Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Lâm nghiệp Hà Công Tuấn cho hay, đúng là có việc lợi dụng các dự án để chiếm đất và phá rừng; nhiều dự án mục đích chính là để chiếm đất chứ không trồng rừng…

Trong buổi họp báo chiều ngày 14/3/2012, trước thực trạng rừng bị khai thác trái phép tại nhiều địa phương trên cả nước thời gian qua, ông Hà Công Tuấn, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) thừa nhận: "Những chuyện này báo chí nêu chúng tôi rất biết và đã tiến hành kiểm tra, sau đó đã báo cáo với Thủ tướng để từ đó ban hành các giải pháp như không triển khai khai hoang; ngừng cấp phép các dự án liên quan tới khai thác rừng…".


Phá rừng tại huyện Bắc Trà My, Quảng Nam
Liên quan đến việc hàng loạt các dự án vi phạm pháp luật quản lý rừng tại Đắc Lắk, Đắc Nông…, ông Tuấn thông tin: "Nói về các dự án, không phải 100% các dự án đều xấu cả. Nhưng đúng là có việc lợi dụng các dự án để chiếm đất và phá rừng; nhiều dự án mục đích chính là để chiếm đất chứ không trồng rừng…

Những vấn đề này, Tổng cục Lâm nghiệp đã báo cáo Bộ NN&PTNT và báo cáo Chính phủ để xử lý nghiêm”.

Cũng tại buổi họp báo, nhiều phóng viên đã đặt câu hỏi về vấn đề phòng chống cháy rừng của Việt Nam hiện nay, nhất là vụ cháy rừng Hoàng Liên vừa qua. Chia sẻ vấn đề này, ông Tuấn thẳng thắn: năng lực và phương tiện phòng chống cháy rừng của Việt Nam còn nghèo nàn và lạc hậu.

"Nếu so sánh đơn thuần về mặt kỹ thuật, trang thiết bị chữa cháy rừng… thì các phương tiện của chúng ta còn nghèo nàn, chưa có lực lượng chuyên trách về chữa cháy rừng mà mới chỉ có lực lượng kiêm nhiệm.

Cháy rừng Hoàng Liên vừa xảy ra đã thiêu cháy hàng trăm hecta rừng phòng hộ.

Khu vực có thể sử dụng được thiết bị máy bơm chữa cháy tương đối yên tâm là Nam Bộ. Còn miền núi phía Bắc, chỉ có thể chữa bằng thủ công mà không có cách gì khác vì núi cao, rừng bị cháy trong các thung lũng, gió rất quẩn… nên máy bay không thể hạ thấp độ cao… ".

Ông Tuấn cũng nói rõ: "So sánh với các nước trên thế giới, đúng là họ có nhiều phương tiện chữa cháy đặc chủng nhưng địa hình đi lại của họ dễ dàng hơn. Ở trên không, họ sử dụng các phương tiện chữa cháy trên không nhưng chi phí rất đắt. Ví dụ, ở Mỹ một chiếc máy bay chuyên dụng lên tới vài chục triệu đô…

Đặc thù rừng núi của chúng ta có người dân sống xen kẽ, do đó tiến hành đầu tư các phương tiện chữa cháy hiện đại như trên cũng cần phải cân nhắc".

Cả nước sẽ có thêm 2,6 triệu ha rừng vào năm 2020

Tại cuộc họp báo chiều ngày 14/3/2012, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) đã thông qua mục tiêu, nhiệm vụ, nhóm các giải pháp thực thi kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020.

Theo đó, mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn tới của Tổng cục Lâm nghiệp và Bộ NN&PTNT sẽ nâng độ che phủ rừng lên 42 - 43% vào năm 2015; và 44 - 45% vào năm 2020; tăng năng suất, chất lượng và giá trị của rừng; cơ cấu lại ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, đáp ứng cơ bản nhu cầu về gỗ, lâm sản cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Giai đoạn 2011 - 2020, cả nước sẽ có thêm 2,6 triệu ha rừng, trong đó trồng rừng mới phòng hộ, đặc dụng 250.000 ha; trồng mới rừng sản xuất 1 triệu ha và trồng lại rừng sau khai thác 1,35 triệu ha.

Ban chỉ đạo Nhà nước về kế hoạch bảo vệ, phát triển rừng giai đoạn 2011 – 2020 cũng được thành lập để thực hiện QĐ số 57 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 09/01/2012.


Kiên Trung