào rừng Đước bảo vệ cho tàu ra bốc hàng, chiến sỹ Lê Văn Hoà đã mắc phải chất độc hoá học. Ông cũng chẳng biết là mình bị chất độc ngấm vào người từ lúc nào, chỉ đến khi hoà bình lập lại, lấy vợ rồi những đứa con ra đời, ông mới biết rằng mình đã mắc phải loại chất độc nguy hiểm của đế quốc Mỹ.

Nối đau “ngấm” qua 3 thế hệ

Xuất ngũ, về lại quê hương, lập gia đình, người cựu binh đoàn tàu không số cũng đã cố gắng hết sức để xây dựng gia đình. Ông kết duyên cùng với một người con gái cũng vừa phục vụ ở lực lượng công nhân quốc phòng về.

Vốn có nhiều kinh nghiệm đi biển, cộng với làm việc cần mẫn, ông Hoà đã xây dựng gia đình dần khá lên từ nghề ngư nghiệp. Năm 1975, ông dành dụm làm được căn nhà gỗ, cũng vào loại khá giả ở làng.

Ông bà Hoà có tất thảy 7 người con thì 6 người bị ảnh hưởng của chất độc da cam.

Nhưng rồi tai hoạ ập đến. Năm 1975, vợ chồng ông Hoà sinh người con đầu lòng. Đứa con này khi sinh ra chỉ có thể xác, có lớn mà chẳng có khôn. Hai vợ chồng chẳng hiểu nổi con mình mắc bệnh gì, đã đưa con đi tìm đủ loại thuốc để chữa nhưng rồi tiền bạc ngày càng khánh kiệt mà người con thì vẫn cứ thế. Đã 35 tuổi đầu nhưng chỉ biết nói cười suốt cả ngày, chẳng biết bố mẹ là ai.

Bao nhiêu hy vọng ông bà đổ dồn về những đứa con ra đời sau đó. Nhưng rồi lần lượt 6 đứa con nữa ra đời, chỉ có duy nhất một người con gái thứ 3 là “khoẻ mạnh”, còn lại 5 người kia đã nhiễm chất độc màu da cam từ người bố. Đứa nhẹ thì đãng trí, mắt mờ, người nặng thì không thể làm chủ, nằm liệt một chỗ...

Niềm tự hào lớn nhất cũng là nguồn động viên lớn của vợ chồng người cựu binh này là người con gái thứ 3. Chị mới lấy chồng khi bước qua tuổi 34 và đang là giáo viên ở trong miền Nam.

“Khổ lắm. Nhiều người biết hoàn cảnh nhà tôi như thế, đứa không có khả năng lập gia đình thì không nói, đứa khoẻ mạnh như con H., lại được ăn học nhưng rồi cũng phải bỏ xứ mà đi mới lập được gia đình. Người đời họ không tránh mình nhưng nghe đến chất độc da cam thì cũng nghĩ ngợi nhiều ”, ông chua xót nói.

Niềm vui đến với ông bà khi người con trai thứ Lê Văn Hoàng lấy được vợ, tuy rằng người con dâu cũng không được “khoẻ mạnh” như người khác nhưng cũng đã mang thêm niềm vui cho ông bà khi những đứa cháu ra đời.

Nhưng rồi tai hoạ lại vẫn không “buông tha” gia đình ông. Nhìn đứa cháu trai khôi ngô Lê Văn Hoạt đang đùa vui, mắt ông lại đượm buồn.

“Nhìn nó thế đây nhưng không khoẻ đâu chú ạ. Bình thường thì nó rất thông minh, hoạt bát, nhưng thỉnh thoảng tự nhiên người nó cứ đờ người ra, không nhận biết được gì. Cha con đang bàn nhau đưa nó đi bác sỹ xem thế nào nhưng chưa có tiền”.

Mòn quà nhân ái muộn màng

Ngày chúng tôi có mặt cũng là lúc gia đình ông Hoà nhận được thông báo từ UBND huyện Lộc Hà từ tay xóm trưởng, đứa con gái út bại liệt của ông bà được nhận được hỗ trợ 1 chiếc xe lăn từ một tổ chức từ thiện.

Cầm tờ giấy thông báo trên tay mà ông rưng rưng nước mắt. Ông đã khóc. Những giọt nước mắt khóc cho kiếp người bất hạnh của ông bà và thương cho những đứa con tội nghiệp.

Tờ giấy thông báo người con út của ông nhận được chiếc xe lăn nhân ái. Nhưng tất cả đã muộn khi người con này từ giã trần gian cách đó không lâu

Mãi khi ông bình tĩnh lại tôi mới hiểu được. Người con có tên trong tờ giấy thông báo này đã mất cách đây 5 tháng. Em là Lê Thị Huân, con gái út của ông bà. Từ khi sinh ra cho đến khi “ra đi” em chưa từng bước ra bợp cửa. Em bị liệt bẩm sinh và đã giã từ trần thế khi tuổi vừa 18.

Xóm trưởng xóm Liên Vận, ông Nguyễn Thanh Hoá chia sẻ: Hiếm có gia đình nào khổ cực như ông bà Hoà. Trở về sau chiến tranh, mang theo chất độc da cam. Không những ảnh hưởng đến đời con mà còn cả cháu cũng bị.

Căn nhà gỗ cũ kỹ 3 gian nhỏ bé, nơi gia đình ông bà Hoà và những người con ở đã được làm từ 30 năm nay. Và cũng chừng đó năm ông chưa thể sửa chữa lại. Nay, góc thì dột, góc thì mối mọt gặm dần từng đòn gỗ.

Sau khi tiễn chúng tôi ra về, người cựu binh của đoàn tàu không số năm xưa liền cởi chiếc áo kỷ niệm, leo lên mái nhà đảo lại một số viên ngói vỡ để khỏi dột...

Duy Tuấn - Trần Văn