- Khoảng 9h tối nay (31/3), bão số 1 sẽ đổ bộ đất liền. Vùng tâm bão sẽ đi qua đảo Phú Quý (Bình Thuận). Hoàn lưu bão sẽ gây mưa lớn cho toàn bộ khu vực từ Bình Định đến Bình Thuận, khu vực miền Đông Nam Bộ và Nam Tây Nguyên.
>> Phú Yên: Theo dõi sát diễn biến bão số 1
>> Bão số 1 ít di chuyển và mạnh thêm
Đêm nay bão đổ bộ
Hồi 16 giờ ngày 31/3, vị trí tâm bão ở vào khoảng 9,8 độ Vĩ Bắc; 109,6 độ Kinh Đông, cách đảo Phú Quý khoảng 100km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (tức là từ 62 đến 88 km một giờ), giật cấp 10, cấp 11.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão số 1
di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 5 - 10km. Đến 4 giờ
ngày 1/4, vị trí tâm bão ở vào khoảng 9,9 độ Vĩ Bắc; 108,5 độ Kinh Đông, cách bờ
biển Bình Thuận – Bến Tre khoảng 130km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất
vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp
10.
Bão số 1 sẽ đổ bộ đêm nay (Ảnh: NCHMF) |
Trong khoảng 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão số 1 di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km và có khả năng suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 16 giờ ngày 1/4, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 10,3 độ Vĩ Bắc; 107,0 độ Kinh Đông, trên khu vực Bà Rịa Vũng Tàu – Bến Tre – Tiền Giang. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 - 7 (tức là từ 39 đến 61 km một giờ), giật cấp 8, cấp 9.
Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Đến 16 giờ ngày 2/4 vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 11,3 độ Vĩ Bắc; 105,0 độ Kinh Đông trên khu vực Căm Pu Chia. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ).
Do ảnh hưởng của bão vùng biển các tỉnh từ Phú Yên đến Bến Tre (bao gồm cả khu vực đảo Phú Quý) có gió mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Biển động rất mạnh.
Vùng ven biển các tỉnh từ Ninh Thuận đến Bà Rịa Vũng Tàu gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7, cấp 8. Các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận, khu vực miền Đông Nam Bộ và Nam Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to
Chủ động sơ tán dân ở vùng nguy hiểm trước khi bão đổ bộ
Ban chỉ huy phòng chống lụt bão TW cho biết đến 6h30 ngày 31/3 đã thông báo được tổng số 48.575 tàu, thuyền / 230.324 lao động biết vị trí, diễn biến của bão, trong đó khu vực quần đảo Trường Sa: 758 tàu / 10.617 lao động; Hoạt động ven bờ và các khu vực khác: 11.066 tàu / 80.479 lao động; Neo đậu tại bến 35.656 tàu / 153.804 lao động; 95 lồng bè/1.093 lao động (Ninh Thuận).
Đã có những tai nạn trên biển do bão số 1 gây ra. Đó là tàu cá QNg 90046/12 lao động và tàu QNg 90252/11 lao động, lúc 22 giờ ngày 30/3/2012, cả 2 tàu đang thả trôi ở 18o37’ Vĩ độ Bắc – 113o32’ Kinh độ Đông (cách đảo Phú Lâm/ Hoàng Sa khoảng 122 hải lý về hướng Đông Bắc), hiện vẫn duy trì liên lạc với đài canh của Biên phòng Quảng Ngãi.
Ngoài ra là 8 tàu cá/74 lao động tỉnh Khánh Hòa xin trú tránh tại vùng biển Malaisia hiện vẫn hoạt động an toàn tại 07o00’ Vĩ độ Bắc – 110o30’ Kinh độ Đông .
Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, tổng diện tích lúa Đông Xuân đã gieo cấy ở các tỉnh Duyên Hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên khoảng 254.513ha; đến thời điểm này đã thu hoạch được 49.500ha (Quảng Nam: 2.300ha; Quảng Ngãi: 1.500 ha; Bình Định: 27.800ha; Phú Yên: 1.800ha; Khánh Hòa: 5.500ha, Gia Lai:2.300 ha, Đăk Lăk: 3.600ha, Lâm Đồng: 4.700ha ). Các tỉnh còn lại trà lúa chính vụ đang bước vào giai đoạn chín, chuẩn bị thu hoạch.
Các địa phương đã chủ động có phương án sẵn sàng sơ tán dân khi có bão đổ bộ trực tiếp và khi xảy ra lũ. Tỉnh Bình Thuận có 33 điểm dân cư/7.134 hộ/31.610 nhân khẩu phải sơ tán, di dời khi có bão đổ bộ trực tiếp.
Các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, thành phố Hồ Chí Minh, Long An Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh đã có phương án sơ tán, di dời ở các vùng có nguy cơ chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão.
TP.HCM lên phương án di dời 15.000 dân tránh báo Thông tin từ cơ quan khí tượng thuỷ văn cho hay, việc bão số 1 xuất hiện vào thời điểm này là một sự bất thường vì trong 30 năm qua chỉ có duy nhất một cơn bão xuất hiện vào thời điểm tháng 3. Phó chủ tịch UBND TP HCM Lê Minh Trí đã ký công văn khẩn yêu cầu mỗi quận, huyện phải khẩn trương triển khai phương án phòng, tránh, ứng phó khi bão di chuyển vào đất liền, có khả năng đổ bộ hoặc ảnh hưởng đến TPHCM; huy động lực lượng, vật tư, phương tiện giúp nhân dân chằng chống nhà cửa trước bão và khắc phục hậu quả sau bão, bảo vệ các khu vực, công trình trọng điểm, cứu hộ, cứu nạn, cứu sập và giúp đỡ các gia đình bị nạn, bảo vệ trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Riêng huyện Cần Giờ cần đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền hoạt động thủy sản trên địa bàn; thông báo và kêu gọi toàn bộ tàu thuyền đang hoạt động trên biển về nơi tránh trú bão an toàn, thường xuyên thông tin về vị trí, diễn biến của bão số 1 cho các thuyền trưởng, chủ tàu hoạt động nghề cá, các phương tiện vận tải trên biển và dân cư ven biển để chủ động phòng, tránh, ứng phó, thoát ra hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm (được xác định từ 9 độ vĩ Bắc đến 14 độ vĩ Bắc). Hiện UBND huyện Cần Giờ đã lên phương án nhằm di dời hơn 15.000 người thuộc hơn 3.700 hộ dân ở những vùng ven sông, biển và vùng thấp, trũng có nguy cơ ảnh hượng nặng nếu bão đổ bộ. Đối với xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ đã rà soát và chuẩn bị lực lượng gồm 175 người, 25 xe ô tô, 16 tàu thuyền của dân, 11 tàu, ca nô của các cơ quan để khi có lệnh của UBND thành phố sẽ thực hiện di dời ngay 3.000 dân trên đảo vào đất liền. Mới đây nhất, vào khoảng 3h sáng ngày 31/3, do ảnh hưởng của bão, gió xoáy đã xuất hiện tại 2 huyện Cần Đước và Cần Giuộc của tỉnh Long An khiến 70 nhà dân bị tốc mái, ước tính thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Quốc Quang
Ngọc Anh