>> Bài 1: “Có nơi nào khổ như chúng tôi không?”
>> Bài 2: Những cuộc di chuyển mộ không… hài cốt
>> Bài 3: 'Sống dở chết dở' tại mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á
Lạ lùng lũ bùn, bão cát ở đồng bằng
Chúng tôi đã đi nhiều, chứng kiến biết bao thảm hoạ thiên tai nhưng vẫn không thể hiểu nỗi những cơn lũ bùn, bão cát mà người dân xóm 1 xã Thạch Đỉnh đang ngày đêm phải hứng chịu. Mà đáng buồn thay, đó lại là hậu quả "nhân tai".
Ông Xóm trưởng Bùi Quang Chiến nhận lời dẫn chúng tôi đi khắp xóm dưới làng trên để lắng nghe những tiếng thở dài ngao ngán của người dân đang sống cạnh moong mỏ và bãi thải bóc đất tầng phủ.
Cát biến thành bùn, tràn vào nhà dân. Nhiều hộ dân ở xóm 1 Thạch Đỉnh như đang ngồi trên đống lửa, chờ đợi ngày được “bốc” đi nhưng tương lai vẫn đang rất xa vời. Ảnh: Duy Tuấn |
“Xóm chúng tôi nằm trong lòng moong nên trong nhiều năm qua phải hứng chịu cảnh tượng chưa từng xảy ra. Mùa hè thì cạn kiệt nước ngầm, bão cát tấn công, mùa mưa thì lầy lội, lũ bùn từ bãi thải càn quét xuống khắp ruộng vườn, nhà dân. Khổ lắm rồi, đi thì chẳng biết đi đâu mà ở lại thì cứ tình hình này thì khó mà chịu thêm được nữa”, ông Chiến cho biết.
Dạo 1 vòng quanh xóm, ông Chiến không ngần ngại chỉ cho chúng tôi hình ảnh 1 người dân đang dùng kích điện bắt cá dưới ao, gần chục người đang xúc cát lên 1 chiếc xe ô tô tải.
Ông thẳng thắn: "Sai luật cả đấy, bị cấm cả đấy nhưng "đói thì đầu gối phải bò". Đã có lệnh cấm khai thác cát nhưng khi có 1 vài người dân lén lút bán cát trong vườn nhà mình, chúng tôi chỉ tuyên truyền, vận động chứ không thể quyết liệt ngăn chặn được.
Vẫn biết như thế là không làm tròn chức năng nhiệm vụ nhưng làm sao có thể trả lời câu hỏi của người dân "không cho bà tui mần, lấy chi bỏ trong nồi đây".
Những đứa trẻ ở gia đình ông Nguyễn Công Khiêm đã mắc chứng bệnh đau mắt, viêm phế quản khi phải sống trong môi trường đầy cát bụ. Nhất là mùa hè, đến khi ăn cơm mà không đóng cửa thì xem như ăn cơm trộn với cát |
Mà đúng thế, dự án khai thác mỏ sắt đã triển khai được hơn 4 năm và cũng chứng ấy năm, nhiều hộ dân xóm 1 lâm vào cảnh "nhiều không". Trong đó, đáng lo ngại nhất là "không đất sản xuất, không việc làm, không thu nhập".
Với ngay cả những hộ gia đình có "của ăn, của để" cũng lâm vào cảnh lao đao với miếng cơm manh áo vì "miệng ăn núi lở".
Ngay như gia đình anh Bí thư xóm Nguyễn Công Sơn trước đây được coi là "nhà giàu", mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng bây giờ cũng lâm vào cảnh "bần hàn". Dẫn chúng tôi ra mảnh vườn rộng hàng ngàn m2, anh Sơn cho biết: Thu nhập của các hộ gia đình trong xóm chủ yếu là kinh tế vườn nhưng giờ thì chịu. Các anh thấy đấy, mảnh vườn này thành "đất chết" vì không có nước do mạch nước ngầm chảy hết ra lòng moong (sâu hơn 30m - PV).
"Có loài cây nào sống nổi đâu, may ra chỉ xương rồng và dứa dại mà loại này bán chả ai mua" - anh Sơn nói đùa mà vẻ mặt buồn rười rượi.
Cũng vì mạch nước ngầm tụt sâu nên ngay cả nước sinh hoạt cũng trở nên khan hiếm. Ngày xưa chỉ cần đào giếng lấy nước khoảng 6-7 mét thì nay đào đến gần 20m chưa chắc đã được. Cũng vì thế, nhiều hộ dân phải gồng gánh đi gánh nước sinh hoạt xa hàng km, chắt chiu sử dụng cứ như dân sa mạc.
Vị xóm trưởng xóm 1 “dính” bẫy từ lũ bùn khi làm hướng dẫn viên cho chúng tôi “tham quan” sự ảnh hưởng của dự án mỏ sắt. Ảnh: Thăng Long |
Một trong những nỗi khổ của những hộ dân phải bám trụ "bất đắc dĩ" ở xom1 đó là do năm sát cạnh bãi tập kết đất bóc tầng phủ nên mùa hè, mỗi trận gió thỏi là mịt mù "bão cát".
Cát bay vào nhà, bám lên người, bay cả vào bữa ăn mà không thể hạn chế được. Vì vậy, nhiều người đã bị đau mắt và nhất là bệnh về đường hô hấp của các em nhỏ. Cơ cực nhất là vào mùa mưa, cát từ các "núi tập kết" ngay sát nhà dân đổ xuống như nhưng cơn lũ quét. Xâm lấn vườn, nhà.
Đi cũng dở mà ở cũng không xong
Với những hộ dân xóm 1 xã Thạch Đỉnh ở sát ngay khu tập kết đất bóc tầng phủ thì việc di dân, tái định cư đối với họ "nóng lắm rồi". Có nhiều nguyên nhân nhưng nặng nề nhất là ảnh hưởng của “lũ bùn”.
