– Chuyện phong bì bệnh viện nói riêng và y đức xuống cấp
nói chung có nguyên nhân sâu xa từ cấu trúc ngành y tế của ta hiện nay rất nhiễu
loạn và nó không còn phù hợp trong hoàn cảnh mới.
Hưởng ứng diễn đàn “Y
đức và phong bì bệnh viện” do VietNamNet tổ chức, Tiến sĩ, bác sĩ Trần Tuấn –
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng (thuộc Liên hiệp
các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) đã đưa ra những ý kiến chứa đựng giải
pháp (ở tầm vĩ mô) để thúc đẩy cải cách y tế nhằm giảm quá tải, đẩy lùi tiêu cực
trong ngành y, trong đó có “vấn nạn” phong bì và y đức xuống cấp.
Theo ông Tuấn, những lý giải tập trung vào thu nhập, quá tải mới chỉ chạm đến bề
ngoài mà chưa đi sâu vào bản chất của vấn đề. Bản chất của vấn đề y đức xuống
cấp là sự rối loạn, bất hợp lý của hệ thống y tế.
Hệ thống y tế rối nhiễu dung dưỡng cho tiêu cực phát sinh.
Theo TS Trần Tuấn, y đức xuống cấp (cái dễ nhìn rõ nhất là nạn phong bì) là cái
mà cả xã hội lẫn ngành y tế đều nhận ra. Nó nổi cộm lên từ khi nước ta chuyển
sang nền kinh tế thị trường. Trước đây thì có nhức nhối như vậy đâu?
Vì chuyển sang nền kinh tế thị trường nên mọi thứ phức tạp lên rất nhiều (trong
khi năng lực quản lý của ta không theo kịp). Khi đó, ta đưa các dịch vụ vào để
thu phí, mở rộng y tế tư nhân, tạo ra các cơ sở y tế cho phép tổ chức các hoạt
động làm sản sinh thêm nhiều lợi ích để các cơ sở khám chữa bệnh có thêm kinh
phí (coi như một nguồn thu thêm, gắn với nguồn thu chung của nhân viên y tế).
Ngoài ra, gắn với sự xuống cấp chung của xã hội trong thời gian gần đây thì vấn
đề y đức trở thành điểm nóng và được đặt ra ở mọi cấp độ.
Nhiều người cho rằng gốc rễ của phong bì (hay nói rộng hơn là y đức) xuất phát
từ việc chế độ đãi ngộ của cán bộ y tế quá thấp (so với công sức học hành, làm
việc và so với cả các ngành nghề khác trong xã hội) và từ vấn đề hệ thống là quá
tải bệnh viện.
Tuy nhiên, về chuyện phong bì bệnh viện và y đức của cán bộ y tế, ông Tuấn đánh
giá: “Không thể phủ nhận vai trò của cá nhân của họ nhưng nếu chỉ có vậy thì
chưa thỏa đáng và đầy đủ. Chuyện phong bì bệnh viện nói riêng và y đức xuống cấp
nói chung có nguyên nhân sâu xa từ cấu trúc ngành y tế của ta hiện nay rất nhiễu
loạn và nó không còn phù hợp trong hoàn cảnh mới. Cấu trúc nhiễu loạn ấy khiến
tiêu cực phát sinh và dung dưỡng cái xấu”.
Hai sự nhiễu loạn chính
Ông Tuấn phân tích sự nhiễu loạn này trên hai phương diện:
Thứ nhất: Khi chuyển sang nền kinh tế thị trường, điểm mạnh rõ rệt là tạo ra sự
cạnh tranh bình đẳng trong khuôn khổ pháp luật nhất định nhằm phát huy tối đa
nguồn lực trong xã hội để phục vụ chính các nhu cầu của xã hội đó song nhược
điểm của nó là nó sẽ làm phát sinh tình trạng kẻ mạnh chèn ép kẻ yếu.
