- Nguyên chủ tịch HĐQT, TGĐ tập đoàn Vinashin nhận mức án 20 năm tù.
Sau 1 giờ nghi án, vào lúc 18 giờ ngày 30/3, TAND TP Hải Phòng đã tuyên các bị cáo liên quan đến vụ án “cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin).
HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Phạm Thanh Bình (SN 1953, nguyên Chủ tịch HĐQT, nguyên TGĐ Vinashin) 20 năm tù giam; Trần Văn Liêm (SN 1955, nguyên Trưởng ban Kiểm soát Vinashin, nguyên Giám đốc Công ty Viễn Dương) 19 năm tù giam; Tô Nghiêm (SN 1959, nguyên Chủ tịch Công ty TNHH một thành viên CNTT Cái Lân) 18 năm tù giam; Nguyễn Văn Tuyên (SN 1962, nguyên Giám đốc Công ty CP công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh Vinashin) 16 năm tù giam; Trịnh Thị Hậu (SN 1964, nguyên Tổng giám đốc Công ty tài chính TNHH một thành viên CNTT) 14 năm tù giam; Đỗ Đình Côn (SN 1952, nguyên Kế toán trưởng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần CNTT Hoàng Anh Vinashin) 10 năm tù giam; Hoàng Gia Hiệp (SN 1972, nguyên Phó tổng giám đốc VFC) 13 năm tù giam; Trần Quang Vũ (SN 1958, nguyên Tổng giám đốc Vinashin, nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty CNTT Nam Triệu) 11 năm tù giam.
Như vậy, sau 4 ngày
diễn ra phiên tòa sơ thẩm xét xử về những sai phạm tại tập đoàn
Vinashin, chiều 30/3, phiên tòa đã kết thúc.
Các bị cáo trên bị truy tố về tội “cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý gây hậu quả nghiêm trọng” theo khoản 3, điều 165 BLHS.
Riêng bị cáo Nguyễn Tuấn Dương, trước đó đại diện VKS đã đề nghị chuyển từ tội danh “cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng” sang tội danh “sử dụng tài sản trái phép" bị tuyên 3 năm tù giam.
Cựu Chủ tịch Vinashin thừa nhận “xé rào”
Trước đó, khi được phép nói lời cuối cùng trước khi tòa tuyên án, Cựu chủ tịch HĐQT kiêm Tổng GĐ Vinashin Phạm Thanh Bình thừa nhận: “Quyết tâm vì công nghiệp đóng tàu, tôi đã thực hiện tất cả những công việc trong bối cảnh khó khăn nên có những lúc nóng vội, thậm chí có những lúc “xé rào” làm sai quy định của Chính phủ nhưng tất cả đều vì lợi ích chung của tập thể, không vì tính cá nhân nào. Mong HĐXX xem xét”.
Còn bị cáo Trần Văn Liêm, ngay trong lời nói cuối cùng vẫn đổ lỗi cho cấp trên của mình.
“Đối với bản thân tôi khi thực hiện dự án này hoàn toàn theo chỉ đạo, quyết định của tập đoàn. Tôi lãnh đạo, chỉ đạo Viễn Dương để thực hiện các quyết định của tập đoàn. Tập đoàn quyết định tất cả các khâu, từ tư vấn đến thực hiện, ký hợp đồng.
Bản thân tôi và anh em trong công ty Viễn Dương chưa biết được anh Bình phạm tôi. Tôi không ý thức được hành động của chúng tôi theo tập đoàn dẫn đến phạm tội. Nếu biết, dù có bị kỷ luật tôi cũng chống lại quyết định của tập đoàn. Thâm tâm của tôi như thế. Kính mong HĐXX xem xét cho nguyên nhân vì sao dẫn đến sai phạm như vậy, cho tôi được hưởng khoan hồng pháp luật, về với bố mẹ đang rất già yếu ở nhà”.
Cũng giống như bị cáo Liêm, bị cáo Tô Nghiêm tiếp tục: “Tôi nhận thức rõ hành vi của mình trong việc cùng với lãnh đạo của tôi trong sai phạm này. Trong quá trình xét xử, HĐXX chú ý cho tôi về hoàn cảnh, động cơ khi thực hiện vụ này, không hề có vụ lợi. Mong được xem xét, cho hưởng khoan hồng".
Bị cáo Đỗ Đình Côn thì trình bày: Tham gia công ty Hoàng Anh tôi không làm gì gây thiệt hại cho công ty mà chỉ làm theo bổn phận của người đi làm theo hợp đồng. Mong HĐXX xem xét vì tôi không làm trái gì cả.
Được nói lời cuối, bị cáo Trịnh Thị Hậu vẫn luôn luôn khẳng định mình không có lỗi. Bị cáo Hậu cũng xin được hưởng khoan hồng vì còn có chồng là thương binh, mẹ già, con nhỏ.
Như vậy, sau 4 ngày diễn ra phiên tòa sơ thẩm xét xử về những sai phạm tại tập đoàn Vinashin, chiều 30/3, phiên tòa đã kết thúc.
Hoàng Sang