- Sau khi VietNamNet đăng tải thông tin liên quan đến đề xuất cấm ô tô vào nội đô giờ cao điểm của ông Mai Trọng Tuấn, đã có rất nhiều ý kiến phản hồi của độc giả gửi về. Đồng tình có, phản đối có. Tuy nhiên, các ý kiến đều phân tích rõ ràng 'lợi' và 'hại' của đề xuất này. VietNamNet xin trân trọng giới thiệu.

Cấm ôtô 5 ngày trong tuần, nên hay không?
Đề xuất cấm ô tô 5 ngày trong tuần của cựu phi công Mai Trong Tuấn ngay lập tức đã nhận được nhiều phản hồi từ các chuyên gia trong lĩnh vực vận tải.
 
Cấm ô tô 5 ngày trong tuần đường có đỡ tắc?
Ngày 11/4, Văn phòng Chính phủ đã có phiếu chuyển thư đề ngày 13/3/2012 của ông Mai Trọng Tuấn về việc chống ùn tắc giao thông tại 2 thành phố Hà Nội và TP HCM.


Một số ô tô ra đường để giải quyết khâu oai!

Độc giả có địa chỉ email binhhoang...68@gmail.com viết: Tôi thấy trong thời điểm hiện nay, đề xuất của ông Mai Trọng Tuấn rất hợp lý, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh chung của Thủ đô và đất nước ta.

Thứ nhất: Đây không phải biện pháp cấm hoàn toàn sử dụng ô tô mà chỉ cấm tại những thời điểm nhất định có nguy cơ gây ùn tắc giao thông, do vậy những người có nhu cầu phải bố trí thời gian hợp lý.

Thử hỏi vào giờ đó bạn đi ô tô nhưng tắc đường hàng tiếng đồng hồ thì có giải quyết được vấn đề gì không?

Thứ hai: Đất nước ta còn nghèo, thu nhập của đại bộ phận người dân còn thấp, cơ sở hạ tầng cơ bản chưa đáp ứng được, đường xá trật hẹp, trong khi đó trên đường hầu như trên xe ô tô con chỉ có 1 người vậy sẽ chiếm nhiều diện tích đường và gây lãng phí. Hơn nữa theo tôi biết một số người đi xe chủ yếu để giải quyết "khâu oai", đánh bóng mình một cách phù phiếm, không ít trong số đố đi vay lãi để mua, hoặc vẫn còn phải thuê nhà.

'Đây không phải biện pháp cấm hoàn toàn sử dụng ô tô mà chỉ cấm tại những thời điểm nhất định có nguy cơ gây ùn tắc giao thông, do vậy những người có nhu cầu phải bố trí thời gian hợp"

Thứ ba: Có ý kiến cho rằng trên thế giới không có nước nào cấm như vậy! Chúng ta không so sánh vì "mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh". Đây là biện pháp tạm thời để có thời gian nâng cấp cơ sở hạ tầng, và tạo thói quen cho người dân, sau đó lại tính tiếp.

 "Trước đây và hiện nay Hà Nội cũng vẫn đang cấm xe tải hoạt động giờ cao điiểm thì phương án 5x5 bây giờ có thể nói rất phù hợp trong giai đoạn hiện tại. Chắc chắn hiệu quả tức thì, không còn cảnh tắc nghẽn giờ cao điểm, sau này khi hạ tầng theo kịp thì điều chỉnh lại. Đây là phương án hay, nên thực hiện sớm..." - độc giả có địa chỉ email oknguyenvan...@yahoo.com.vn viết.

Ô tô chở ai?

Trong khi đó, độc giả có địa chỉ emai nphung27c4b...@gmail.com đã phân tích rõ ràng về đề xuất này.

Theo độc giả này, cấm ôtô hoặc giảm trong giờ cao điểm (phương án 5x5 của ông Mai Trọng Tuấn), chắc chắn sẽ giảm ùn tắc giao thông, đặc biệt có hiệu quả đối với các tuyến đường, ngõ hẹp, các giao lộ (ở nơi hay ùn tắc).

Tuy nhiên, sẽ có những ảnh hưởng như sau:

1- Ôtô là phương tiện giao thông hiện đại, ưu việt tốt hơn xe máy. Cấm ôtô chuyển sang xe máy tức là chấp nhận đi ngược sự phát triển.

"Cấm ôtô chuyển sang xe máy tức là chấp nhận đi ngược sự phát triển!'.

2- Ô tô chở ai? Chủ yếu là chở các giám đốc, cán bộ lãnh đạo, các chủ doanh nghiệp, các khách, đối tác ngoại giao, người nước ngoài v.v.và hàng ngàn taxi. Những đối tượng này, nếu bị cấm ôtô sẽ thực sự là khó khăn với họ.

Những người có nhu cầu đi ôtô vào giờ cao điểm phần lớn có ảnh hưởng nhiều đến các sản phẩm của xã hội, gần như tất cả là họ đang đi công việc. Những người đi chơi, thăm bạn bè, giao lưu giải trí trong giờ cao điểm thì coi như không đáng kể.

3- Giải pháp nào để giải quyết nơi đỗ xe ngoài TP và trong TP và cho các xe đang di chuyển trong phạm vi thời điểm bị cấm sẽ phải dừng lại? Xe ưu tiên, xe taxi, xe cán bộ cao cấp, xe chở người bệnh, xe tang lễ v.v thì xử lý ra sao?

'Bộ trưởng GTVT rất tâm huyết nhưng quả thật quá là khó khăn khi chỉ sử dụng các giải pháp tình thế' - độc giả này đưa ra nhận định.

