- Chuyện sản phụ Trần Thị Thơm tìm được đứa con dứt ruột đẻ ra mới vài ngày tuổi đã có một cuộc phiêu lưu ngoạn mục khiến hàng triệu người xúc động đến nghẹt thở. Tuy nhiên, làng Hà Thị (xã Vân Hà, Đông Anh, Hà Nội), nơi tìm được cháu bé sơ sinh, không khí lại pha cả nỗi cám cảnh, cảm thông hay bàng hoàng đến mức không tin là chuyện có thật.


Chuyện của gia đình trưởng thôn

Khi Nguyễn Thị Lệ bị phát hiện bắt cóc em bé sơ sinh mang về “nhà chồng” ở làng Hà Thị nuôi dưỡng, rồi cả gia đình “nhà chồng” của Lệ đều không mảy may nghi ngờ, và mặc nhiên tiếp nhận cháu bé như một thành viên mới.

Chuyện chỉ phát giác khi cả làng Hà Thị có nhiều bóng dáng cảnh sát tìm về, và vài tiếng đồng hồ sau, báo chí và truyền hình đưa tin về cuộc đoàn tụ đầy ngọt ngào và hạnh phúc của người mẹ mất con, cả làng Hà Thị mới ngã ngửa.  

Hai năm trước, cả làng ngơ ngác khi thấy một cô gái trẻ, xa lạ, hình dáng bên ngoài cũng khá ưa nhìn… theo chân anh Tường, con cả của ông Thọ “cao” (trưởng thôn Hà Thị) về đây ăn ở như một cô con dâu.

Nguyễn Thị Lệ

Chuyện anh Tường mấy năm trước đã có một đời vợ, sau đó tình duyên đứt gánh cả làng ai cũng biết.

Nhưng, việc anh Tường tái hôn, thực hư thế nào thì không ai hay, vì cả làng có được ăn cỗ mời của gia đình ông trưởng thôn bao giờ đâu? Đầu làng cuối xóm, các bà các mẹ chỉ biết đoán già đoán non, xì xào bàn tán.

Như thế, có nghĩa là cô Lệ theo không về làm dâu làng Hà Thị mà không cần cưới cheo gì sất! Đám thanh niên đang tuổi chơi bời, mười người thì chín người đều chung một nhận xét: Tường có tiếng là ăn chơi nhất làng, đẹp trai, sành điệu, đi cả sàn.

Cô vợ trước của Tường cũng không phải người làng Hà Thị, mà mãi tận đâu như ở Vĩnh Phúc. Chị này làm nghề gội đầu cắt tóc, gặp Tường sinh lòng yêu đương rồi nên duyên. Mấy năm làm vợ nhưng chị chưa kịp làm thiên chức của một người mẹ, làm tròn trách nhiệm của cô con dâu đối với ông bà Thọ, nghĩa là chưa một lần sinh nở.

Đến khi Nguyễn Thị Lệ về nhà, vợ chồng ông Thọ cũng đành chấp nhận, vì đứa con trai kiêm cháu đích tôn được cưng chiều từ bé, quen thói làm theo ý mình đã sinh ra chơi bời, lười lao động…

Ông bà phải nói cứng, như là ra điều kiện với đôi vợ chồng “Tường – Lệ”, rằng phải đẻ được con thì mới cho cưới.

Thời gian gần hai năm về “làm dâu” chưa phải là dài nhưng Lệ cũng đã để lại nhiều điều tiếng trong làng: “Cô này cũng là gái ăn chơi, có ăn chơi mới theo không về làm vợ hờ của Tường, mà Tường thì ăn chơi có tiếng, được cái đẹp giai, con nhà có của ăn của để gần như nhất làng… Chẳng thấy vợ chồng nó làm ăn gì, chỉ đi tối ngày, mà xưởng mộc của ông Thọ mở ra cũng chỉ làm vì, không thấy làm hàng làm họ gì mấy…”.

Đó là câu chuyện của những người phụ nữ làng Hà Thị khi nói về cô gái có tên Lệ - “con dâu” của nhà ông trưởng xóm Thọ “cao”.

Vân Hà là làng nghề mộc truyền thống nổi tiếng vùng đồng bằng Bắc Bộ. Sản phẩm mộc của Vân Hà xuất sang Trung Quốc, nếu tiêu thụ ở Việt Nam cũng là dòng đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp cả.

Đàn ông đàn bà trong làng đều theo nghề tổ truyền, đầu tắt mặt tối lam lũ quanh năm. Ngay như đứa trẻ cấp hai, rời quyền vở là phải cầm tờ giấy ráp đánh bóng đồ gỗ… Không ai là không có việc.

Công việc bộn bề quanh năm được thể hiện ở những bãi gỗ chất đầy hai bên đường, men theo đường xóm, hay đám mùn cưa, mùn xẻ gỗ ngợp khắp ngõ xóm, bay mù mịt khi có xe chạy qua.

Vì lam lũ, tảo tần nên người Hà Thị ai cũng già nhanh trước tuổi, trông khắc khổ, vất vả. Hình như, chỉ có Tường là hiếm hoi trong đám thanh niên làng, với vẻ ngoài đẹp trai và tính phong lưu, rất ít khi phải động chân động tay vào cái tràng, cái đục…

Câu chuyện ở quê cứ miên man, cái nọ dắt díu cái kia. “Thời đất Đông Anh sốt giá, khách nườm nượp đổ về mua đất Vân Hà đầu tư, làm giá đất làng Hà Thị hôm qua còn như cái bánh đúc, hôm nay đã hóa vàng ròng. Nhà ông trưởng thôn Thọ giàu lên trông thấy, sau đấy là dân tình đâm đơn kiện tụng khắp các cửa, kiện cả ông trưởng thôn Hà Thị. Sau đận ấy thì ông Thọ “cao” mất chức trưởng thôn…”.

