- Việc truy quét gỗ lậu tại rừng đầu nguồn biên giới Sơn Hồng (Hương Sơn, Hà Tĩnh) cơ bản đã kết thúc, hơn 300m3 gỗ đã được phát hiện và thu giữ. Vấn đề đặt ra là cá nhân, tổ chức nào phải chịu trách nhiệm khi để xẩy ra vụ phá rừng tàn khốc như vậy?

TIN LIÊN QUAN


Theo thống kê chưa đầy đủ, có tới hàng trăm người có chức năng, nhiệm vụ trực tiếp hoặc gián tiếp đến việc bảo vệ và phát triển rừng tại khu vực xã Sơn Hồng. Thế nhưng, không hiểu vì sao một vụ phá rừng lớn chưa từng có xảy ra trong 1 năm qua mà không cơ quan nào hay biết?

Rào chắn dày đặc, “muỗi khó lọt”?

Cho đến ngày 11/3, các lực lượng chức năng ở Hà Tĩnh cơ bản đã hoàn tất việc truy quét, thu hồi số gỗ được cất giấu trong các khu rừng ở biên giới Việt - Lào.

Con số chưa chính thức từ các cơ quan chức năng cho biết, đã có hơn 1000 phiến/lóng gỗ (khoảng 300m3) đã được các lực lượng chức năng thu giữ.

Vụ phá rừng lớn chưa từng có tại Hà Tĩnh, dư luận đang trông chờ vào kết quả “xử lý triệt để”, như lời ông Lê Đình Sơn, PCT UBND tỉnh đã chỉ đạo.

Và câu chuyện trách nhiệm được đặt ra. Ai đã tiếp tay cho lâm tặc? Ai phải chịu trách nhiệm trước việc rừng phòng hộ đầu nguồn biên giới bị tàn phá như vậy? Bởi các cơ quan làm hết chức năng, trách nhiệm của mình thì đã không xảy ra vụ việc.

Khu vực rừng biên giới Sơn Hồng được biết đến là khu vực có trữ lượng gỗ lớn, nhiều cây thân gỗ có đường kính lớn.

Thế nên, trên đoạn đường duy nhất nối từ xã Sơn Lĩnh qua xã Sơn Hồng rồi lên đến biên giới Việt - Lào có sự tồn tại dày đặc của nhiều cơ quan chức năng. Có tới 6 đơn vị và 5 sào chắn, kiểm soát con người và lâm sản.

Đầu tiên là Trạm kiểm lâm Sơn Lĩnh, tiếp đến là Ban Quản lsy bảo vệ và xây dựng rừng Hồng Lĩnh, tiếp đó nữa là sào chắn của Hải quan, kế đến là Trạm kiểm soát lâm sản do xã Sơn Hồng lập ra, gần cuối cùng là Trạm kiểm soát Đá Gân (Đồn Biên phòng 565) và cuối cùng là Trạm bảo vệ rừng Khe Sinh.

Chủ rừng, kiểm lâm, biên phòng và chính quyền địa phương, những cơ quan được cho là có liên quan trực/gián tiếp đến trách nhiệm trong vụ rừng bị phá này. Thế nhưng, chẳng ai biết, ai đã tàn phá rừng đầu nguồn!
 

Tổng cộng có hơn 100 con người ăn lương nhà nước có chức năng, nhiệm vụ trực/gián tiếp để bảo vệ rừng, kiểm soát gỗ lậu. Với lực lượng dày đặc dày đặc như vậy, tưởng chừng như “muỗi khó lọt”, nhưng ở đây, lâm tặc, người dân thoải mái vào rừng chặt hạ, vận chuyển về.

Chưa tính đến số gỗ mới thu giữ được mới đây, trong những năm qua, chủ rừng và các lực lượng chức năng đã tiến hành nhiều đợt truy quét gỗ lậu tại xã Sơn Hồng, hàng trăm m3 gỗ được cất giấu trong dân không rõ nguồn gốc đã được tịch thu.

Thế nhưng không vì thế mà rừng đầu nguồn được yên.

Chủ rừng có nhiệm vụ bảo vệ rừng, kiểm lâm vừa có nhệm vụ bảo vệ vừa ngăn chặn việc vận chuyển gỗ lậu, lại có thêm sào chắn của xã... thì gỗ lại càng khó lọt. Đó là chưa nói đến lực lượng biên phòng kiểm soát con người ra vào khu vực biên giới. Nếu người (lâm tặc- PV) không vào được thì rừng sẽ không bị chặt”, một người dân cho ý kiến.

