- Trong khi các doanh nghiệp thì vẫn mải miết đưa tàu quốc vào khai thác cát vào khu vực cấm thì cơ quan có thẩm quyền dường như không biết gì về tình trạng này.
Cán bộ Phòng TN - MT huyện Đoan Hùng (Phú Thọ) trả lời tỉnh bơ: “Không thấy xã báo cáo, chúng tôi không biết”.
Còn Sở TN - MT Phú Thọ thì chống chế: “Chúng tôi đã kiểm tra, nhưng không phát hiện ra sai phạm nào từ việc khai thác cát trái phép của công ty khai thác trên địa bàn xã Đại Nghĩa”.
Và, lòng sông Lô vẫn đang ngày đêm bị cày nát bởi lòng tham và sự thờ ơ của các cơ quan có thẩm quyền.
Được bật đèn xanh, DN tha hồ tàn phá sông Lô?
Theo báo cáo của Sở TN - MT Phú Thọ, hiện trên sông Lô thuộc địa bàn huyện Đoan Hùng có 7 công ty được phép khai thác: Công ty cổ phần Trường Thành, Công ty khai thác cát sỏi Hữu Đô, Công ty TNHH Cát Vàng, Công ty TNHH THT. …
Nhiều DN thừa nhận rằng họ chỉ thuộc dạng tôm tép, làm ăn cò con, bởi diện tích mà họ được cấp phép khai thác chẳng đáng là bao so với “vựa vàng” mà tỉnh cấp cho DN khác.
Đại gia thuộc hàng “khủng”, thuộc chiếu trên, được tỉnh ưu ái cấp với diện tích khai thác lớn thuộc về một DN khác, có tên: Công ty TNHH THT (địa chỉ: phường Tiên Cát, huyện Đoan Hùng, Phú Thọ).
Cận cảnh một chiếc tàu quốc đang khai thác cát trên sông Lô. |
DN này gần như chiếm vị trí độc tôn trong lĩnh vực khai thác cát sỏi trên sông Lô. Và, theo phản ánh của người dân và lãnh đạo xã Đại Nghĩa thì chính đoàn tàu quốc của DN THT chính là thủ phạm gây nên tình trạng sạt lở đất ven bờ sông thuộc địa bàn xã Hùng Long, Phú Thứ và Đại Nghĩa.
Theo văn bản số 2869/QĐ –UBND do PCT tỉnh Phú Thọ - ông Phạm Quang Thao ký ngày 8/9/2011 thì toàn bộ diện tích mà Công ty TNHH THT được phép khai thác là 93,29 ha. Khu vực khai thác thuộc địa bàn các xã Vụ Quang, Hùng Long, Phú Thứ, Đại Nghĩa thuộc huyện Đoan Hùng.
Cũng theo như tờ bản đồ khai thác thì địa điểm sạt lở tại các thôn 12, 11 xã Đại Nghĩa và các xã Hùng Long, Phú Thứ nằm trong địa bàn khai thác cát sỏi của Doanh nghiệp THT.
Đoàn tàu hùng hậu của "hàng khủng": Doanh nghiệp THT |
Sau khi được UBND tỉnh cấp phép khai thác, DN này bắt đầu huy động đoàn tàu quốc hùng hậu tiến hành khai thác. Điều đáng nói là, ngoài khu vực được phép khai thác, DN này còn cho tàu quốc tiến vào sát bờ để hút cát.
Việc khai thác trong phạm vi cấm này (Theo quy định, tàu quốc chỉ được khai thác cách bờ từ 50-70 m, tùy từng địa hình) chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở bờ sông. Đất canh tác của người dân ngày càng bị thu hẹp.
Việc DN THT tiến hành khai thác sai so với quy định gây sạt lở đất nông nghiệp của người dân khiến người dân ở đây hết sức bức xúc. Thế nhưng, tại thời điểm tháng 10 chúng tôi có mặt, vẫn chưa có một cơ quan có thẩm quyền nào đứng ra xử lý sự việc này.
Sự buông lỏng quản lý về cấp phép, quản lý và khai thác khoáng sản của các ban ngành vô hình chung đã “tiếp sức” cho DN đẩy mạnh khai thác, tàn phá sông Lô.
Người dân ở các xã Đại Nghĩa, Hùng Long và Phú Thứ thì cho rằng: Sở dĩ DN THT ngang nhiên đưa tàu quốc vào khai thác ngay gần bờ là do đã có thế lực “bảo kê”, đã được bật đèn xanh.
Ngay cả như ông Bí thư xã Đại Nghĩa dù không dám nói ra ai đứng đằng sau để tiếp sức cho DN này tàn phá sông Lô, nhưng cũng úp mở rằng: “Ai cấp giấy phép cho DN khai thác, thì người đó phải chịu trách nhiệm”.
Trăm dâu, đổ đầu quan xã!
