- Từ bao đời nay, đối với người Khùa ở xã miền núi Dân Hoá huyện Minh Hoá (Quảng Bình), thanh kiếm có một ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống. Kiếm dùng để trừ “tà”, xem vận hạn và đặc biệt không thể thiếu trong sính lễ ngày cưới.

TIN BÀI KHÁC


Kiếm "mách" vận hạn


Ngược hơn 100km qua bao nhiêu đèo dốc tìm đến nhà già Hồ Poom (78 tuổi, dân tộc Khùa ở bản Hà Vi, xã Dân Hoá), người "thầy" sử dụng thanh kiếm để xem vận hạn, làm lễ trừ “tà” cho bà con người Khùa hàng chục năm nay, chúng tôi được nghe kể những điều thật thú vị.

Qua vài câu chuyện xã giao, biết khách lạ đến tìm hiểu về thanh kiếm và khả năng "thần chú" của mình, già Poom nhẹ nhàng vào buồng lấy "bảo bối" ra. Rồi già cho biết, thanh kiếm đó được tổ tiên ông truyền lại từ 3 đời nay, ông cũng không biết ai là người làm ra nó. Trong đời mình, già Poom đã dùng thanh kiếm đó làm hàng ngàn nghi lễ cho bà con người Khùa.

Theo già Poom, để làm một lễ xem vận hạn, cần phải có 5 thành phần gồm: thầy, chủ toạ (là người thay mặt cho chủ nhân cần xem vận hạn truyền đạt lại nội dung cần xem cho "thầy", người này phải nói được nhiều thứ tiếng: Lào, Khùa, Mày...), người thổi sáo, người rót rượu, trưởng tộc của người cần xem vận hạn. Thời gian làm lễ thường kéo dài 2 - 3 giờ đồng hồ.

Già Poom (cầm kiếm), người sở hữu cây kiếm với những câu thần chú bí ẩn để xem vận hạn, trừ tà ma cho người Khùa.

Lễ gồm 4 chum rượu cần, 1 đầu lợn, hoặc 1 con gà, 1 đồng tiền xu và 4 ngọn lá cây bất kì bỏ vào trong một bát gạo. Tất cả được đặt vào một cái mâm, rồi thắp nến lên.

Sau khi chuẩn bị đầy đủ lễ vật, đầy đủ thành phần, người chủ toạ đọc tên tuổi, ngày sinh, nội dung xem vận hạn bằng các thứ tiếng Lào, Khùa, Mày... lẫn lộn mà theo họ chỉ có con "ma" mới nghe được. Rồi người "thầy" lấy thanh kiếm ra rút khỏi vỏ, đọc lẩm nhẩm những câu thần chú, sau đó sẽ cắm thanh kiếm vào bát gạo.

Ông Hồ Thoong ở bản Hà Vi, đang kể lại lần được "thầy" Poom làm lễ buộc tay trừ tà.

Lẽ thường, sau khi thả tay thì kiếm sẽ đổ bởi mũi kiếm nhỏ cắm vào bát gạo quá cạn rất khó để tự đứng được. Tuy nhiên, theo lời kể của nhiều người dân tại bản Hà Vi thì đã có rất nhiều trường hợp sau khi thầy làm lễ, đọc thần chú xong, thanh kiếm được cắm vào bát gạo mà không đổ.

Giải thích điều này già Poom cũng chỉ lắc đầu: "Không biết mô, có lẽ tại con "ma" nhập vô để linh nghiệm nên mới như rứa đó. Chứ nếu bình thường không làm lễ thì ta có ngồi cắm cây kiếm cả ngày vô bát gạo thì nó cũng cứ đổ xuống thôi".

Sau khi làm lễ, nếu thanh kiếm cắm vào bát gạo không cần giữ tay mà không đổ thì "thầy" phán chuyện gia đình, tổ tiên của người cần xem đó tốt đẹp, không có gì sai sót.

Sính lễ ngày cưới

Khi chúng tôi ngỏ ý muốn được già Poom làm lễ để được tận mắt xem thực hư thì già Poom cười: "Không thử được mô. Phải có người cần làm thật sự thì “con ma” mới nhập vô được, không thì sẽ mất thiêng, còn phải chuẩn bị đầy đủ lễ vật nữa".

Không chỉ xem vận hạn, mà trong lễ cột tay trừ tà của người Khùa, thanh kiếm cũng được sử dụng với nghi lễ cắm vào bát gạo như thế.

Một góc bản Hà Vi, xã Dân Hoá, nơi thanh kiếm của già Poom được tôn sùng và không thể thiếu trong sính lễ ngày cưới.

Ông Hồ Thoong (60 tuổi, người Khùa ở bản Hà Vi) là Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Dân Hoá, người dẫn chúng tôi đến nhà già Hồ Poom cho biết, khi nhà trai mang theo sính lễ đến nhà gái buộc phải có một thanh kiếm mang theo.

Sau khi thưa chuyện giữa đại diện 2 bên, nhà trai sẽ đặt thanh kiếm hướng lưỡi ra ngoài cửa chính, mũi kiếm hướng vào góc cột nhà, thanh kiếm được xâu vào vỏ nửa vời. Khi nhà gái cầm thanh kiếm mà nhà trai đưa đến, đẩy cho lưỡi kiếm lút hết vào vỏ rồi đưa vào cất ở một nơi kín đáo nghĩa là họ đã đồng ý, chấp nhận gả con gái.

"Với người Khùa, trong sính lễ cưới, bắt buộc phải có thanh kiếm. Nếu nhà ai không có kiếm thì phải đi mượn. Nếu sau khi nhà gái đã đồng ý, nhận sính lễ, lấy luôn cả kiếm thì nhà trai muốn xin lại kiếm để trả cho chủ nhân thì phải để lại một ít tiền thay thế để lấy thanh kiếm về”, Hồ Thoong chia sẽ.

Thanh kiếm già Poom đã có mặt ở hầu hết các gia đình người Khùa khi họ nhờ làm lễ xem vận hạn, lễ cột tay trừ tà hay mượn để làm sính lễ trong đám cưới. Thậm chí có nhà đã nhờ đến nó hàng chục lần.

Trần Văn