Đối với dịch vụ y tế, điểm này rất rõ rệt. Lĩnh vực y tế có đặc thù là người dân
không tự đánh giá, xác định được nhu cầu và chất lượng dịch vụ mà mình được thụ
hưởng. Nhu cầu và chất lượng dịch vụ y tế do chính nhà cung cấp dịch vụ quyết
định (tức là các bác sỹ, các cơ sở khám chữa bệnh).
Ở Việt Nam, không có tổ chức trung gian độc lập giám sát chất lượng dịch vụ y
tế. Như vậy là việc khám chữa bệnh và điều trị là không thể khách quan. Và trên
thực tế là bên cung cấp dịch vụ (bác sỹ, bệnh viện) sẽ tận thu và đẻ ra một loạt
hệ quả như lạm dụng kỹ thuật, chất lượng điều trị chạy theo đồng tiền, vv… Điều
này đã được báo chí phản ánh rất nhiều.
Thứ hai: Khi đẩy ngành y tế vào kinh tế thị trường, ngoài các cơ sở y tế tư nhân
ra đời thì phần y tế công lập còn lại vẫn hoạt động theo cơ chế bao cấp, phân
chia theo các tuyến và đầu tư kinh phí theo các tuyến.
Điều đó dẫn tới hệ quả là bệnh viện tuyến nào chỉ được giới hạn làm các chỉ tiêu
kỹ thuật tương ứng với tuyến. Khi đó, nó vừa khiến cho tuyến trên luôn luôn được
phát triển (và kìm hãm tuyến dưới), nó vừa tạo cảm giác cho người dân là chỉ có
tuyến trên mới thực hiện được các kỹ thuật phức tạp.
Cộng với điều kiện giao thông và
thông tin tốt thì việc người bệnh đi lên tuyến trên là tất yếu khiến tuyến trên
quá tải. Từ đây, người dân ganh đua nhau để có thể được sử dụng dịch vụ tốt. Nạn
phong bì và y đức có điều kiện tốt để nảy sinh và phát triển từ đó.
Vì thế, nếu nói vai trò cá nhân của bác sỹ trong vấn đề y đức xuống dốc thì cần
nhìn nhận một cách đa chiều. Con người ta luôn có cái xấu lẫn cái tốt. Trong môi
trường xấu thì cái xấu sẽ nhiều lên, trong môi trường tốt thì cái tốt cũng nhiều
lên.
Cho nên nếu chỉ quy chụp cá nhân
thì mỗi cá nhân phải tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình nhưng thực tế là
môi trường ngành y hiện đang dung dưỡng họ khiến họ có điều kiện để vi phạm
nhiều hơn. Vì thế, muốn cải tạo họ, bên cạnh việc giáo dục họ thì phải cải tạo
môi trường mang tính hệ thống.
Phải cải tổ ngành y tế một cách hệ thống
Theo ông Tuấn, giải quyết được bài toán “rối nhiễu hệ thống” của ngành y tế sẽ
dẫn đến giải quyết được tận gốc một loạt các vấn đề nhức nhối của ngành y tế
hiện nay (như quá tải, đãi ngộ, y đức và bao trùm là chất lượng khám chữa bệnh).
Ông Tuấn đưa ra 3 giải pháp để định hướng lại nền y tế trong cơ chế thị trường.
Thứ nhất: Cần có một bên thứ 3 giám sát chất lượng dịch vụ y tế một cách độc
lập, khách quan, hướng về phía người sử dụng, hỗ trợ họ để đánh giá xem chất
lượng dịch vụ họ nhận được có tương xứng với chi phí mà họ bỏ ra hay không?
Theo ông Tuấn, những lý giải tập trung vào thu nhập, quá tải mới chỉ chạm đến bề
ngoài mà chưa đi sâu vào bản chất của vấn đề. Bản chất của vấn đề y đức xuống
cấp là sự rối loạn, bất hợp lý của hệ thống y tế.
