- Việc người bệnh mất lòng tin ở các bệnh viện (BV) tuyến dưới đã khiến tình trạng quá tải ở tuyến TW thêm trầm trọng. Một trong những giải pháp cốt lõi được Bộ Y tế đưa ra là thu hẹp khoảng cách giữa các tuyến. Tuy nhiên, thực tế lại không diễn ra như vậy.


Viện tuyến trên: Cứ mở thêm, lại quá tải

Ông Lê Hoài Chương, Phó Giám đốc BV Phụ sản TW - một trong những bệnh viện lớn bị quá tải nặng nhất nước - cho biết, mỗi năm BV đều triển khai mạnh các biện pháp giảm tải như tăng số giường bệnh, sắp xếp các khoa phòng, bố trí nhân lực, vật lực,…

Tuy nhiên, có thực tế là cứ mở thêm ra đến đâu là quá tải đến đó! Mỗi năm, thống kê trung bình cho thấy BV lại quá tải thêm 15%.

Lý giải về thực trạng này, ông Chương cho rằng nguyên nhân chủ yếu là do khoảng cách giữa các tuyến còn quá xa, dù Bộ Y tế đã có phân tuyến kỹ thuật cho từng tuyến.

Trong khi các BV tuyến TW được đầu tư và nâng cao kỹ thuật thường xuyên, có đội ngũ cán bộ có trình độ, kinh nghiệm tốt thì tuyến dưới (đặc biệt là ở tuyến huyện) lại thiếu thốn đủ thứ, đặc biệt có nơi BV huyện nhưng không có bác sĩ!


Bệnh viện tuyến dưới có trang thiết bị sơ sài, cơ sở hạ tầng xuống cấp, đặc biệt là thiếu bác sĩ trầm trọng. (Ảnh: N.A)
Còn nhớ cách đây 4 năm, khi BV đa khoa huyện Phú Lương (tỉnh Thái Nguyên) xảy ra chuyện, ông Hoàng Trí Long (GĐ TT chăm sóc bà mẹ và trẻ em Thái Nguyên) đã cho biết, tại Thái Nguyên nhiều BV không có bác sĩ sản. Ngành y tế Thái Nguyên tổ chức thi tuyển công chức nhưng tuyệt nhiên không có một bác sĩ nào ứng tuyển, chỉ toàn trung cấp đến nộp hồ sơ!

Không những chênh nhau về đội ngũ cán bộ có trình độ, việc đầu tư nâng cấp trang thiết bị, khoa học kỹ thuật và cơ sở hạ tầng cho các BV có sự khác biệt lớn giữa các tuyến.

Trong khi BV tuyến TW được xây dựng các trung tâm khám chữa bệnh tầm cỡ quốc tế, thu hút một lượng lớn cả bác sĩ lẫn người bệnh thì BV tuyến tỉnh, tuyến huyện vẫn ở trong tình trạng xập xệ, xuống cấp trầm trọng.

Mới đây, Bộ Y tế cho biết đã lấy nguồn từ trái phiếu Chính phủ để thực hiện nâng cấp hơn 600 bệnh viện tuyến huyện, tỉnh trong cả nước nhưng việc này cũng đã bị tạm dừng vì lạm phát.

Đề án 1816 ra đời được kì vọng sẽ mang lại sự khởi sắc cho y tế tuyến dưới. Nhưng thực tế là khi luân phiên, các bác sĩ tuyến trên thường phải... làm hộ tuyến dưới. Việc không có máy móc, trang thiết bị đồng bộ khiến đề án này gần như không phát huy nhiều tác dụng như mong muốn.

Siết chặt không khéo lại “hành” bệnh nhân!

Sáng 26/3, trong phiên trả lời chất vấn trước Ủy ban thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết cùng với một loạt biện pháp khác thì siết chặt quy chế chuyển viện được coi là một trong những giải pháp quan trọng để giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.

Trên thực tế, quy định về chuyển viện đã có và được thực hiện từ lâu, tuy nhiên vì hiệu quả không cao nên tình trạng quá tải ngày càng trầm trọng.

Trong điều kiện y tế tuyến dưới không đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh khiến người dân mất lòng tin thì câu trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khiến nhiều người lo lắng.