'Tôi phản đối, vì..."

Ngoài các ý kiến đồng ý với giải pháp của ông Tuấn, cũng có nhiều quan điểm phản đối. Độc giả có địa chỉ email minhhuong9920...@yahoo.com viết:

Tôi hoàn toàn phản đối, vì nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất: việc nghĩ ô tô cá nhân là phương tiện gây ách tắc là hoàn toàn phi lý và chưa có một nghiên cứu xã hội học nào kết luận như vậy.

Thứ hai: làm một phép tính tại Hà Nội, với lượng ô tô chỉ hơn 300.000 xe lưu thông hàng ngày, trong khi xe máy hơn 4.000.000 chiếc, mà khi tham gia giao thông cứ 4 xe máy chiếm một diện tích đường đi bằng một xe con, như vậy tương đương 1.000.000 xe ô tô con nữa, vậy loại hình phương tiện nào gây ách tắc? Tại Thành phố Hồ Chí Minh con số này còn lớn hơn nhiều.

"Việc nghĩ ô tô cá nhân là phương tiện gây ách tắc là hoàn toàn phi lý và chưa có một nghiên cứu xã hội học nào kết luận như vậy".

Thứ ba: tai nạn giao thông ở Việt Nam là một "vấn nạn" của xã hội, mà tai nạn chết người chủ yếu là người điều khiển xe máy, những vụ người ngồi trên xe ô tô, tàu hoả chỉ là số ít, như vậy nếu cấm ô tô để chuyển sang xe máy (nhu cầu đi lại của người dân không thể không có) thì liệu "vấn nạn" này có trầm trọng hơn không?

Thứ tư: xã hội văn minh, đất nước đang phấn đấu công nghiệp hoá, hiện đại hoá, mà coi ô tô như một "kẻ thù", thì ai chấp nhận được? Các nước văn minh họ đã sử dụng ô tô từ đầu thế kỷ 20 của thế kỷ trước, có ai như Việt Nam hay một số ít nước ở Đông Nam Á lại phát triển và sử dụng xe máy một cách hỗn độn.

Khách quốc tế khi đến Việt Nam điều đầu tiên đập vào mắt họ là kiểu lộn xộn giao thông của xe máy, rồi buôn bán, bày bán hàng hoá ngay trên các phương tiện xe máy, xe đạp, xe thồ...và để ngay dưới lòng đường.

Không lẽ cấm ô tô để chuyển sang xe máy là một giải pháp?

Thứ năm: môi trường ô nhiễm do khí thải gây ra, do Việt Nam chưa chú trọng vấn đề này nên chưa có một ai lên tiếng phân tích. Ngày nay xe ô tô xuất hiện nhiều, phần lớn là những loại xe mới, lượng khí thải khi xuất xưởng đều được kiểm tra theo tiêu chuẩn quốc tế (tuy vẫn tồn tại không ít xe cũ sản xuất trước năm 2000), còn xe máy đủ các chủng loại, khí thải không được kiểm tra, khống chế và các hãng chỉ đua nhau về lợi nhuận tung ra vô vàn loại xe, ai khẳng định được đạt hay không đạt tiêu chuẩn khí thải?

"Vì mục đích phát triển của xã hội văn minh và hiện đại, tôi hoàn toàn không đồng tình với những ý kiến chỉ trích xe ô tô. Xe ô tô con không chỉ là phương tiện cá nhân mà nó là phương tiện của cả gia đình, của tập thể. Tại sao không nghĩ tới phương án loại bỏ dần xe máy?" - độc giả này thẳng thắn.

Tương tự, độc giả có địa chỉ email dantien...@gmail.com cho hay, đề xuất của ông Mai Trọng Tuấn không hợp lý chút nào, bởi vì đã đưa ra từ "cấm" đối với xe cá nhân đồng nghĩa với việc làm mất đi "quyền bình đẳng" của người dân.
 
 "Tại sao cấm họ? Họ mua xe để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt cũng như nhu cầu kiếm sống. 1 tuần cấm 5 ngày, 1 ngày cấm 5 giờ? Vậy mua xe để ngắm và dùng để đi chơi thôi sao? Không lẽ cho người ta mua, thu đủ loại phí rồi lại cấm đi như vậy, khác gì lừa dân.
 
 Trong khi, cứ nói xe công thì không phải thu phí, không phải cấm...., nhưng thực chất nhiều xe công sử dụng rất lãng phí, thậm chí không mang lại hiệu quả cho việc sử dụng. Còn xe cá nhân, ngày ngày phải ra đường đi làm ăn, công tác phần nhiều sẽ đóng góp một khoản lớn cho ngân sách Nhà nước".

 
 Để hạn chế việc ùn, tắc tại các nội đô, theo độc giả này, cần:
 
 Thứ nhất: Hạn chế xây dựng các khu đô thị lớn, các trung tâm thương mại, các trường học trong trung tâm thành phố;
 
 Thứ hai: Hạn chế nhập cư vào thành phố.
 
 Thứ ba: Triệt để dùng phương tiện xe máy chở hàng cồng kềnh.
 
 Thứ tư: Cán bộ ngành giao thông và công an phải nghiêm khắc khi làm nhiệm vụ (Nhiều trường hợp chỉ bắt lỗi dân lành, còn các đối tượng "đầu cua" thì ngoảnh mặt "làm ngơ", hoặc xuê xoa mãi lộ cho qua).
 
 Sa Hằng
(tổng hợp)