Thứ hai: Cần tránh tạo ra cấu trúc nền y tế như hiện nay (phân chia theo tuyến,
đầu tư theo tuyến và chỉ giới hạn khám chữa bệnh trong phạm vi được cho phép
nhưng nguồn lực của địa phương có thể được tổ chức tốt hơn để làm được nhiều
việc). Điều này vừa kìm hãm sự phát triển của y tế các địa phương, vừa tạo tâm
lý “chuộng tuyến trên” cho người bệnh.
Thứ ba: Cần tách bạch công – tư trong y tế để có hướng đầu tư hiệu quả. Hiện nay
ta đang lẫn lộn công – tư và ngay trong bệnh viện công thì yếu tố công – tư cũng
lẫn lộn.
Y tế tư nhân nhắm vào nhu cầu thị trường và đầu tư vào những khu vực dễ sinh lợi
nhất.. Nhìn chung như thế y tế tư sẽ rất phát triển ở các thành phố lớn, đặc
biệt cho các kỹ thuật cao và như vậy khâu điều trị sẽ phát triển rất mạnh.
Còn lại các vấn đề như giáo dục sức khỏe cho người dân, chăm sóc sức khỏe ban
đầu, y tế dự phòng thì Nhà nước phải làm.
Như vậy, cần nhìn rõ rằng: Cái gì tư nhân làm được thì để tư nhân làm. Còn lại
cái gì nhận kinh phí của Nhà nước thì để Nhà nước giải quyết (y tế dự phòng và
chăm sóc sức khỏe ban đầu, y tế vùng sâu vùng xa, y tế cho người nghèo).
Khi tách bạch rõ như vậy, ta cũng giải quyết được vấn đề quá tải và thu nhập của
bác sỹ. Cần nhớ: để làm việc được, bác sỹ phải có tâm nhưng họ phải có thu nhập
để đảm bảo cuộc sống. Như vậy lương chắc chắn phải được cải tổ. Trong khi đó,
ngân sách có mức độ.
Nếu xác định rõ phần nào tư nhân lo, phần nào Nhà nước lo (như y tế dự phòng và
chăm sóc sức khỏe ban đầu, y tế vùng sâu vùng xa) thì với những người yêu thích
công việc này Nhà nước cần tập trung nguồn lực tài chính để đãi ngộ thỏa đáng
cho họ. Còn lại, những người làm y tế tư nhân được tạo hành lang thông thoáng để
họ lựa chọn.
Lúc này, nhiệm vụ của Nhà nước là giám sát chất lượng sao cho y tế tư nhân không
vi phạm các nguyên tắc về khám chữa bệnh và y đức, đồng thời xây dựng chính sách
hợp lý cho người nghèo.
Chỉ khi cấu trúc lại hệ thống y tế theo hướng này, ta mới giải quyết tận gốc vấn
đề quá tải và y đức.
Cấu trúc lại nền y tế là việc không đơn giản và nghe có vẻ xa vời.
Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng có phức tạp đến mấy thì vẫn phải làm bởi “đến một lúc nào đó những bức xúc nó quá lớn thì các nhà quản lý không thể làm ngơ. Việc đầu tiên phải làm là cần lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học thực sự - những người có trình độ, kiến thức, kinh nghiệm và không bị tham vọng chính trị chi phối”.
Ông Trần Tuấn là bác sĩ y khoa chuyên ngành Dịch tễ học (Đại học Y Hà Nội, 1977-1986), là nghiên cứu sinh chương trình nghiên cứu sức khoẻ quốc tế Takemi (Đại học Y tế Công cộng Harvard, 1994-1995) và là Tiến sĩ Dịch tễ học và Sức khoẻ Cộng đồng (Đại học Newcastle , Australia , 1997-2003). Ông là một trong những người sáng lập RTCCD và đã tham gia rất nhiều dự án, đề tài và hội thảo về phản biện chính sách công trong lĩnh vực y tế của Việt Nam. Ông còn là cố vấn, giảng viên trong nhiều chương trình phản biện chính sách công về y tế của Văn phòng Hỗ trợ, Tư vấn Phản biện và Giám định Xã hội (OSEC) thuộc Trung ương Liên hiệp hội. |
Ngọc Anh (ghi)