- “Người dân để xe ở khu vực nào, gửi ở đâu đương nhiên là Luật giao thông đường bộ đã quy định. Những điểm nào đã được quy định là đỗ dừng thì người dân mang vào đấy gửi”, ông Nguyễn Hoàng Giáp, Chánh thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết.


Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Giáp, Chánh thanh tra Sở GTVT Hà Nội.

- Xin ông cho biết, ngày đầu ra quân thực hiện rút giấy phép, lực lượng liên ngành đã thu hồi được bao nhiêu giấy phép trông giữ phương tiện thuộc diện Sở GTVT quản lý, cấp phép?

Nguyên tắc là cơ quan nào cấp nơi đấy thu hồi. Hiện, tất cả những điểm trông giữ ở các tuyến phố trên do Sở GTVT cấp đã bị thu hồi. Còn 9 đơn vị, 53 điểm trông giữ xe thuộc diện này chúng tôi cũng đã thông báo và tổ chức gặp các đơn vị để triển khai thực hiện.

Từ ngày mai (16/2), nếu đơn vị nào chưa thực hiện chúng tôi sẽ xử lý.
Người dân đang gặp khó khăn trong việc tìm nơi đỗ xe.

- Ngày hôm nay cũng chứng kiến một số điểm trông giữ phát sinh tại các tuyến phố, con ngõ không thuộc diện cấm. Vậy, thanh tra  Sở  có biết tình trạng này và sẽ có hướng xử lý thế nào?

Vấn đề phát sinh này thành phố đã yêu cầu lực lượng liên ngành thống kê và báo cáo. Trong số đó, có trường hợp thuộc thẩm quyền liên ngành giải quyết, nhưng cũng có một số việc phải thành phố giải quyết.

- Nhiều người dân ngày hôm nay đã rất khó khăn trong việc tìm chỗ gửi xe. Trước khi thu hồi, cơ quan chức năng có hướng dẫn người dân việc gửi xe như thế nào, ở đâu không?

Người dân để xe ở khu vực nào, gửi ở đâu đương nhiên là Luật giao thông đường bộ đã quy định. Những điểm nào đã được quy định là đỗ dừng thì người dân mang vào đấy gửi.

Hiện nay, thành phố cấp phép ở rất nhiều điểm, người dân có thể lựa chọn các điểm tiện lợi nhất để gửi.

- Có không ít người dân phản ánh tình trạng xe ở nhiều cơ quan đang chiếm rất nhiều diện tích vỉa hè, lòng đường, ông nghĩ thế nào về những trường hợp này?

Thành phố yêu cầu thu hồi giấy phép các điểm trông giữ phương tiện dưới lòng đường và vỉa hè, mục đích là để giảm ùn tắc giao thông, trên các tuyến phố chính có những điều kiện về hạ tầng kém. Còn những tuyến phố đủ điều kiện về hạ tầng vẫn tổ chức trông giữ để đáp ứng nhu cầu của người dân. Ở đây phải rõ, việc tổ chức trông giữ khác và dừng đỗ là khác.

- Việc rút giấy phép chỉ thực hiện được với những đơn vị, công ty tổ chức điểm trông giữ xe, vậy còn với người dân sống bên đường hay những người gửi xe để vào mua hàng… sẽ xử lý thế nào, thưa ông?

Phải làm thôi chứ biết làm sao, cũng giống như người vi phạm giao thông, vượt đèn đỏ dù mình có cấm thì đâu đó vẫn có người vi phạm, và lực lượng chức năng sẽ có trách nhiệm xử lý. Còn nói cấm tiệt thì lý tưởng quá.

- Hiện nay tại các điểm trông giữ phương tiện có hiện tượng, nhân viên trông giữ dàn xếp để không xé vé, và thu dưới giá niêm yết trong vé. Như giá trông giữ ô tô là 25.000 đồng/lượt, nhưng khi thu không xé vé nhân viên chỉ thu 20.000 đồng/lượt ô tô. Thanh tra Sở có biết việc này, và xử lý ra sao?

Việc không xé vé đấy là hành vi vi phạm, nếu cơ quan chức năng phát hiện và bắt giữ thì xử lý theo quy định. Nhưng có điều đôi lúc bắt được, đôi lúc không.

- Xin cảm ơn ông!

Vũ Điệp (ghi)