- Từ 15/2, Hà Nội chính thức rút giấy phép trông giữ phương tiện tại 262 tuyến phố trong 9 quận nội thành. Quyết định đột ngột này đã khiến không ít người dân lo lắng.
 

TIN LIÊN QUAN

Cấm xe: Một công đôi việc

Xung quanh câu chuyện cấm trông giữ xe tại Hà Nội, phần lớn các ý kiến của độc giả đều ủng hộ lệnh cấm này vì cho rằng lòng đường vốn để dành cho xe lưu thông, vỉa hè dành cho người đi bộ. Việc trông giữ xe nhập nhèm bao năm nay khiến nhiều điểm thu “chặt chém” tiền của dân, thêm đó việc giữ xe lộn xộn khiến giao thông Hà Nội hỗn loạn là nguyên nhân gây tắc đường.

Nhiều bạn đọc cũng thẳng thắn nêu quan điểm, lẽ ra lệnh cấm này phải làm từ rất lâu rồi. Nếu làm sớm sẽ không có chuyện ùn tắc và tập trung mật độ lớn trong nội đô như bây giờ.

Kể về câu chuyện mắt thấy, tai nghe, thành viên Mẹ Vy trên Webtretho bức xúc: “Đi trên Hàng Ngang, Hàng Đào mới thấy việc các vị ở phường cho trông xe trên vỉa hè và dưới lòng đường nó nhiêu khê thế nào.

Từ hôm nay, nhiều tuyến phố ở Hà Nội sẽ không còn cảnh trông giữ xe tràn lan trên vỉa hè (Ảnh: VietNamNet)
Đường đã bé, vỉa hè còn bé hơn, vậy mà các hàng dài xe máy cứ lù lù án ngữ. Nhiều khách bộ hành đi len lỏi trên vỉa hè không được, xuống dưới lòng đường cũng chẳng xong, thế là đành đi ra giữa đường cùng với xe cộ.

Khu vực này nhiều khách du lịch nước ngoài qua lại, không hiểu họ sẽ nghĩ gì. Đến mình còn thấy xấu hổ”.

Trên một diễn đàn công nghệ, thành viên Đức Thắng đánh giá, sau khi thi hành lệnh cấm, Hà Nội sẽ hè thông đường thoáng, rũ bỏ được cảnh nhem nhuốc, lộn xộn, khi bạ đâu cũng đỗ xe, bạ đâu cũng mở kinh doanh.

Một số người băn khoăn, cấm thế thì biết để xe ở đâu, nhất là chủ các phương tiện ô tô. Tuy nhiên, theo một số ý kiến, bài toán này hoàn toàn có thể được giải quyết bằng nhiều cách.

Thành viên 2snguyen trên diễn đàn otofun cho rằng, khi lệnh cấm được thực thi, các tòa nhà, cơ quan công sở phải có chỗ để xe cho nhân viên. Các cơ sở kinh doanh phải có chỗ để xe cho khách.

Khi xây dựng quy hoạch các công trình phải tính đến chỗ đậu xe, nếu không phải chuyển đi chỗ khác. Vỉa hè là của người đi bộ, lòng đường là của xe lưu thông không phải là chỗ đỗ xe cố định, chưa nói việc cho thuê điểm đậu đỗ xe là sử dụng diện tích công cộng cho kinh doanh mang lại lợi ích cho doanh nghiệp hoặc cá nhân”, thành viên này nhấn mạnh.

Cũng trên diễn đàn này, thành viên AQ lạc quan nhìn nhận, mọi việc rồi sẽ được điều tiết, thậm chí là điều tiết tốt. Thành viên này dẫn ra một ví dụ điển hình tại TP.HCM nhiều năm trước khi nhiều căn nhà mặt phố quanh chợ Bến Thành và Q.1 chỉ làm chỗ gửi xe khi nhận thấy cho thuê cửa hàng không lời bằng giữ xe.

