- Được đi cấp cứu từ nửa đêm vì bị đau bụng nhưng đến 8h sáng hôm sau bệnh viện (BV) mới chụp X-quang, bước đầu xác định cần theo dõi vì nghi “tắc ruột”. Trong khi đó, cơn đau bụng của bệnh nhân kéo dài âm ỉ cả đêm và mức độ ngày càng tăng nhưng bác sĩ chỉ cho truyền huyết thanh, tiêm thuốc giảm đau. Mãi đến hơn 2h chiều (14 tiếng sau khi nhập viện), bệnh nhân được chuyển viện nhưng mọi nỗ lực cấp cứu của tuyến trên đều bất thành …

Đây là trường hợp xảy ra tại BV Nam Thăng Long (Hà Nội). Báo VietNamNet đã nhận được đơn phản ánh của gia đình bệnh nhân trên với mong mỏi nhận được câu trả lời thỏa đáng cho cái chết của người thân trong gia đình.

Cấp cứu từ nửa đêm …

23h ngày 22/3/2012, anh Nguyễn Mạnh Dũng (sinh năm 1968 tại thôn Đông Sen, xã Thụy Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội) có biểu hiện đau bụng bất thường ở vùng trên rốn. Anh Dũng đã gọi điện cho anh Hiền (là anh ruột) nhờ đưa vào BV Nam Thăng Long để khám.

Lúc 23h43p, anh Dũng được nhập viện. Tại khoa cấp cứu, các bác sỹ trong kíp trực đêm ngày 22/3 sau khi hỏi han vài điều đã chỉ định làm siêu âm ổ bụng và gia đình cho biết nhận được thông báo từ bác sỹ: “chưa đủ điều kiện để chẩn đoán bệnh”.

Di ảnh bệnh nhân Nguyễn Mạnh Dũng. Gia đình cho rằng cái chết đột ngột của anh Dũng là do BV Nam Thăng Long làm không đúng quy trình chuyên môn và chuyển viện quá muộn (Ảnh: C.Q)

Ngay sau đó, anh Hiền (anh trai anh Dũng) được bác sỹ đưa một gói thuốc có hình dạ dày bên ngoài bảo pha cho bệnh nhân uống. Sau khi uống xong gói thuốc này, anh Dũng được truyền một chai huyết thanh và tiêm một mũi (gia đình không rõ thuốc gì).

Tuy nhiên, cơn đau không dứt. Anh Dũng sau nửa tiếng đã phải nhờ anh trai ra gọi bác sỹ vào xem giúp thì bác sỹ cho biết “phải chờ thuốc mới ngấm” rồi quay về phòng trực.

Lần thứ 3 sang gọi bác sỹ cho em trai, anh Hiền bị bác sỹ gắt gỏng: “Gọi gì mà gọi lắm thế? Đã tiêm, truyền, uống rồi còn gì nữa?” khiến anh Hiền “phát hỏa”, liền phản ứng: “Anh làm rồi nhưng bệnh nhân vẫn đau thì phải sang xem chứ”.

Vị bác sỹ cáu kỉnh sang xem và tiêm thêm cho anh Dũng một mũi giảm đau. Lần này, anh Dũng ngủ được hơn 1 tiếng đồng hồ.

Đến hơn 4h sáng, anh Dũng lại bị cơn đau hành hạ và tỉnh dậy. Lần này anh Hiền vào phòng vén màn gọi bác sỹ dậy thì nhận được câu trả lời, giờ đã gần sáng, đợi bác sỹ ca sáng đến khám luôn cho một thể. Anh Hiền đành về phòng động viên em trai cố chịu đựng.

Đến 7h30 sáng ngày 23/3, chị Nguyễn Thị Hằng, vợ anh Dũng vào trông chồng. Lúc đó, ngón tay anh Dũng đã tím, người mệt lả. Lúc này bác sỹ làm ca sáng yêu cầu đi làm xét nghiệm máu và chụp X-quang. Đến 9h sáng có kết quả chụp X-quang lần 1 nhưng bị hỏng nên phải chụp lại. 10h mới có kết quả chụp X-quang lần 2. Bác sỹ cho gia đình biết “hình như bệnh nhân bị tắc hoặc thủng ruột, dạ dày”.

Trong khi đó, gia đình cho biết, kết quả xét nghiệm máu của bệnh nhân đến quá trưa vẫn chưa có. Anh Dũng cũng không thể nội soi vì đau quá. Lúc này anh Dũng đã mệt lả. Đến 14h30 cùng ngày, gia đình xin cho anh chuyển lên viện E.

Tại BV E, các bác sỹ không thể chụp chiếu hay làm xét nghiệm vì vì lúc này toàn thân anh Dũng đã nhiễm khuẩn, huyết áp tụt thấp, rơi vào hôn mê sâu. Các bác sỹ BV này cho biết, bệnh nhân Dũng được chuyển đến quá muộn. Theo yêu cầu của gia đình, BV E vẫn phẫu thuật.

Để tiến hành phẫu thuật, BV này phải dùng kết quả chụp X-quang của BV Nam Thăng Long nhưng những nỗ lực cuối cùng không thành. Sau 10 ngày hôn mê ở BV E, anh Dũng qua đời…

BV Nam Thăng Long: “Chúng tôi làm đúng, chuyển viện kịp thời”

Trao đổi với VietNamNet về trường hợp của anh Nguyễn Mạnh Dũng, ông Vũ Đức Thắng, Phó trưởng phòng Tổ chức hành chính - BV Nam Thăng Long - khẳng định, các bác sỹ tại đây đã “xử lý đúng quy trình chuyên môn và chuyển viện kịp thời”. Ông Thắng cho biết, BV của ông “không sai” trong trường hợp này.

