- Tiếng khóc xé lòng khi con mất cha, vợ mất chồng và cha mẹ mất con cứ tăng lên mỗi ngày trong lũ dữ...

Nước mắt tang thương nơi rốn lũ

Chúng tôi về vùng lũ giữa những ngày căng thẳng nhất. Ở một số gia đình mất người thân, dường như nước mắt đã không còn để khóc cho người bạc mệnh.

Người cha không còn nước mắt để khóc con

“Sáng hôm qua, như thường lệ, cháu đạp xe đến trường cách nhà khoảng 5 km. Thấy trời mưa lớn tui bảo cháu nghỉ học. Ai ngờ đó là buổi đến trường cuối cùng. Nhận được tin dữ cháu bị lũ cuốn trôi vì cố vượt qua đoạn nước ngập để đến trường đúng giờ tui không tin là sự thật...”. Anh Lê Văn Hiền đã kể về buổi sáng đau thương đến với con anh, cháu Lê Văn Hòa (SN 2001, ở thôn Quý Thạnh 2, xã Bình Quý, học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Kim Đồng - thị trấn Hà Lam, Quảng Nam) đã bị nước cuốn trôi và chết cách trường hơn 1 km vào sáng hôm qua (8-11)
 
Xác nạn nhân chết do lũ đã được tìm thấy tại Nông Sơn

Những tiếng khóc xé lòng giữa ngày lũ lụt khi nước chưa rút vẫn vọng lên đâu đó nơi những xóm làng khuất lấp còn chìm trong lũ. Đó là cái chết đau thương của hai mẹ con chị Nguyễn Thị Bích Thủy (SN 1968, trú thôn 2, xã Quế Thuận, huyện Nông Sơn, Quảng Nam. Hai mẹ con chị bị nạn khi chở nhau (con nhỏ tên Võ Nhật Trường, học sinh lớp 1, trường tiểu học Quế Thuận) về nhà vào lúc 19 giờ ngày 4-11.
 
Người dân Nông Sơn tìm kiếm nạn nhân sau lũ rút
 

“Tối 4-11, chờ hoài chẳng thấy hai mẹ con về, linh tính mách bảo chắc có chuyện chẳng lành. Chỉ hơn 1 tiếng đồng hồ sau tui nhận tin dữ mà không thể nào tin được, cả hai mẹ con bị nước lũ cuốn trôi...” - anh Võ Nhật Long, người nhà của cháu Trường kể trong đau đớn.

Đau thương nhất có lẽ là cái chết thương tâm của ông Nguyễn Văn Thành (58 tuổi), trú tại thôn Trường An, xã Đại Quang). Nước lũ lên nhanh chỉ có mỗi mình ông ở nhà, mặc dù sức yếu nhưng ông vẫn cố vác mấy bao lúa đưa lên gác để tránh lũ.

Trong khi đưa lúa lên căn gác gỗ, ông đã bị trượt, ngã xuống đất và bị bao lúa đè dưới nước lũ.
 
Người dân vùng lũ không chốn nương thân trong lũ dữ.

Do không có người ở nhà, nên mãi đến sáng hôm sau, hàng xóm không thấy ông Thành mở cửa nên chạy đến và phát hiện ông đã tử vong trước đó nhiều giờ dưới nền nhà ngập nước.

Còn anh Đoàn Minh Hiền ở thôn Lãnh Thượng 1, thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn kể trong nước mắt: “Buổi chiều ngày 7-11, thấy nước lên, tui lo kê đồ lên cao để tránh lũ, cháu Huân (6 tuổi) chơi một mình. Ai ngờ cháu ra sau nhà và trượt chân rơi xuống mương nước cuộn chảy sau nhà...”.

Một trường hợp khác là cô giáo Trương Thị Nhân, sinh năm 1979, giáo viên Trường PTCS A Vương – Tây Giang, khi đang trên đường đến trường dạy học. Vì sợ học sinh chờ nên cố vượt ngầm Dốc Rùa, xã A Ting, huyện Đông Giang vào khoảng 5 giờ 30 ngày 7/11/2011.

Cái chết thương tâm của cô giáo Nhân đã khiến học sinh của trường bàng hoàng khi nhận tin dữ.

Người dân vượt rừng từ biên giới về huyện Tây Giang mua lương thực

Giữa những ngày lũ dữ, đi qua những xóm làng chìm trong nước, chúng tôi đã nghe tiếng khóc ai oán của những đứa trẻ khóc cha, khóc mẹ.

Hoang tàn miền lũ dữ

Đến thời điểm này, con số người thiệt mạng vẫn chưa dừng lại. Tất cả phải chờ lũ rút mới có thể thống kê.

Bởi nhiều vùng đã bị cô lập hoàn toàn từ nhiều ngày nay. Hệ thống điện, thông tin liên lạc bị tê liệt.

Đưa người già ra khỏi vùng ngập lũ

Hơn 100 nghìn nhà dân bị ngập nước tại 76 xã, phường ở Quảng Nam. Trong đó có 31 nhà dân bị hư hỏng, sập đổ. Ngay khu tái định cư A Lua, huyện Tây Giang bị sạt lở, đất vùi lấp hoàn toàn nhà ở nội trú của học sinh xã Dang khiến 148 em học sinh phải ở tạm nhà dân.

Lở núi gây đứt tuyến đường dây 35Kv và nhánh rẽ 22 Kv khiến huyện Nam Trà My và Phước Sơn mất điện.

Do nước lụt dâng cao, nhiều xã thuộc huyện Điện Bàn, Nông Sơn, Duy Xuyên, Hiệp Đức, Đại Lộc bị mất điện từ ngày 8/11/2011 đến nay.

Hầu hết các tuyến giao thông trên địa bàn từ quốc lộ, tỉnh lộ và liên xã đều bị hư hỏng nặng. Con số thiệt hại Quảng Nam đưa ra là hơn 50 tỷ đồng.

Dự báo mưa sẽ tiếp tục, lũ lại lên. Người dân vùng lũ Quảng Nam đang ngửa mặt lên trời nguyện cầu. Không biết lời nguyện cầu của người dân khốn khó kia có thấu trời xanh?

Chỉ biết rằng, giờ đây đi qua vùng lũ, nhìn những xóm làng xác xơ vẫn phải đang oằn mình chống chọi với đợt lũ mới do các hồ chứa nhà máy thuỷ điện xả nước tràn về mới thấy hết nỗi đau mà họ đang gồng mình gánh chịu giữa đói lạnh.
 

Giúp dân dọn dẹp nhà cửa sau lũ rút tại Nông Sơn

Nhiều làng tại biên giới, vùng sâu, vùng xa của các huyện miền núi đã cạn kiệt lương thực. Cái đói đang bủa vây cùng với nước lũ và sạt lở núi chia cắt đường từ nhiều ngày nay, không biết họ sẽ sống như thế nào...?!

Vũ Trung