- Những ngày gần đây, một cửa hàng sửa chữa xe máy trên phố Thái Hà (Hà Nội) đã trưng biển “Khắc phục tình trạng xe tự động cháy” sau hàng loạt vụ cháy xe máy gây hoang mang dư luận. Tuy nhiên, những người có kiến thức, kinh nghiệm về lĩnh vực này cho rằng cách làm này chỉ có một chút tác dụng nào đó thôi chứ không thể khắc phục được tình trạng xe tự động chạy.

TIN LIÊN QUAN:

Đến lượt xe của Yamaha liên tục bốc cháy
Nóng trong tuần: Liên tục cháy xe máy
Xe máy lại cháy trên đường phố Sài Gòn
Thêm một xe máy bốc cháy vào đêm Noel
TP.HCM: Xe máy lại bốc cháy giữa đường
Bộ CA nói về nguyên nhân cháy nổ ôtô, xe máy
Hai xe Honda để trong nhà bỗng cháy rụi

Quấn băng dính để khắc phục xe tự động cháy

Ngay sau khi có thông tin một tiệm sửa xe máy trên phố Thái Hà quảng cáo có thể khắc phục tình trạng xe tự động cháy, có khá nhiều người đi xe máy đã rất chú ý đến dịch vụ này.

Anh Tùng, một khách hàng đưa xe đến tiệm sửa xe này bảo dưỡng cho biết anh không có ý định sẽ ‘gia cố’ chiếc xe của mình để khắc phục tình trạng tự cháy theo chỉ dẫn của nhân viên kỹ thuật, nhưng anh cũng rất quan tâm đến dịch vụ này.

“Dạo này nhiều vụ cháy xe quá nên tôi cũng rất lo. Cả nhà tôi có 4 chiếc xe, tất cả đều của Honda, xe của Honda vừa rồi cháy cũng nhiều nên tôi đã mang tất cả đi bảo dưỡng cho yên tâm”, anh Tùng nói.

Lý giải chuyện không sử dụng dịch vụ khắc phục tình trạng xe tự cháy, anh Tùng cho biết: “Tôi cũng đọc trên mạng, nghe nhiều người nói nhưng tôi nghĩ nguyên nhân cháy nổ chính xác nhất và cách khắc phục hiệu quả nhất có lẽ phải do nhà sản xuất đưa ra”.  

 
Cửa hàng sửa xe máy trên phố Thái Hà đã nhanh chóng chớp lấy cơ hội để tung ra dịch vụ khắc phục tình trạng xe tự động cháy (Ảnh: Ngọc Anh)

Tại tiệm sửa xe này, với mỗi chiếc xe có nhu cầu khắc phục tình trạng tự động cháy nổ, nhân viên kỹ thuật sẽ sử dụng một loại băng dính quấn dọc theo các bó dây mà nhà sản xuất đã chia ra từ đầu.

Riêng với ống dẫn xăng và dây cao áp nối từ bộ tăng áp tới bugi thì ngoài lớp băng dính trên chúng còn lồng lò xo bên ngoài.

Anh Sáng, chủ cửa hàng sửa xe trên cho biết đây là hai bộ phận có khả năng gây ra cháy nổ cao, ống dân xăng của hệ thống phun xăng điện tử khi bị thủng, xăng sẽ phun ra ngoài dễ bắt lửa gây cháy.

Vì thế, giải pháp là bọc kín dây dẫn xăng, điện bằng đồng, quấn thêm băng keo chuyên dụng để chuột không cắn phá.

Sau khi quấn xong, thợ sửa xe sẽ quét lên xung quanh một loại keo có pha chất đuổi chuột bởi cả chủ lẫn thợ của cửa hàng này đều cho rằng nguyên nhân khiến xe máy cháy nổ hàng loạt trong thời gian qua nhiều khả năng là do rò rỉ dây dẫn xăng, điện sau khi bị chuột cắn.

Với mỗi chiếc xe được gia cố, chi phí dao động từ 150.000 đồng đến 300.000 đồng, thời gian gia cố kéo dài khoảng 2 giờ đồng hồ. Anh Sáng cho biết dịch vụ này xuất hiện từ ngày 15/12 và mỗi ngày có khoảng 3 đến 5 khách hàng đến yêu cầu.