Theo ông Thắng, sau khi vào viện, bệnh nhân Dũng đã được siêu âm, truyền dịch và tiêm thuốc giảm đau nhưng chưa đủ điều kiện để chẩn đoán bệnh. Đến sáng hôm sau bệnh nhân cũng không có triệu chứng gì đặc biệt.

Người nhà bệnh nhân vì không có chuyên môn nên không đánh giá được những gì chúng tôi đã làm là đúng hay không đúng. Chỉ những người có chuyên môn mới hiểu được là cần phải làm gì. Với trường hợp này, theo báo cáo của BV thì quy trình xử lý bệnh của bác sỹ là đúng”, ông Thắng cho hay.

Bệnh viện Nam Thăng Long

Theo người nhà bệnh nhân, đến khoảng 10h trưa ngày 23/3, không những không đỡ đau bụng, anh Dũng bắt đầu có dấu hiệu da bụng có vết đỏ tím, mạch nhanh (150CK/phút), huyết áp 90/60mmHg.

Đến lúc này (10h trưa ngày hôm sau, tức gần 12 giờ đồng hồ kể từ khi vào viện – PV), gia đình được thông báo anh Dũng bị nghi tắc ruột do bã thức ăn”, chị Hằng – vợ anh Dũng nói.

Ông Vũ Đức Thắng cho biết, lúc này, BV Nam Thăng Long chuyển ngay anh Dũng xuống khoa Hồi sức cấp cứu. Đến 11h40 ngày 23/3, ca trực chuyển anh Dũng cho kíp trực trưa. Gia đình cũng được BV giải thích tình trạng nặng của bệnh nhân và tiếp tục theo dõi đến 14h30 thì chuyển bệnh nhân lên viện E.

Theo tôi được biết thì đến 2h sáng ngày hôm sau bệnh nhân mới được mổ. Như vậy không thể nói BV Nam Thăng Long chuyển viện muộn”, ông Thắng nói.

“Thấy khó thì phải chuyển sớm”

Trao đổi với VietNamNet về trường hợp trên, một bác sỹ khoa Cấp cứu của BV Việt Đức cho biết, đau bụng ngoại khoa (như trường hợp của anh Dũng) là rất khó chẩn đoán, BV tuyến trên còn thấy khó khăn chứ đừng nói đến tuyến dưới.

Tuy nhiên, qua những thông tin về bệnh nhân Dũng, vị bác sỹ này cho rằng, BV Nam Thăng Long cần có vài điểm cần xem lại trong quy trình xử lý chuyên môn.

Thứ nhất: Bệnh nhân đau bụng có thể bị tắc ruột, viêm tụy cấm,... Tất cả các bệnh này đều có triệu chứng giống nhau, vì thế ngoài khám lâm sàng thì cần dựa vào xét nghiệm, chụp chiếu. BV Nam Thăng Long đã siêu âm cho bệnh nhân ngay trong đêm nhưng chỉ làm vậy thì không đủ.

Cần phải chụp X-quang theo chiều thẳng đứng và xét nghiệm ngay đối với những trường hợp như thế này”, vị bác sỹ khẳng định.

Chị Nguyễn Thị Hằng, vợ bệnh nhân Nguyễn Mạnh Dũng, đau xót kể lại cái chết của chồng

Thứ hai: Bệnh nhân bị đau nhiều nhưng theo nguyên tắc thì không được dùng thuốc giảm đau bởi làm vậy sẽ làm mất các triệu chứng của bệnh, gây ảnh hưởng đến kết quả chẩn đoán.

Thứ ba: Bệnh nhân có nhịp tim nhanh (người nhà khẳng định anh Dũng không bị bệnh tim) rất có thể đã bị nhồi máu mạch treo – một mạch dẫn máu nuôi ruột.

Nếu bị nhồi máu mạch treo thì bệnh nhân không những bị tắc ruột mà đã bị hoại tử ruột do mạch máu này không hoạt động. Có thể bệnh nhân bị sốc nhiễm độc do hoại tử ruột).

Bệnh nhân nhập viện từ 11h đêm hôm trước, đến 9-10h sáng hôm sau vẫn chưa chẩn đoán được bệnh, trong khi tình trạng bệnh ngày một nặng, bệnh nhân bị tím tái nhiều thì cần phải chuyển ngay lên tuyến trên nếu cảm thấy không đủ sức. Giữ bệnh nhân lại đến tận hơn 2h chiều e là hơi chậm trễ”, vị bác sỹ nói.

Về thông tin bệnh viện E giữ bệnh nhân đến 2h sáng mới mổ (12h sau chuyển viện), theo thông tin VietNamNet tìm hiểu thì không phải do tình trạng bệnh nhân không nguy kịch mà vì huyết áp tụt quá thấp, phải chờ huyết áp tăng trở lại thì mới tiến hành phẫu thuật!

Mong làm sáng tỏ sự việc để tránh những trường hợp đáng tiếc về sau

Ông Nguyễn Văn Hiền, anh trai bệnh nhân xấu số Nguyễn Mạnh Dũng cho biết gia đình vô cùng đau xót trước sự ra đi đường đột của anh Dũng.

Người chết thì đã chết rồi nhưng chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng làm sáng tỏ sự việc để bệnh viện rút kinh nghiệm, tránh những trường hợp đáng tiếc về sau”, ông Hiền nói.

Cẩm Quyên