- Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc đặt vấn đề: Tại sao không tìm kiếm nguyên nhân nứt chảy nước đập Sông Tranh 2 trước khi khắc phục sự cố?

>> 'Tối hậu thư' cho thủy điện Sông Tranh 2
 >> Thông tin trái ngược từ Sông Tranh 2
 >> Trở lại Sông Tranh 2, nỗi lo 'bom nước'
 >> Chưa có đánh giá độ an toàn thủy điện Sông Tranh 2

“Bí mật” xử lý đập thủy điện Sông Tranh 2?

Khi đề cập đến sự cố đập Thủy điện Sông Tranh 2 tại Hội thảo khoa học “Phát triển thủy điện bền vững” tại TP. Tam Kỳ, Quảng Nam sáng hôm nay (7-5), Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý Thành phố Hồ Chí Minh HASCON, đã đặt ra vấn đề tại sao không tìm kiếm nguyên nhân nứt chảy nước đập trước khi khắc phục sự cố?...

Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc đặt vấn đề: Tại sao không tìm kiếm nguyên nhân nứt chảy nước đập Sông Tranh 2 trước khi khắc phục sự cố?

Ông Phúc nói rằng ngay sau khi sự cố Sông Tranh 2, ông đã đặt vấn đề với Thủ tướng là ra lệnh xả cạn nước để tìm kiếm nguyên nhân và khắc phục sự cố nhằm đảm bảo an toàn cho hàng vạn người dân ở hạ lưu.

Đầu tháng 4/2012, Chính phủ đã chỉ đạo EVN xả nước Đập Sông Tranh 2 đến mức nước chết.

Đáng quan tâm là đập thủy điện Sông Tranh 2 không có cửa xả đáy nên chỉ có thể xả tối đa đến mức nước chết.

Với cách xả này, nguy cơ đe dọa vỡ đập đã giảm đi nhiều, nhưng chưa thể gọi là an toàn. Tuy nhiên, đó là điều bất khả kháng, tạm phải chấp nhận trong thời gian tìm kiếm nguyên nhân và khắc phục sự cố.

Ông Phúc bảo rằng chính bản thân ông rất ngỡ ngàng khi nghe thông tin EVN họp với các chuyên gia của Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam bàn định phương pháp sửa chữa, nhưng lại họp kín.

Đập thủy điện Sông Tranh 2 không an toàn!

Khi EVN công bố phương pháp sửa chữa đập Sông Tranh 2, trong đó không hề nói đến việc tìm nguyên nhân, mà vẫn lặp lại bài cũ: “an toàn”, “chỉ có nước thấm qua khe nhiệt”.

"Nếu thân đập của một block bị nứt, thì block đó không còn là một cục nữa, dù trọng lượng vẫn đủ theo thiết kế. Vết nứt có thể khiến một cục trở thành hai cục nhỏ, ba cục nhỏ, và khi đó khả năng tự chống lật và tự chống trượt không còn nữa"

Nói về sự cố đập Sông Tranh 2, ông Phúc khẳng định: Hiện nay chưa có cơ sở để kết luận “đập Sông Tranh 2 vẫn an toàn!”.

Lý lẽ duy nhất mà một số chuyên gia về đập đưa ra là: Đập Sông Tranh 2  là loại đập trọng lực. Theo lý thuyết cơ bản, khi đã là đập trọng lực thì tự bản thân đập mặc nhiên có khả năng tự ổn định.

"Điều này hoàn toàn chính xác chỉ khi đập Sông Tranh 2 thực sự là đập trọng lực" - ông Phúc khẳng định.

Nhưng theo thiết kế, đập Sông Tranh 2 gồm 30 block xếp kề nhau một hàng ngang thành con đập, mỗi block là một cục tự ổn định theo thiết kế.

"Nếu thân đập của một block bị nứt, thì block đó không còn là một cục nữa, dù trọng lượng vẫn đủ theo thiết kế. Vết nứt có thể khiến một cục trở thành hai cục nhỏ, ba cục nhỏ, và khi đó khả năng tự chống lật và tự chống trượt không còn nữa" - ông Phúc lý giải.

