Sau nhiều ngày khai quật, ngôi đền cổ bị vùi lấp trong cát tại khu vực xã Kỳ Khang (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đã phát lộ. Nhiều bộ phận kiến trúc cùng các hiện vật bằng chất liệu sành sứ có niên đại thời Nguyễn đã được phát hiện.


Khu vực ngôi đền phát lộ nằm trên bãi cát Cồn Chỏi, trong công trường khai thác ti tan của Xí nghiệp khai thác ti tan Kỳ Anh tại thôn Tiến Thành, xã Kỳ Khang. Ngày 2/11, trong quá trình khai thác ti tan, công nhân của xí nghiệp này đã phát hiện thấy nhiều hạng mục của ngôi đền lộ ra đã bị vùi lấp trong cát khoảng 5m.

Ông Lê Bá Hạnh, Phó GĐ Bảo tàng Hà Tĩnh thông tin, sau khi nhận được thông tin, cơ quan này đã tiến hành khai quật khẩn cấp ngôi đền cổ. Đến nay, đã phát hiện một số bộ phận kiến trúc cổ cùng với các hiện vật bằng chất liệu sành sứ có niên đại thời Nguyễn…

Các bộ phận kiến trúc cổ được phát hiện bao gồm: hệ thống ban thờ ngoài trời, được kết cấu theo kiểu thức chân quỳ, hình chữ nhật, có kích thước cao 1.20m, rộng 0.60m, dài 1.40m làm bằng chất liệu đá tự nhiên, vôi vỏ hàu trộn với mật mía và nhựa cây kết dính.

Tiếp đến là nền móng của một ngôi miếu thờ hình vuông, có kích thước mỗi chiều, dài 2.50m, ở 4 gốc có 4 cột trụ hình vuông, cao 1.80m, rộng 0,2m, hai cột phía sau đã bị đổ, còn lại phần nửa của hai cột trụ phía trước miếu thờ, mặt trước hai cột trụ có khắc đôi câu đối bằng chữ Hán (đã bị mờ).

Phía trong ở 4 góc nền miếu có 4 lỗ hình tròn ở 4 chân kê bằng đá hình vuông mỗi cạnh 0.50m. Đây có thể là 4 cột gỗ dùng làm kết cấu của ngôi miếu thờ đã bị phá hủy.

Ngoài ra, tại khu vực xung quanh ngôi đền các nhà khảo cổ còn phát hiện một số hiện vật bị vùi lấp trong cát như bình vôi cổ bằng chất liệu sành màu xám; bình vò lớn nhỏ bằng chất liệu sành màu vàng nâu và màu da lươn; đĩa sứ cổ màu trắng, ở giữa lòng đĩa trang trí hoa văn cây, lá hoa màu xanh lam. Các hiện vật này có niên đại thời Nguyễn.

Theo ông Hạnh, đền cổ có tên gọi là Đức Ông, thờ vị tướng có công đánh giặc được nhân dân lập đền thờ Thành hoàng làng.

Hiện khu vực ngôi đền có phạm vi khoảng 500m2 đã được cơ quan chuyên môn rào chắn lại. Theo Phó GĐ bảo tàng Hà Tĩnh thì hiện công việc khai quật ban đầu đã hoàn thành, sắp tới cơ quan chuyên môn sẽ lập hồ sơ để khôi phục lại ngôi đền.

Những hình ảnh ngôi đền cổ bị vùi lấp hàng trăm năm:
Toàn cảnh những gì còn lại của ngôi đền cổ đã phát lộ. Ngôi đền nằm trong công trường khai thác ti tan của Xí nghiệp khai thác ti tan Kỳ Anh.
Khu vực đền có phạm vi 500m2 đã được lực lượng chuyên môn rào khoanh lại.
Một trong hai cột cổng với câu đối bằng chữ Hán.
Hai con nghê trên hai cột cổng của ngôi đền.
Hình ảnh ngựa được điêu khắc lên hai bên tường trước ngôi đền.
Mắt ngựa vẫn còn nguyên vẹn.
Bức bình phong và một số bình vò cổ được phát hiện trong quá trình khai quật.
Điêu khắc trên bức bình phong
Ban thờ ngoài trời và nền móng của miếu thờ phía trong ngôi đền mới phát lộ.
Những hạng mục kiến trúc còn lại của ngôi đền có niên đại hàng trăm năm.
Bình vôi cổ- một trong những hiện vật quý hiếm được phát hiện.
Cây chỏi, bị vùi lấp cùng với ngôi đền trên 5m nay đã được khai quật.
Ngôi đền cổ nằm ngay cạnh lòng moong khai thác ti tan, với đặc thù hay bị sạt lở, ngôi đền cổ sẽ bị đe doạ nếu không có biện pháp bảo vệ khoa học.
Duy Tuấn