- Lo lắng, hoài nghi trước những tuyên bố “an toàn” của cán bộ…trên tivi. Không ít người dân sống dưới đập Sông Tranh 2 đã nghĩ tới phương án dời nhà đi lánh nạn.

Bất ổn vì lý lẽ không…phục !

“Nhà khoa học mô nói thủy điện Sông Tranh 2 an toàn, xin mời đến mùa mưa lũ đưa vợ con vô sống thử 1 tuần dưới vùng hạ lưu con đập ni, lúc đó bà con tui tin liền…” - ông Nguyễn Văn Lan nhà ở xã Trà Tân, dưới chân đập Sông Tranh 2 nói với chúng tôi như vậy…

Khi được hỏi chuyện về sự cố đập thủy điện Sông Tranh 2 rò rỉ nước, ông Lê Lâm, một người dân nói thẳng: “Ông quản lý dự án thủy điện 3 lúc mô cũng nói an toàn tuyệt đối. Rồi một số ông khoa học “vắt tay sau lưng” được mời đến đi quanh cái đập ni có xe đưa rước, về cứ thế phán đập Sông Tranh không có chi. Nước thấm là bình thường. Tụi tôi không tin đâu..”.

Người dân Trà Đốc hoang mang, lo lắng vì thủy điện Sông Tranh 2

Còn bà Lê Thị Lâm, thấy chúng tôi hỏi chuyện về thủy điện cũng bàn thêm: “Lỡ xảy ra sự cố, lúc đó, chắc chi bà con tui còn sống để xem mấy ổng chịu trách nhiệm. Thôi thì ngắn cổ kêu không thấu trời. Trăm sự nhờ mấy chú nhà báo kêu giúp, may ra có thấu để mấy ổng lo xử lý cho bà con tui được nhờ…”.

Theo lời kể của bà Lâm, năm ngoái, khi xảy ra vụ động đất, lúc đó mặt đất chao đảo, tiếng nổ đì đùng hàng đêm khiến bà con mất ăn mất ngủ. Chỉ khi người dân “kêu” dữ qua chính quyền địa phương lúc đó mới quan tâm và mời mấy nhà khoa học ở Hà Nội vào khảo sát.

“Mấy ổng đi vòng quanh 2 ngày, lấy cái máy bấm bấm, đến chiều hôm sau kết luận là động đất, mà động đất không gây nguy hiểm gì” – vẫn lời bà Lâm.

Bà Lê Thị Ngôn nhà ở  xã Trà Đốc tỏ ra bi quan hơn: “Cứ nhìn cái cảnh “tay không bắt giặc” của mấy ổng bà con tui lại lo thêm. Nhưng biết làm răng chừ. Bây giờ chỉ có nước bỏ làng, bỏ xóm mà đi mới may yên thân chú à…”.

Rồi bà Ngôn thắc mắc: “Hồi tối, thấy mấy ông ở Hà Nội nói trên ti vi, có cả lãnh đạo tỉnh, huyện. Tui nghe rõ mồn một rằng cái đập thủy điện không có chi, bà con cứ yên tâm. Nhưng có chú nhà báo hỏi cắc cớ cái ông to nhất rằng có dám khẳng định cái đập ni an toàn? Ổng bảo trên đời ni không có chi an toàn tuyệt đối cả. Nghe ổng nói rứa bà con tui lại lo cái bụng”.

Cận cảnh những vết nứt trên đập thủy điện Sông Tranh 2 vào sáng ngày 27-3 nước vẫn còn tuôn chảy như thác.

Bình luận về sự cố đập thủy điện, ông Nguyễn Lâm -xã Trà Tân, dùng hình ảnh ví von hơn: “Nhìn cái đập treo trên đầu, nước chảy như suối. Còn trong đường hầm nước chảy như không khác gì mưa. Lại thêm động đất đùng đùng, chẳng khác chi quả bom hẹn giờ treo trên đầu, trên cổ…Vậy mà hô hào bà con tui yên tâm, không lo mới lạ”.

Nhiều hộ dân sinh sống phía dưới chân đập thủy điện Sông Tranh 2 đang tính chuyện vào rừng tìm đất dựng nhà tạm để ở trong mỗi mùa mưa lũ về.

“Kiểu ni bà con tui phải vô rừng kiếm miếng đất khai cái rẫy dựng nhà sống tạm vào mùa mưa lũ. Chớ không thể yên tâm mà sống dưới quả “bom” nước ni được…” - Ông Hồ Văn Dun và nhiều người dân ở Trà Tân nói như vậy.

“Chú thấy, nước chảy như rứa làm răng an toàn được. Mấy ổng nói an toàn chẳng qua là để bà con tui bớt lo. Mai mốt vợ chồng tui kiếm miếng đất trên núi cao dựng cái nhà tạm, mùa mưa bão kéo nhau lên trên nớ ở cho chắc ăn. Chứ ở dưới ni không cách chi mà ngủ được chú à…?” – bà Lê Thị Ngôn nói trong lo lắng.