Ông Phúc khẳng định rằng: Đập Sông Tranh 2 đang phun nước nghiêm trọng ở mặt hạ lưu, EVN vẫn khẳng định chỉ là thấm nước qua khe nhiệt (khe hở theo thiết kế giữa hai block kề nhau, rộng khoảng 1 đến 2 cm), nhưng EVN không chứng minh được điều này.

Nghiêm trọng hơn cả, là EVN luôn khẳng định rằng trong thân đập không có vết nứt, mà cũng không hề chứng minh. Lẽ ra EVN phải xác định chính xác trong thân đập có hay không có vết nứt, những vết nứt đó to nhỏ dài ngắn bao nhiêu, để từ đó có thể tính toán và kết luận rằng mỗi block có còn là một cục hay không?

Điều kiện thứ hai, mỗi block phải đủ trọng lượng (đủ nặng) theo thiết kế. Khi đã thấy dòng nước ào ạt phun ra từ mặt đập phía hạ lưu buộc người ta phải đặt câu hỏi rằng trong thân con đập sự cố này, ngoài việc có tồn tại những khe nứt hay không, còn phải xét đến việc có tồn tại những khoảng trống hay không?

Ông Phúc: "Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ dự kiến của Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam sẽ đưa câu chyện Đập Sông Tranh 2 ra Quốc hội"

"Nếu thi công đúng theo thiết kế và giám định chính xác, thì đương nhiên trong thân đập sẽ không có khoảng trống. EVN chưa kiểm chứng rằng có hay không khoảng trống, từ đó chưa kiểm chứng được trọng lượng thật của đập, thì không thể yên tâm gọi nó là đập trọng lực và cũng không thể nói tự ổn định, không thể yên tâm tin nó là an toàn" - ông Phúc khẳng định.

Trong khi đó, nền đập Sông Tranh 2 sau hàng loạt các trận động đất kích thích vừa qua, liệu có còn được ổn định như thiết kế ban đầu hay không? Hoặc có thể giữ được ổn định nếu còn tiếp tục động đất xảy ra sau này?

Điều này EVN không chứng minh, nhưng EVN vẫn đưa ra kết luận là đập an toàn!

'Đây là câu hỏi cần phải có lời giải trước khi khắc phục sự cố nứt chảy nước tại đập này!' - ông Phúc đặt vấn đề cần giải quyết triệt để.

"Từ đầu tháng 3 năm 2012 khi nước phun ra như suối trên mặt hạ lưu đập, EVN ra sức trám bịt các miệng phun này. Hành động này không phải là sửa chữa đập mà là phá hoại đập. Bởi khi ra sức bịt miệng phun, có nghĩa là cố tình giữ nước lại trong thân đập. Nước đó sẽ làm hỏng bê tông thân đập!

EVN khẳng định nước thấm qua khe nhiệt. Nghĩa là các tấm đồng dạng Ô-mê-ga, bịt khe nhiệt, được lắp đặt từ đỉnh đập đến đáy đập phía thượng lưu đã bị hỏng. Như vậy, mỗi tấm đồng bị hỏng (thủng, rách) dù chỉ 1 cm vuông thôi, thì hiện nay toàn bộ khe nhiệt đã chứa đầy nước rất nguy hiểm.

Sau khi Chính phủ chỉ đạo xả nước, EVN đang tiến hành bịt các vết nứt trên mặt thượng lưu của đập. Việc này là hoàn toàn cần thiết, nhưng chưa đủ.

Điều đáng lo lắng hơn nhiều là EVN không nói đến việc tìm kiếm khe nứt, tìm kiếm khoảng trống trong thân đập, xử lý khe nứt khoảng trống, xử lý lượng nước nằm trong đó, kể cả xử lý lượng nước nằm trong khe nhiệt, cũng không thấy nói đến việc kiểm tra và xử lý nền đập.

Cũng vì thế, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ dự kiến của Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam sẽ đưa câu chyện Đập Sông Tranh 2 ra Quốc hội" - trích ý kiến ông Nguyễn Bách Phúc.

Vũ Trung (ghi)