Việc khai thác cát sỏi vào khu vực cấm là một trong những nguyên nhân khiến đất của người dân bị sạt lở.
Tại thời điểm chúng tôi có mặt (tháng 10/2001), hàng trăm mét bờ sông thuộc các xã Đại Nghĩa, Phú Thứ, Hùng Long đã bị sạt lở nghiêm trọng.
Tuy nhiên, ông Hoàng Như Lô, Trưởng phòng Quản lý khoáng sản, Sở TN - MT tỉnh Phú Thọ lại cho rằng: “Tình trạng sạt lở bờ sông chỉ xảy ra trong các năm trước, còn năm nay thì chưa thấy. Với lại, việc sạt lở bờ sông không có gì là bức xúc lắm”.
Việc DN khai thác trái phép gây lở đất canh tác người dân, chính quyền xã và người dân đều biết và đã có báo cáo lên trên. Ấy vậy nhưng, đến thời điểm hiện tại, huyện cũng như tỉnh đều không hay biết về vấn đề này và chưa đề ra một phương hướng xử lý nào để cứu lấy đất NN cho người dân |
Ông Lô cũng khẳng định rằng: xã cứ phản ánh là sạt lở do doanh nghiệp khai thác, vậy chứng tỏ là chính quyền địa phương đó quản lý không tốt. Huyện, xã phải chịu trách nhiệm của mình trong vấn đề này.
Sở TN - MT chưa hề nhận được một văn bản nào từ huyện và xã thông báo về tình trạng khai thác cát gây sạt lở bờ sông cả. Nếu chúng tôi nhận được phản ánh từ chính quyền địa phương thì sẽ tiến hành kiểm tra và xử lý.
Nếu phát hiện ra sai phạm, chúng tôi sẽ kiến nghị UBND tỉnh đình chỉ tạm thời hoạt động của các Doanh nghiệp, thậm chí là thu hồi giấy phép.
Cũng theo ông Trưởng phòng, thì nguyên nhân sạt lở bờ sông có rất nhiều, trong đó có việc khai thác cát. Như vậy, dù biết rằng việc khai thác cát sỏi sẽ ảnh hưởng đến lòng sông, dòng chảy và sạt lở đất canh tác của người dân, nhưng không hiểu sao, UBND tỉnh Phú Thọ và các cơ quan có thẩm quyền vẫn cấp phép cho DN khai thác.
Sau khi được cấp phép, các DN mặc sức tàn phá lòng sông, đưa thuyền quốc ngoạm sâu vào gần bờ. Đất của người dân cứ ngày ngày chảy vào túi tiền của một cá nhân.
Một điều đặc biệt là trong những ngày tác nghiệp ở các xã ven sông huyện Đoan Hùng, chúng tôi phát hiện ra tàu quốc của các doanh nghiệp khai thác cách bờ sông chỉ 10-20 m; hàng chục người dân ngày cũng như đêm ra bờ sông dùng gạch, đá xua đuổi.
Thế nhưng, trả lời vấn đề này, Thượng tá Hoàng Cao Sơn, Phó Phòng Cảnh sát đường sông (PC68) lại khẳng định: “Chúng tôi tiến hành kiểm tra thường xuyên. Không có việc sạt lở do khai thác. Cũng không thấy việc khai thác trái phép”.
Lãnh đạo PC68 còn cho rằng: nếu có xảy ra việc này thì do cán bộ nắm bắt địa bàn làm không tốt, địa phương quản lý không tốt. Nếu chúng tôi kiểm tra, thấy không hoàn thành trách nhiệm thì cán bộ sẽ bị xử lý.
Việc DN khai thác trái phép gây lở đất canh tác người dân, chính quyền xã và người dân đều biết và đã có báo cáo lên trên.
Ấy vậy nhưng, đến thời điểm hiện tại, huyện cũng như tỉnh đều không hay biết về vấn đề này và chưa đề ra một phương hướng xử lý nào để cứu lấy đất NN cho người dân.
Quá trình tác nghiệp, rất nhiều lần chúng tôi liên lạc với Sở TN - MT tinh Phú Thọ để xem hồ sơ liên quan đến quá trình cấp phép cho các Doanh nghiệp khai thác trên địa bàn.
Tuy nhiên, cán bộ Sở này lại viện dẫn ra nhiều lý do để không cung cấp. Liên quan đến việc cấp phép, từ tháng 8/2011, Chính phủ đã yêu cầu các địa phương dừng hẳn việc cấp mỏ khai thác cát, sỏi trên sông. Để “lách” văn bản này, Phú Thọ đã ký văn bản đồng ý cho Công ty TNHH THT mở rộng phạm vi khai thác. Theo đó, công ty này được tỉnh đồng ý cho phép mở rộng khai thác 1,99 ha tại địa bàn xã Hùng Long, Phú Thứ… huyện Đoan Hùng. |
Hoàng Sang
(còn nữa)