- Hàng trăm m3 gỗ được khai thác trái phép cất giấu trong khu vực rừng đầu nguồn biên giới Sơn Hồng (Hương Sơn, Hà Tĩnh) nhưng không được các cơ quan chức năng biết đến trong các lần thanh kiểm tra, mở chuyên án điều tra vào năm 2011.
>> Thông tin chưa tiết lộ vụ phá rừng tàn khốc
>> Vụ phá rừng nghiêm trọng: Che giấu thông tin?
>> Cận cảnh rừng đầu nguồn biên giới bị 'làm thịt'
Thế nhưng những thông tin về số gỗ trái phép này chỉ được biết đến sau khi vụ việc vỡ lở. Sự nhập nhằng trong các thông tin đã khiến dư luận rất khó hiểu về cách làm việc của các cơ quan chức năng.
Gần 300m3 gỗ đã được phát hiện. Đáng chú ý, trong năm 2011, chủ rừng và kiểm lâm địa bàn đã phát hiện gần 100m3, nhưng số liệu không được báo cáo lên các cơ quan quản lý ở tỉnh. Và dĩ nhiên, các báo cáo thanh kiểm tra cũng không được nhắc tới. |
Theo báo cáo của Cty Lâm nghiệp và Dịch vụ Hương Sơn tại cuộc họp “nóng” do Phó Chủ tịch tỉnh Lê Đình Sơn chủ trì, từ tháng 6 cho đến tháng 9/2011, cơ quan này đã phát hiện số lượng gỗ trái phép lớn được tập kết trong rừng, sau khi kiểm đếm đã lập biên bản, cho bảo vệ rồi báo cáo tới kiểm lâm địa bàn và Hạt Kiểm lâm Hương Sơn.
Cụ thể, ngày 29/6/2011, chủ rừng đã báo cáo với Hạt Kiểm lâm Hương Sơn 8 bộ hồ sơ với số lượng gỗ là 38,.47m3. Đến ngày 4/9, chủ rừng lại tiếp tục báo cáo với kiểm lâm 12 bộ hồ sơ với số lượng gỗ là 54,95m3. Tổng hai đợt báo cáo là 92,43m3 gỗ lậu.
Trước thông tin trên, một lãnh đạo Hạt kiểm lâm huyện Hương Sơn cho hay, thực tế không có việc Cty Lâm nghiệp và dịch vụ Hương Sơn báo cáo bằng văn bản cho lực lượng kiểm lâm. Mà chỉ sau khi kiểm lâm địa bàn phát hiện số lượng lớn gỗ trái phép được tập kết trong rừng thì chủ rừng mới nói rằng, số gỗ này đã được phát hiện và lập biên bản.
Rừng phòng hộ đầu nguồn biên giới bị thảm sát trong những năm qua. Dư luận đang trông chờ vào xử lý triệt để của tỉnh Hà Tĩnh, như ông Lê Đình Sơn, PCT UBND tỉnh đã từng phát biểu. |
Đến những ngày đầu tháng 1/2012, lực lượng kiểm lâm địa bàn và chủ rừng tiếp tục phát hiện số lượng gỗ lên tới 400 phiến gỗ, tổng hợp với hai lần trước thì con số gỗ lậu phát hiện trong rừng lên tới hơn 141 m3.
“Việc các đoàn kiểm tra không biết đến số lượng
gỗ này là do các đoàn kiểm tra chỉ kiểm tra theo đề cương. Lần cuối khi
thành lập đoàn kiểm tra vào tháng 11/2011 thì kiểm lâm địa bàn, đồn biên
phòng, chủ rừng không được tham gia”, lãnh đạo Hạt Kiểm lâm Hương Sơn tiếp
tục cho biết.
Ông Nguyễn Huy Lợi, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh cho hay, chi cục
không nhận được bất kỳ văn bản báo cáo nào về số lượng gỗ phát hiện. Chỉ đến
thời điểm tháng 2/2012, khi chi cục, UBND huyện, hạt kiểm lâm và Đồn BP 565
họp bàn phương án để truy thu thì ông mới biết.
Trước những thông tin trên, ông Lê Đình Sơn- Phó Chủ tịch UBND tỉnh đặt ra
dấu hỏi: Với số lượng gỗ lớn như thế, kiểm lâm và chủ rừng đã phát hiện và
lập biên bản nhưng các đoàn thanh kiểm tra của ông Lợi và ông Nguyễn Bá
Thịnh (PGĐ Sở NN&PTNT) đều không phát hiện ra thì rất khó hiểu.
“Kể cả số lần báo cáo cuối cùng vào tháng 1/2012, khi số lượng gỗ là 141 khối thì cũng không chính xác, bởi số gỗ đã được phát hiện và thu giữ đã hơn 250 khối”, ông Sơn nói.
Trước đó, như VietNamNet đã thông tin, đáng chú ý là trong thời gian mà kiểm lâm địa bàn, chủ rừng phát hiện số gỗ lậu trên thì các cơ quan chức năng cũng đang kiểm tra, điều tra về vụ phá rừng ở Sơn Hồng.
Đặc biệt là gần 100 khối gỗ trên xuất hiện
trước khi đoàn kiểm tra liên nghành gồm 24 người do UBND tỉnh thành lập.
Thế nhưng, thông tin nghiêm trọng trên đã không được cập nhật trong các bản
báo cáo, kết luận điều tra khi báo cáo về UBND tỉnh. Kết quả các đoàn kiểm
tra, chuyên án chỉ đưa ra được số lượng gỗ chưa đầy 100m3, tại một số vị trí
nhất định đã được lên đề cương.
VietNamNet sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
Trần Văn