Nếu không căn cứ vào tình hình thực tế mà siết chặt chuyển viện bằng các mệnh lệnh hành chính thì có thể lại phát sinh vấn đề tiêu cực. (Ảnh: N.A)

Tiến sĩ Nguyễn Cao Luận, nguyên trưởng khoa Thận nhân tạo BV Bạch Mai cho biết, hiện nay khoa Thận nhân tạo của BV Bạch Mai có 80 máy chạy thận nhưng phải tăng ca tối đa (4-5 ca/ngày/máy) và hoạt động liên tục từ 6h30 sáng hôm trước đến 3h sáng ngày hôm sau!

Theo ông Luận, hệ thống các BV tuyến dưới có khả năng chạy thận nhân tạo rất hạn chế (vì bị lỗ nặng) nhưng nơi nào đã làm được là họ giữ bệnh nhân chứ không chuyển và bệnh nhân cũng không muốn lên tuyến trên làm gì cho khổ.

Nhưng với các tỉnh không có máy chạy thận nhân tạo thì phải làm thế nào? Không thể siết được, nếu không làm được thì bắt buộc phải chuyển, BV có muốn giữ cũng không được.

Nếu không căn cứ vào tình hình thực tế mà siết chặt chuyển viện bằng các mệnh lệnh hành chính thì có thể lại phát sinh vấn đề tiêu cực ở khâu xin giấy chuyển viện hoặc bệnh nhân có thể gặp tai biến
”, ông Luận nói.

Ngoài ra, có một vấn đề nữa là nếu siết chặt chuyển viện một cách không linh hoạt, mềm dẻo, nhiều BV tuyến dưới sẽ vì “bệnh thành tích” mà không dám chuyển bệnh nhân lên trên và người gánh hậu quả cuối cùng là người bệnh.

Theo luật BHYT và luật khám chữa bệnh, người bệnh có quyền được lựa chọn cơ sở khám chữa bệnh mà mình mong muốn.

Về điều này, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, quy chế chuyển viện phải hết sức mềm dẻo và việc chuyển viện phải có một tỷ lệ nhất định chứ không phải tuyến dưới bệnh nào cũng chuyển còn tuyến trên bệnh nào cũng nhận chữa, gây quá tải không đáng có.

Trong quy chế chuyên môn, bệnh nặng nếu vẫn thuộc phạm vi phân tuyến kỹ thuật thì phải hội chẩn liên khoa, rồi liên viện, không giải quyết được mới đưa lên tuyến trên. Quy định là rất rõ ràng rồi”, ông Khuê nói.

Ông Khuê cũng cho biết tới đây khi siết chặt chuyển viện để thực hiện giảm tải, BV tuyến trên nào chữa bệnh mà đáng ra tuyến dưới làm được nhưng vẫn chuyển thì tuyến trên sẽ bị phạt.

Hiện nay trừ những bệnh nhân đến thẳng mà không qua y tế cơ sở thì thực tế là BV tuyến trên vẫn nhận hết những bệnh nhân được chuyển từ tuyến dưới lên. Hơn nữa, luật BHYT quy định lên tuyến TƯ mà không có giấy chuyển viện vẫn được thanh toán 30% nên bệnh nhân càng có “động lực” để đi.

Do đó, tới đây cùng với quy chế chuyển viện được thực hiện triệt để, chúng tôi cũng sẽ đề xuất sửa đổi điều này để hạn chế tâm lý muốn lên tuyến trên của người bệnh
”, ông Khuê nói.

Giải quyết “lợi ích nhóm” khi triển khai đề án giảm tải BV

Một cán bộ Bộ Y tế cho biết, muốn giảm tải bệnh viện tuyến trên ngoài việc thực hiện các giải pháp mà Bộ Y tế đã đưa ra thì cần giải quyết được vấn đề “lợi ích nhóm”.

Hiện nay, quá tải gây khổ cho bệnh nhân, khiến bác sĩ làm việc căng thẳng, … nhưng thực tế quá tải cũng chính là “nồi cơm” của các bệnh viện tuyến trên, bởi càng quá tải thì nguồn thu càng lớn. Do đó, chính các bệnh viện cũng có tâm lý … thích quá tải để cải thiện nguồn thu (trong khi Ngân sách eo hẹp, viện phí thấp không đủ để bù đắp các chi phí hoạt động).

Điều này dẫn tới thực trạng là bệnh nhân nhẹ được chuyển đến cũng đều được nhận. “Nếu không có quy định bệnh viện tuyến trên không được chữa bệnh nhẹ (mà tuyến dưới chữa được, trừ bệnh nhân tự ý vượt tuyến) sẽ bị xử lý thì khó có thể thực hiện giảm tải triệt để”, vị này cho biết.

Ngọc Anh