Ngay cả khi các lực lượng chức năng tiến hành truy quét, lâm tặc vẫn không buông tha. Trong quá trình thu gom gỗ, lực lượng biên phòng đã phát hiện một số đối tượng đang phá rừng và thu giữ nhiều cưa xăng.

Còn đến ngày 5/3 vừa rồi, khi đi kiểm tra, ông Lê Đình Sơn, Phó Chủ tịch tỉnh cũng đã tận mắt nhìn thấy có 5 lán trại của lâm tặc đã được dựng lên ở khu vực sát đường biên.

“Lâm tặc ngang nhiên đặt lán trại ngay tại đường biên, chủ rừng, kiểm lâm và biên phòng ở đâu?”, ông Sơn bức xúc.

Ai cũng chỉ có.... 1 phần trách nhiệm

Khi đưa câu hỏi, ai phải chịu trách nhiệm cho những khu rừng bị tàn phá như vậy? Ngoài chủ rừng ra, câu trả lời mà chúng tôi nhận được từ các cơ quan chức năng chỉ là “một phần trách nhiệm” hoặc “liên đới trách nhiệm”.

Còn về việc ai là chủ của số gỗ trái phép khổng lồ như vậy thì chẳng có cơ quan nào hay biết!

Ông Lê Tiến Cát, PGĐ Cty Lâm nghiệp và Dịch vụ Hương Sơn (Cty) cho biết: Để xảy ra tình trạng rừng bị phá như vậy chủ rừng phải chịu trách nhiệm đầu tiên vì rừng được nhà nước giao cho Cty quản lý.

Hàng loạt sào chắn, hơn 100 người ăn lương nhà nước của các cơ quan Ban QLBV rừng Hồng Lĩnh, kiểm lâm, biên phòng, xã Sơn Hồng có chức năng nhiệm vụ trực tiếp và gián tiếp trong việc bảo vệ rừng. Thế nhưng rừng vẫn bị "chảy máu”.

Chúng tôi đã làm hết sức để bảo vệ rừng nhưng không thể kiểm soát hết. Việc Cty không được khai thác rừng như mọi năm khiến nguồn thu không có, và cũng đồng nghĩa với việc không có tiền tái đầu tư trở lại cho việc bảo vệ rừng”, ông Cát nói.

Theo ông Cát, năm 2010, khi nguồn kinh phí chưa cạn kiệt, Cty bỏ ra 200 triệu đồng hợp đồng với chính quyền cơ sở, biên phòng để giúp bảo vệ rừng, gìn giữ an ninh ở nhiều địa bàn. Đến năm 2011 thì không còn nữa, lương của CBCNV cũng giảm một nửa, nhiều người bỏ việc.

Trong năm 2011, sau khi vụ phá rừng Sơn Hồng được các cơ quan chức năng phát hiện, gỗ lậu tập kết trong dân bị thu giữ, đã có hàng loạt lãnh đạo các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương bị kỷ luật. Riêng Trưởng và Phó ban QLBVXD rừng Hồng Lĩnh bị cách chức. Hàng loạt cán bộ, nhân viên Cty, kiểm lâm bị cảnh cáo, điều chuyển.
Ông Đoàn Anh Thân, Chủ tịch UBND xã Sơn Hồng thì cho biết, rừng đã được giao cho Cty thì chủ rừng phải có trách nhiệm bảo vệ.

Chính quyền cơ sở chỉ giúp kiểm soát về con người và vận chuyển lâm sản trái phép. Các cơ quan chức năng đã kiểm soát quá lỏng lẻo?

Người đứng đầu Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh và Hạt kiểm lâm Hương Sơn đều cho rằng, trách nhiệm đầu tiên phải thuộc về chủ rừng, tiếp đến là chính quyền địa phương rồi sau đó là lực lượng kiểm lâm và biên phòng.

Ông Nguyễn Duy Trinh, Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn thì cho rằng, chính quyền địa phương chỉ có một phần trách nhiệm, người chịu trách nhiệm chính vẫn là chủ rừng và kiểm lâm.

Còn ông Nguyễn Thế Hậu, Đồn Trưởng Đồn BP 565 cũng cho biết, gỗ lậu nằm trên khu vực rừng do Cty quản lý nên phải chịu trách nhiệm đầu tiên.

Lực lượng biên phòng chỉ có trách nhiệm liên đới trong việc giám sát, phối hợp với các cơ quan khác. Chức năng nhiệm vụ chính của BP vẫn là đảm bảo an ninh biên giới.

Nhóm PV