Qua những câu chuyện ấy, có vẻ như gia đình nhà chồng của cô “con dâu hờ” Nguyễn Thị Lệ cũng không được lòng chòm xóm, và với làng giềng, nhà ông Thọ cũng chẳng được cảm tình.

Đằng sau… nỗi buồn

Mang đặc thù của vùng quê Bắc Bộ - đất chật người đông nên đường thôn, ngõ xóm Vân Hà chen chúc nhau, kẻ ô bàn cờ, nhà cửa dày như nêm cối. Chật vật mãi cuối cùng chúng tôi cũng tìm được nhà chủ tịch xã Vân Hà, anh Chiến, nhưng anh đi vắng.

 

Liên hệ qua điện thoại, chỉ thấy tiếng của anh gấp gáp, xen lẫn âm thanh hỗn độn, huyên náo. Anh cho biết đang ở hội chợ Giảng Võ, bên Hà Nội vì tối nay là ngày khai mạc hội chợ, làng nghề Vân Hà cũng có gian hàng đồ gỗ trưng bày.

Nhắc đến chuyện “bắt cóc em bé”, anh Chiến thật thà: chiều nay tụi tớ ở cả đấy. Khổ gia đình ông Thọ, cũng là nạn nhân, mà đã phải con dâu cưới xin gì đâu…

Thông tin trong cuộc trao đổi nhanh, anh Chiến cho hay: cô Lệ mới đăng ký tạm trú ở xã, chứ xã có biết gì đâu. Nhà cô này ở mãi Bắc Giang, bố mẹ anh Tường chưa phải là bố mẹ chồng, còn anh Tường cũng chưa tổ chức cưới hỏi cô Lệ bao giờ…

Từ ủy ban xã Vân Hà đi vào nhà ông Thọ mất chừng 15 phút đi bộ, nhưng đường xóm chật chội, tréo ngoe, nhà cửa sin sít, kênh mương ô nhiễm, mùn cưa đổ dọc hai bên đường bị trẻ con châm lửa đốt nghịch, khói mù mắt, thêm với mùi khen khét, chan chát của gỗ tươi. Nhà ông Thọ ở sâu trong con ngõ ngoằn nghoèo…

Tính đến chiều ngày 8/11, cô Lệ mới đưa em bé về được cơ chừng vài ba ngày. Hôm cô Lệ về, taxi đưa vào tận đầu ngõ. Cả làng kháo nhau chuyện cô Lệ mẹ tròn con vuông. Hôm trước “mẹ con” cô Lệ về thì hôm sau, gia đình em trai của ông Thọ có đám hỉ, cả nhà cỗ rạp linh đình. Xong đám cưới một ngày, thì chiều qua xảy ra chuyện…

Lúc ấy chừng 2h chiều. Bà con thấy cán bộ xã vào nhà đưa ông Thọ ra trụ sở ủy ban. Một lúc thì đích thân anh Nhuần, công an xã vào đưa bà vợ ông Thọ ra; sau đấy thì “vợ chồng” anh Tường bồng bế nhau ra ủy ban nốt.

Người để mắt thì sinh nghi, bụng hỏi dạ: làm giấy khai sinh sao lắm người đi đến thế, lại đưa cả em bé mới mấy ngày tuổi ra ngoài ủy ban làm gì, gió máy khổ nó ra…

Chưa hết nghi ngờ thì chuyện “vỡ lở”: cô Lệ không phải mẹ của em bé.

Một bà cụ rất chân quê, hỏi một câu rất thật thà: “Thế bắt cóc trẻ con có bị đi tù không hả chú?”. Chưa kịp trả lời thì cụ đã tự nói: “Đi tù quá ấy chứ…”, rồi bà quẩy quả bước vào con ngõ tối im. Có chừng chục đám túm năm tụm ba bàn tán, vẫn chủ đề: “cô Lệ”.

Ngôi nhà cổ tám cột gỗ của ông Thọ hôm nay hình như... già hơn. Bóng điện sáng nhờ nhờ. Có bốn, năm người đang ở trong nhà ông. Không khí gia đình trĩu nặng.

Ngồi chưa nóng chỗ thì ông đuổi khéo chúng tôi ra về: “Có gì thì các anh cứ hỏi công an. Chiều nay tôi trả lời cả với các anh ấy hết rồi…”.

Nhớ lại lời anh chủ tịch xã: ông ấy cũng buồn, vì gia đình ông ấy là nạn nhân (của cô con dâu hờ). Nhưng, hình như phía sau nỗi buồn đấy có một cái gì mà tôi rất khó gọi tên…

Ví như, ông quyết “cầm đằng chuôi” là phải có em bé thì mới cho Tường – Lệ tổ chức đám cưới, vì cô con dâu đầu của nhà ông, cũng đã đứt gánh giữa đường. Nhưng, cũng vì thế mà mới xảy ra cơ sự, dù biết vi phạm pháp luật, dù biết người mẹ kia sẽ đau đớn khi mất con, mà cô vẫn làm…

Kiên Trung - Quỳnh Anh