- Ông Nguyễn Duy Khê, Vụ trưởng Vụ Bảo vệ Sức khỏe bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế) cho biết, quan điểm của ngành Y tế, của Bộ trưởng Bộ Y tế là không bao che cho các cơ sở y tế để xảy tai biến sản khoa gây tử vong mẹ, tử vong trẻ sơ sinh.

>>Nhiều sản phụ chết, Bộ Y tế vẫn im lặng
>>Đã có 7 sản phụ chết: Không thể im lặng mãi

>>'Vin' tai biến hiếm gặp để rũ trách nhiệm?

>>Đào tạo lại bác sỹ, hạn chế tai biến sản khoa

>>Báo cáo Phó Thủ tướng các ca sản phụ tử vong

Sau khi có 9 ca tai biến xảy ra trong vòng gần 2 tháng khiến 6 sản phụ và 6 trẻ sơ sinh thiệt mạng, trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Duy Khê, Vụ trưởng Vụ Bảo vệ Sức khỏe bà mẹ trẻ em, Bộ Y tế - khẳng định, Bộ sẽ xử nghiêm theo quy định nếu phát hiện cơ sở hoặc cán bộ có sai phạm.

“Bộ không bao che cho bác sỹ, bệnh viện”


Thưa ông, vụ tai biến đầu tiên xảy ra từ ngày 18/4, đến nay đã có thêm 8 vụ nữa xảy ra nhưng vẫn chưa có kết luận cuối cùng về nguyên nhân các vụ việc. Liệu có sự chậm trễ của Bộ Y tế hoặc "bao che" cho cán bộ của ngành không?

Ông Nguyễn Duy Khê, Vụ trưởng Vụ Bảo vệ Sức khỏe bà mẹ trẻ em – Bộ Y tế

- Tôi khẳng định quan điểm của ngành, của Bộ trưởng Bộ Y tế là không bao che cho các cơ sở y tế để xảy ra tai biến sản khoa gây tử vong mẹ và trẻ sơ sinh.

Bất kỳ trường hợp tai biến nào xảy ra đều phải nghiêm túc xem xét các nguyên nhân từ tổ chức, bố trí nhân lực đến việc tuân thủ quy trình chuyên môn, chẩn đoán, tiên lượng,... cũng như các nguyên nhân có liên quan đến năng lực trình độ cán bộ, từ đó làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan.

Ngay sau khi các sự việc xảy ra, Bộ Y tế đã chỉ đạo các Sở Y tế địa phương cần nhanh chóng tổ chức hội đồng chuyên môn để điều tra rõ vụ việc.

Các bệnh viện cần căn cứ vào kết luận về nguyên nhân tử vong của giám định pháp y để nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm các bên liên quan.

Hiện nay, Bộ Y tế cũng đã cử 3 đoàn công tác tới Hưng Yên, Quảng Ngãi, Đồng Nai, là 3/6 địa phương xảy ra tai biến, để trực tiếp kiểm tra, đánh giá tình hình và rút kinh nghiệm.

Thời gian tới các đoàn kiểm tra sẽ tiếp tục tới các địa phương kể cả các địa phương chưa xảy ra tai biến sản khoa.

Theo thông tin ban đầu từ các bệnh viện nơi xảy ra sự cố thì có 4/9 ca tử vong có nguyên nhân bất khả kháng như thuyên tắc ối, thuyên tắc phổi - những tai biến rất hiếm gặp trong sản khoa. Điều này có bất bình thường không, thưa ông?

- Bộ trưởng Bộ Y tế đã chỉ đạo các hoạt động kiểm tra phải nghiêm túc xem xét toàn diện các nguyên nhân khiến xảy ra sự cố.

Theo đó, ngoài các yếu tố bất khả kháng thì cần xem xét xem còn có những nguyên nhân nào khác như: do thiếu cán bộ, do bố trí nhân lực chưa hợp lý hoặc năng lực, trình độ cán bộ còn yếu hay không?

Mục đích là ngoài việc xem xét trách nhiệm của những người có liên quan còn để đưa ra các giải pháp can thiệp một cách toàn diện, hạn chế thấp nhất các tai biến tương tự có thể xảy ra.