Đồng quan điểm ủng hộ, nhiều ý kiến khác phân tích, việc cấm trông giữ xe sẽ góp phần giảm tải phương tiện cá nhân, hình thành thói quen sử dụng xe công cộng hay đi bộ của người dân. Quá trình quy hoạch hóa giao thông từ đó cũng phải được đẩy nhanh, hệ thống tàu điện ngầm phải được hoàn thiện… Khi hoàn tất, sẽ khiến cuộc sống của người dân tốt hơn.

Một cái lợi khác được nhiều người nhắc đến khi cấm xe là sẽ làm giảm được số lượng hàng quán vỉa hè khi các loại xe không được tùy tiện dừng, đỗ. Thay vào đó thành phố có thể quy hoạch, tập trung hàng quán vào cùng một khu để dễ quản lý. Ngoài ra, một số ý kiến khác còn nhìn nhận, lệnh cấm này vô tình sẽ khiến giá nhà mặt phố của Hà Nội hạ nhiệt.

Còn nhiều bất cập

Hình ảnh Hà Nội 'trảm' điểm trông xe
Hôm nay Hà Nội rút giấy phép trông giữ phương tiện tại 262 tuyến phố thuộc 9 quận nội thành. Hình ảnh PV VietNamNet ghi nhận trên các tuyến phố có nhiều điểm trông xe tại Thủ đô.
Trong khi những người ủng hộ đưa ra muôn vàn lý do để chứng minh cấm trông giữ xe là hợp lý, thì cũng có không ít người đưa ra được các lý lẽ khẳng định lệnh cấm này còn nhiều bất cập. Thậm chí có một số người còn bi quan cho rằng, quyết định này khó lòng thực thi, rồi sẽ rơi vào cảnh “bắt cóc bỏ đĩa” giống như phân làn.

Điều dễ nhận thấy nhất là trước việc người dân khi đến các khu vực cấm sẽ phải gửi xe ở đâu thì đến nay Sở GTVT Hà Nội vẫn loay hoay chưa có câu trả lời cụ thể mà chỉ khẳng định chung chung rằng sẽ bố trí 230 điểm giữ xe khác cho người dân lựa chọn.

Nói về vấn đề trên, bạn đọc Anh Khoa không khỏi bức xúc: “Chưa xây dựng bãi đỗ xe đã cấm thì người dân biết để đâu. Cứ thấy tắc là cấm, dù cấm xong chưa biết xoay sở thế nào. Điều này thấy rõ lệnh cấm chưa tương thích với sự phát triển của cơ sở hạ tầng”.

Trên diễn đàn lamchame, thành viên At73 cũng tỏ thái độ không đồng tình: “Mua xe đã phải đóng bao nhiêu loại thuế, giờ có xe thì lại bị cấm mang ra đường. Có cung mà chẳng có cầu thế này thì chỉ khổ dân”.

Thành viên AQ trên diễn đàn otofun phân tích thêm rằng “Việc cấm này phải có lộ trình, ví dụ cần phải thông báo trong 2,3 năm nữa sẽ cấm. Trong thời gian đó thúc đẩy và tạo điều kiện để toàn xã hội đầu tư vào xây ga ra, tầng hầm…”.

Một điều nữa cũng khiến nhiều người băn khoăn là việc các bệnh nhân sẽ phải xoay sở ra sao khi các bệnh viện nằm trên tuyến phố bị cấm trông giữ xe.

Đến các bệnh viện đa phần là người ốm, bệnh tật. Giờ không có chỗ gửi xe thì chắc người nhà đèo người bệnh đến rồi quay ra chỗ gửi xe rồi mới quay lại bệnh viện được", thành viên 3012 của diễn đàn Webtretho lo lắng.

Không ít người còn tếu táo, sắp tới Hà Nội có lẽ sẽ phát sinh dịch thuê tài xế theo phút, để chủ các xe có thể ung dung ăn sáng, hoặc đi mua bán gì phải có “xe ôm”, một người vào mua, người còn lại chạy loanh quanh để đợi.

Minh Anh