Chưa xử lý rốt ráo, bảo đảm an toàn cho dân

Nhận xét về kết luận tại cuộc họp báo ở Hà Nội của EVN vào chiều 28/3, ông Đặng Phong - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My nói: “Thông tin này vẫn cứ chung chung, loanh quanh, chẳng khác chi kết luận sơ bộ của đoàn công tác TW sau buổi kiểm tra ngày 20/3. Việc nghiệm thu công trình đảm bảo chất lượng trước đây và việc giám định lại về sự cố hiện nay cũng là do một cơ quan, liệu có khách quan không?” .

Đoàn công tác của Quân khu 5 khảo sát tại đập Sông Tranh 2 để xây dựng kịch bản cho phương án phòng chống sự cố xấu xảy ra

“Đối với một công trình lớn, lại có nhiều sự cố động đất, rò rỉ nước, thiết nghĩ nên trưng cầu giám định độc lập để đảm bảo toàn diện, an toàn và an tâm tuyệt đối. Không thể nói chung chung là an toàn, bảo anh em tụi tui với bà con nhân dân yên tâm là chưa thỏa đáng…” – ông Phong nói trong sự lo lắng về trách nhiệm với dân.

Còn ông Đinh Văn Thu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam thẳng thắn: “Trách nhiệm của tỉnh là tuyên truyền đến người dân như thông tin kết luận chính thống về sự an toàn của thủy điện, để an dân.

Đồng thời, BQL thủy điện phải có biện pháp khắc phục sự cố mang tính ổn định lâu dài. Tỉnh đề nghị cơ quan thẩm quyền trung ương, BQL thủy điện cần tổ chức kiểm tra rà soát tổng thể công trình, để xử lý rốt ráo, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho thủy điện, để chính quyền và người dân địa phương yên tâm.

Không thể để tái diễn tình trạng như vừa qua, hết động đất, rồi rò rỉ đập, sự cố liên miên, mà trách nhiệm xác định nguyên nhân, triển khai khắc phục của BQL thủy điện lại cứ nhùng nhằng, khiến hàng trăm ngàn dân của 7 huyện hạ du thủy điện ăn ngủ không yên như vậy là không nên…”.

Điều đặt ra sau sự cố thủy điện Sông Tranh 2 lúc này là: An dân là yêu cầu số một. Nhưng làm thế nào để an dân khi những sự cố dồn dập từ mất đất sản xuất, nhà tái định cư xuống cấp dân không ở được, rồi đến động đất liên miên và bây giờ là sự cố nứt đập rò rỉ nước tuôn chảy xối xả nơi đập thủy điện Sông Tranh 2, khiến hàng chục nghìn hộ dân miền rừng này hoang mang lo lắng vì “ông” thủy điện là điều có thật, khiến họ không lo lắng hoang mang mới là lạ?

Những cái nhất của các “ông” thủy điện ở Quảng Nam:

Người dân Quảng Nam không phải ngẫu nhiên đến bây giờ mới đưa ra chuyện những cái nhất của các dự án thủy điện mà họ gọi bằng từ “ông” thủy điện - nghe khá buồn cười.

- “Ông” thủy điện mà người dân phong là “dũng sĩ” diệt quan chức lớn nhất tỉnh là thủy điện Khe Diên. Đây là thủy điện mà có 7 quan chức và giám đốc doanh nghiệp nhận án tù. Cao nhất là 4 năm và thấp nhất là án treo. Trong đó quan chức cao nhất là Giám đốc Sở Nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam. Do ký khống hồ sơ phá rừng.

- “Ông” thủy điện công suất lớn nhất là A Vương. Cũng được phong là “ông” thủy điện gây hậu quả lũ chồng lũ nhấn chìm hàng chục nghìn dân huyện Đại Lộc và phát sinh “lũ gỗ” lớn nhất những năm qua.

- “Ông” thủy điện dân hoang mang lo lắng nhất và nhiều cái nhất là thủy điện Sông Tranh 2: Đây là thủy điện “ăn” đất của dân nhiều nhất và là thủy điện di chuyển dân nhiều nhất, hơn 1.000 hộ dân.

Tuy nhiên đây cũng là “ông”thủy điện khiến người dân miền rừng này hoang mang lo lắng nhất vì chính “ông” thủy điện này gây động đất kích thích, và bây giờ là nứt đập chảy nước khiến toàn bộ dân ở 7 huyện thị vùng hạ lưu dọc sông Thu Bồn lo lắng nhất, với khoảng 500.000 dân.

Đặc biệt là khu đô thị cổ Hội An, nếu ông “thủy điện” này gặp sự cố, nguy cơ xóa sổ đô thị cổ Hội An là điều khó tránh khỏi.

- “Ông” thủy điện Đắk Mi 4 ít gây tai tiếng nhất và ít khiến dân vùng hạ lưu hoang mang lo lắng. Nhưng với khoảng 600.000 dân, TP. Đà Nẵng lo lắng sẽ chết khát nếu “ông” thủy điện này không xả nước.

Vũ Trung