- Theo Cục trưởng Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) thì việc cá nhiễm chất cấm bị phát hiện ở TP HCM là không đáng lo ngại lắm bởi đây chỉ là trường hợp “cá biệt, đơn lẻ”.

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết như trên khi trao đổi với VietNamNet.

Ông Tiệp cho hay: Việc phát hiện cá nhiễm chất cấm diễn ra từ đợt Tết Nguyên đán 2012.

Đây là hoạt động nằm trong đợt tăng cường kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm nông lâm thủy sản theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN& PTNT và hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia vì Chất lượng - An toàn vệ sinh thực phẩm.

Sau thịt lợn nhiễm chất tạo nạc bị cấm thì đến các loại thủy hải sản cũng bị nhiễm chất cấm khiến người tiêu dùng hoang mang (Ảnh minh họa: VietNamNet)

Trong đợt kiểm tra đó, Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản TPHCM đã lấy 172 mẫu thủy sản các loại và gửi kiểm nghiệm các chỉ tiêu như: các kháng sinh hạn chế sử dụng, các kháng sinh cấm sử dụng (bao gồm 5 loại, trong đó có Trifluralin); dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng, hàn the, u-rê, vi sinh vật gây bệnh, ...

Kết quả cho thấy có 4 mẫu cá trong tổng số 172 mẫu đã lấy (chiếm khoảng hơn 2%) đã bị nhiễm chất Trifluralin bao gồm 2 mẫu cá diêu hồng, 1 mẫu cá tra, 1 mẫu cá basa.

Theo ông Tiệp, tỷ lệ hơn 2% này không nói lên được điều gì (so với chương trình giám sát của Cục).

Ông Tiệp ví kết quả này giống như trong một lớp học thì luôn có học sinh cá biệt và đây chỉ là những trường hợp đơn lẻ.

Vì thế thực trạng là không đáng lo ngại, người tiêu dùng có thể yên tâm

Ngoài ra, theo ông Tiệp, nếu những sự việc có nguy cơ rủi ro cao thì cần những biện pháp can thiệp mạnh, còn nếu rủi ro thấp thì có thể chấp nhận sống chung được vì hệ thống kiểm soát không thể lúc nào cũng đảm bảo là không có trường hợp nào bị lọt lưới.

Ông Tiệp cũng cho biết tỷ lệ mẫu thủy hải sản nhiễm chất cấm Trifluralin (một loại kháng sinh bị cấm dùng cho thủy hải sản) đang giảm nhanh.

Năm 2010, năm trifuralin bị cấm, tỉ lệ phát hiện là 9,9% thì  năm 2011, tỉ lệ này còn 2% và trong 3 tháng đầu năm 2012, tỉ lệ này nhỏ hơn 1%.

Cho dù Cục trưởng Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) khẳng định “không đáng ngại” nhưng thực tế có tâm lý người tiêu dùng vẫn lo ngại bởi không phải loại thủy hải sản nào bán trên thị trường cũng được kiểm soát chặt chẽ.

Về lo ngại này, ông Nguyễn Như Tiệp thừa nhận rất khó để giám sát 100% các cơ sở nuôi trồng thủy sản bởi tính chất nhỏ lẻ, manh mún của các hộ dân. Vì vậy, cách tốt nhất để bảo vệ mình khỏi các loại thủy sản độc hại là mua các loại thủy sản có nguồn gốc rõ ràng và thường xuyên theo dõi hệ thống kiểm soát các chất dư lượng độc hại đăng tải trên website của Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản.

N.Anh