Chưa có kết quả kiểm chứng rõ ràng


Anh Chính, một thợ sửa xe máy chuyên nghiệp lâu năm trên phố Nguyễn Ngọc Vũ (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, anh cũng đã để ý cách làm của tiệm sửa xe này nhưng theo anh, đây chỉ là giải pháp tình thế, “có một chút tác dụng” thôi chứ không thể khắc phục hoàn toàn tình trạng xe tự động cháy.

Theo anh Chính, đối với hai dòng xe Lead và Air blade của Honda thì dây dẫn xăng nằm cùng phía với dây dẫn điện nên khi khởi động xe, xe phun xăng sẽ rất dễ bị cháy nếu dây dẫn điện bị hở.

Trong khi đó, những khu vực để dây dẫn xăng, dây dẫn điện có khá nhiều khoảng trống, chuột có thể chui vào cắn đứt, tạo điều kiện thuận lợi để phát cháy, nổ khi khởi động xe.

Vì thế, theo anh Chính, chuyện quấn thêm sợi dây đồng vào ống dẫn xăng rồi bọc kín lại thì có vẻ như tạo ra được cảm giác an toàn, tránh chuyện bị chuột cắn (chuột rất hay cắn đầu dây phun xăng. Cửa hàng của anh cũng đã thay rất nhiều dây dẫn xăng chỉ vì bị chuột cắn).

“Nhưng đây chỉ là cách khắc phục được phần nào thôi chứ không thể chống được. Tôi cho rằng đó là cách đáp trả thị hiếu của người tiêu dùng. Nguyên nhân và cách khắc phục đáng tin cậy nhất có lẽ phải do nhà sản xuất đưa ra”, anh Chính nói.

Thêm 1 xe của Yamaha bốc cháy sáng 25/12 (Ảnh: Tiền phong)

TS Khương Kim Tạo, nguyên giám đốc trung tâm nghiên cứu Công nghiệp ôtô Việt Nam, hiện là Phó chánh văn phòng uỷ ban An toàn giao thông quốc gia nói rằng, nếu chỉ gia cố bên ngoài hệ thống dẫn nhiên liệu, dây điện như các thợ này miêu tả thì không làm tăng nguy cơ cháy nổ cho xe.

Tuy nhiên, giải pháp này chỉ có hiệu quả đối với nguyên nhân cháy là do chập điện, rò rỉ xăng dầu.

Ông Tạo cho biết thêm: “Khi sản xuất xe, doanh nghiệp đã phải tìm cách làm thế nào để chiếc xe được an toàn nhất. Các thủ tục kiểm tra, đăng kiểm trước khi lưu thông cũng đã được thực hiện đầy đủ. Vì thế, nếu có sự cố thì cần phải tìm ra câu trả lời về nguyên nhân rồi mới đưa ra cách chữa”.

Đánh giá về cách làm của tiệm sửa xe trên, ông Tạo không đưa ra ý kiến ủng hộ hay phản đối. Ông cho rằng: “Chiếc xe đang bình thường, nếu tác động vào nó thì có thể độ an toàn tăng thêm, như vậy là rất quý. Nhưng cũng có thể nó không mang lại hiệu quả gì. Theo tôi, nếu muốn làm một cách chắc chắn nhất, chủ tiệm xe nên liên hệ với nhà sản xuất để có thể đưa ra cách làm chuẩn nhất”.

Honda Việt Nam không xác định được nguyên nhân với xe cháy hoàn toàn

Chiều 22.12, Honda Việt Nam phát một thông báo với lời thừa nhận của ông Koji Onishi – tổng giám đốc Honda Việt Nam: “Với những xe đã cháy hoàn toàn, chúng tôi không thể xác định được nguyên nhân. Với một số xe máy bị cháy một phần, công ty này khẳng định nguyên nhân cháy không phải do chất lượng và đặc tính kỹ thuật của sản phẩm”.

“Cho đến thời điểm này, chúng tôi chưa tìm ra vấn đề kỹ thuật nào của sản phẩm có thể dẫn đến những trường hợp trên”, thông báo của Honda Việt Nam nêu rõ.

Ngọc Anh