Đang chờ kết quả báo cáo

Điểm chung của nhiều vụ tai biến trong thời gian qua là thường diễn ra vào ban đêm - thời điểm mà nhân lực trực có phần hạn chế về số lượng (và cả trình độ). Nhiều ý kiến cho rằng đây là nguyên nhân dẫn đến việc xử lý chuyên môn chậm trễ hoặc chưa chính xác. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

- Theo thông tin phản ánh ban đầu (từ đoàn kiểm tra của Bệnh viện Phụ sản TW, BV Từ Dũ) cho thấy, sự thiếu hụt nguồn nhân lực tại một vài cơ sở y tế xảy ra tai biến cũng có ảnh hưởng đến công tác triển khai chăm sóc sản phụ. Nhiều khi do phải trực dày, sản phụ lại đông nên ảnh hưởng đến chất lượng theo dõi chăm sóc người bệnh.

Tuy nhiên, chúng tôi đang chờ kết quả báo cáo chính thức của các đoàn kiểm tra gửi về. Dẫu vậy thì việc xác định nguyên nhân cuối cùng của các vụ tai biến sản khoa vẫn cần chờ kết luận từ giám định pháp y.

Các sản phụ tử vong liên tiếp khiến nhiều người lo lắng, hoang mang

Ngành y tế sẽ triển khai các biện pháp cụ thể nào để hạn chế các tai biến sản khoa trong thời gian tới, thưa ông?

- Ngành y tế đã và đang chỉ đạo triển khai tất cả biện pháp quyết liệt có thể để giảm thấp nhất các tai biến đáng tiếc có thể xảy ra đối với các thai phụ và trẻ sơ sinh.

Lãnh đạo Bộ y tế đã ký liên tiếp 2 công văn đề nghị Sở Y tế các tỉnh triển khai ngay một số hoạt động nhằm hạn chế tai biến sản khoa, trong đó có việc yêu cầu rà soát tổ chức nhân sự và trang thiết bị.

Những cơ sở y tế không đáp ứng đủ các điều kiện cần thiết theo quy định cần được củng cố kịp thời hoặc tạm thời không triển khai công tác đỡ đẻ nếu thấy không đủ điều kiện đặc biệt là điều kiện về nhân lực.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo các bệnh viện đầu ngành về Sản phụ khoa, Nhi khoa đẩy mạnh công tác chỉ đạo tuyến, đồng thời tổ chức ngay các lớp tập huấn đào tạo lại cho cán bộ tuyến dưới.

Theo ông, vai trò của các sản phụ, gia đình và cá nhân các bác sỹ trong việc hạn chế các tai biến được thể hiện như thế nào?

- Để hạn chế các tai biến sản khoa, theo tôi ngoài sự nỗ lực của ngành y tế thì các sản phụ cũng cần nâng cao ý thức, nghiêm túc thực hiện đầy đủ các lần khám thai định kỳ theo khuyến cáo của bác sỹ.

Ngoài ra, các sản phụ cần hiểu được các dấu hiệu nguy hiểm khi mang thai để có thể phát hiện biểu hiện bất thường, tới cơ sở y tế kịp thời.

Tai biến sản khoa xảy ra rất nhanh, diễn biến phức tạp, khó lường nên đối với bác sỹ sản khoa không nên chủ quan mà phải theo dõi sát và tuân thủ nghiêm các quy định, quy trình chuyên môn kỹ thuật mà Bộ Y tế đã ban hành.

Xin cảm ơn ông!

Sau khi đăng tải bài viết “Đã có 7 sản phụ chết: Không thể im lặng mãi” vào ngày 26/5, ngày 29/5, báo VietNamNet đã nhận được công văn phản hồi của lãnh đạo Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế).

Ngoài những nội dung như đã nêu trong bài phỏng vấn trên, trong công văn phản hồi này, ông Nguyễn Duy Khê, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em khẳng định: “Để xảy ra tai biến, trong đó có tai biến sản khoa là điều không thầy thuốc nào mong muốn.

Tuy nhiên, mặc dù trong những năm gần đây, y học đã có nhiều tiến bộ và ngành y tế đã có nhiều cố gắng nhưng trong lĩnh vực sản phụ khoa, tai biến sản khoa vẫn là một thách thức lớn đối với các thầy thuốc, kể cả với các cơ sở y tế tuyến trên do những diễn biến bất thường và khó dự đoán”.

Ông Khê cho biết thêm: Tử vong mẹ ở Việt Nam hiện nay (69/100.000 trẻ đẻ sống).

Cẩm Quyên (Thực hiện)