– Trước tình trạng khan hiếm nhân lực đang diễn ra phổ biến trong ngành y tế, có một thực tế là nhiều nơi không dám kỷ luật bác sỹ vì nếu kỷ luật bác sỹ, cả khoa đó sẽ phải đóng cửa!

>> Vụ sản phụ tử vong, 'treo dao' nếu sai sót
>> Vụ sản phụ chết: 2 nữ hộ sinh bị tạm đình chỉ
>> Thêm sản phụ chết vì bác sĩ tắc trách?
>> Sản phụ chết nhiều: Không thể bưng bít mãi
>> Lý do sản phụ tử vong không có gì huyền bí
>> Sản phụ chết, bác sỹ 'sai sót' chỉ bị phê bình

Một bác sỹ bị kỷ luật, cả khoa phải đóng cửa!


Đây là thực tế đáng báo động về tình trạng khan hiếm nhân lực y tế ở các bệnh viện tuyến dưới tại Việt Nam. Việc không dám kỷ luật bác sỹ được đánh giá là tiền đề cho những sai sót về sau có cơ hội bị tái phạm.

Nhiều cơ sở y tế tuyến dưới không dám kỷ luật bác sỹ vì sợ không có người làm (Ảnh minh họa: VietNamNet)

Ông Lý Ngọc Kính, nguyên Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết ngành y tế hiện nay từ trang thiết bị đến con người đều thiếu, có nơi thiếu trầm trọng.

“Có huyện chỉ có hơn chục bác sĩ nhưng có đến 3 trung tâm nên họ phải chia nhau về phụ trách, quản lý. Do có ít người nên thành ra họ đều là lãnh đạo, không còn ai làm chuyên môn”, ông Kính cho hay.

Rồi ông lấy ví dụ ở tỉnh Cà Mau vừa qua, có một bác sĩ bị kỷ luật vì để xảy ra sai sót trong chuyên môn.

Sau khi bác sỹ này bị kỷ luật, lập tức khoa này công tác phải đóng cửa vì đây là bác sỹ duy nhất của khoa!

Trong khi đó, theo ông Kính, khó khăn như nhân đôi vì các bệnh viện tuyến huyện không dễ dàng tuyển được bác sỹ khá, giỏi.

Các bác sỹ ở tuyến này luôn có xu hướng lên tuyến cao hơn, do đó, hàng năm các sở đều báo cáo có một số lượng lớn các bác sỹ xin nghỉ việc để tìm đến những nơi có thu nhập cao hơn. Do đó, đang có một thực tế là có những nơi không dám kỷ luật bác sỹ vì sợ không có người làm!

Bác sỹ nội làm … trưởng khoa sản!

Trang thiết bị và nhân lực y tế đảm bảo chất lượng đang là một nút thắt lớn của hệ thống y tế nước ta, đặc biệt tại tuyến huyện.

Theo đánh giá của Bộ Y tế, có những nơi rất ngần ngại cử cán bộ đi học nâng cao hoặc đào tạo kỹ thuật chuyên sâu bởi sau mỗi lần đi học về là bác sỹ luôn có xu hướng muốn lên tuyến trên làm việc (vì cơ hội nâng cao chuyên môn và thu nhập khá hơn hẳn).

 
Không có người nên bác sỹ nội phải kiêm cả trưởng khoa sản! (Ảnh minh họa: VietNamNet)

Điểm khó khăn này càng làm cho chất lượng bác sỹ tuyến dưới bị hạn chế. Tại TP.HCM, có những bệnh viện quận (như bệnh viện quận Gò Vấp) mà bác sỹ chuyên khoa nội phải về làm trưởng khoa sản vì không có người đảm đương công việc!

Trước tình trạng khó khăn này, trong hội nghị “Tăng cường thực hiện đề án vệ tinh, đề án 1816” vừa được tổ chức vào cuối tháng 5 vừa qua tại Hà Nội, Bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã nhấn mạnh cần phải tập trung xây dựng bệnh viện vệ tinh đối với những chuyên khoa quá tải, trong đó có khoa sản tại Hà Nội và TP.HCM để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho toàn hệ thống.

Tuy nhiên, giải pháp này có mang lại hiệu quả như mong muốn hay không thì chưa ai dám chắc, bởi nếu thực hiện ráo riết các đề án trên nhưng không có nhân lực tiếp nhận thì cũng không thể cải thiện được tình hình.

Bệnh nhân sản, nhi thi nhau vượt tuyến

Theo nghiên cứu của Viện chiến lược và chính sách y tế, khoảng 60% bệnh nhân nhập viện Bạch Mai và Chợ Rẫy không có giấy giới thiệu của tuyến dưới; Tại bệnh viện Phụ sản TW và bệnh viện Nhi TW tỷ lệ này lên tới 90-95%.

Tại bệnh viện Phụ sản TW, tỷ lệ bệnh nhân đẻ thường và mổ đẻ chiếm tới 56%, trong đó riêng đẻ thường chiếm 33%. Tại bệnh viện Từ Dũ, tỷ lệ đẻ thường lên đến 46; Hơn 1/2 bệnh nhân mắc các bệnh điều trị được tại tuyến huyện và hơn 1/3 bệnh nhân mắc bệnh tuyến tỉnh điều trị được đã lên khám chữa tại bệnh viện trung ương. Đặc biệt khoảng 94% bệnh nhân tại bệnh viện Nhi TW có thể được điều trị ngay tại tuyến dưới!

Người bệnh có xu hướng đến thẳng bệnh viện tuyến TW để điều trị, kể cả người có và không có điều kiện kinh tế: 73.7% bệnh nhân bệnh viện Bạch Mai đến thẳng bệnh viện mà chưa từng đi đâu để khám chữa bệnh. Tỷ lệ này ở bệnh viện Phụ sản TW và Từ Dũ thậm chí còn cao hơn, lên đến 89% và 97%. Lý do lựa chọn bệnh viện do tin tưởng chiếm khoảng 80% bệnh nhân (trình độ chuyên môn, trang thiết bị, cơ sở vật chất….).
N.Anh