Đỉnh điểm là vào cuối năm 2010, 1 cơn lũ bùn tràn xuống lấp hết vườn tược, khiến 8 hộ dân phải "di dời nóng".
Tuy nhiên, giải pháp tình thế cũng chỉ đủ cho 7 hộ tái định cư tại khu tái định cư của tuyến đường tránh Quốc lộ 1A. Thế là "bốc thăm". Và, đau xót thay hộ phải ở lại lại có hoàn cảnh hẩm hiu nhất.
Ông Chiến dẫn chúng tôi đến nhà bà Nguyễn Thị Tình - hộ gia đình không may mắn được tái định cư.
Bà Nguyễn Thị Tình, một người tật nguyền, cô độc đang bó gối trước cảnh vườn tược bị lũ bùn tấn công. Hơn 200 triệu tiền đền bù, bà chẳng dám tiêu đồng nào vì sợ không đủ làm nhà khi được bốc đi. Ảnh: Duy Tuấn. |
Căn nhà cấp bốn nhỏ bé của hai chị em bà đã bị cô lập bởi bùn từ mấy tháng nay. Bó gối ngồi nhìn mảnh vườn nay đã bị bùn lấp kín, bà Tình ngao ngán cho biết:
“Hai chị em chúng tôi độc thân, sau khi được kiểm đếm thì nhận được hơn 200 triệu, chẳng dám tiêu đồng nào tiền đền bù vì sợ không đủ tiền làm nhà khi đến khu tái định cư.
Cuộc sống hàng ngày của hai chị em tàn tật, cô độc phải dựa cả vào khu vườn. Nhưng rồi đột nhiên lù bùn tràn về vùi lấp mảnh vườn, chẳng làm được gì nữa”.
Bà tiếp tục cho biết, dù yếu sức nhưng ban đầu khi bùn mới tràn về, hai chị em đã phải gắng sức già, lê từng bước chân tật nguyền để đẩy bùn ra. Nhưng sức người có hạn, hết đợt này đến đợt khác, bùn liên tục tràn về giằng kín cả mảnh vườn đặc quánh.
“Tuổi già, sức yếu rồi, sống không được bao lâu nữa. Tôi chỉ mong được di dời ra khu vực tái định cư sớm. Ra đó chưa biết làm gì để sinh sống nhưng dẫu sao vẫn hơn ở đây. Chứ cứ sống ở đây thì sợ có ngày ngã quỵ trên những lớp bùn. Mà người thân thì chẳng có ai”, bà Tình buồn bã.
Thế nhưng, với 7 hộ dân “di dời nóng” thì xem ra hoàn cảnh cũng chẳng khá hơn được bao nhiêu. Khi chúng tôi đến, không khí ảm đạm, hiu hắt bao phủ những ngôi nhà đang còn ngột ngạt mùi gạch vữa.
Trên thềm nhà, những người đàn ông, đàn bà đang ngồi rả rích câu chuyện xung quanh tìm việc làm, chứ dân nhà nông, lao động quen rồi giờ ngồi nhìn ra cũng chán.
May mắn hơn hàng vạn hộ dân phải di dời để nhường đất cho dự án mỏ sắt, những hộ được “di dời nóng” do bùn cát vùi lấp nhà cửa cũng không khá hơn được bao nhiêu. Không khí ảm đạm tại khu tái định cư nhỏ bé cứ bao trùm họ khi mất đất, không có việc. Ảnh: Duy Tuấn |
Bà Nguyễn Thị Trí năm nay đã 60 tuổi. Từ khi chuyển đến khu tái định cư này, bà bỗng nhớ ruộng, nhớ vườn lạ lùng. Được đền bù hơn 800 triệu trên mảnh vườn 5000m2. Cũng như nhiều hộ khác, bà chỉ được cấp một suất đất tái định cư chưa đầy 300m2.
Làm nhà hết 400 triệu, đất cấp thì làm nhà gần hết. Chẳng có việc làm, bà sợ rồi số tiền đền bù ít ỏi còn lại sẽ bị “gặm nhấm” hết.
“May mà còn hai sào ruộng, ông nhà tôi đang cố cày cấy để kiếm ít tạ lúa mỗi mùa. Nhưng mà bây giờ chuyển đến chỗ mới rồi, ruộng xa hàng cây số, sức già rồi khó mà kham nổi" - bà nói.
Đến ở khu đất mới, những hộ dân này đang còn rất ngỡ ngàng với cuộc sống mới. Vườn chẳng có, đến cọng rau cũng phải đi mua. Động vào cái gì cũng phải chi tiền.
“Vừa rồi khoan giếng để ăn nhưng toàn nước phèn, chẳng thể ăn được. Ở đây không chết nhưng chỉ khổ thôi”, bà Trí nói.
Một số gia đình cũng đang canh cánh nỗi lo gia đình đông người nhưng chỉ được cấp chưa đầy 300m2 đất. Chỉ đủ làm nhà, rồi đây con cái họ muốn tách hộ thì không biết thế nào.
Những hộ dân đến được khu tái định cư, dẫu có khổ hơn nơi ở cũ nhưng dù sao vẫn đang còn sướng hơn hàng vạn hộ dân khác bị ảnh hưởng của mỏ sắt Thạch Khê. Khu tái định cư, nơi thì đang giang dở, nơi thì đang nằm trên giấy.
Chẳng biết khi nào dự án mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á này mới đưa lại cuộc sống ấm no cho họ như mong ước bao đời của người dân nơi đây khi biết mình sống trên “hầm vàng”?
Duy Tuấn – Thăng Long
(còn nữa)