- Ông Nông Văn Chí – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho hay, để việc gỗ nghiến ở Ba Bể bị đốn hạ và vận chuyển về xuôi, không thể loại trừ trường hợp một vài lực lượng kiểm lâm, tiếp tay cho lâm tặc. PV VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông Chí.
Chưa nắm được diện tích rừng nghiến bị phá
- Ông có thể cho biết về tình hình khai thác, vận chuyển gỗ nghiến trái phép xẩy ra trong thời gian gần đây? Diện tích, khối lượng gỗ nghiến bị triệt hạ là bao nhiêu?
- Nạn chặt phá gỗ nghiến ở VQG Ba Bể không phải mới diễn ra thời gian gần đây mà đã âm ỉ nhiều năm nay. Ngoài Ba Bể, lâm tặc còn chặt phá một số khu vực khác như ở Kim Hỷ, Nam Xuân Lạc… Vào các dịp giáp Tết, tình hình này lại diễn ra nóng hơn.
Về diện tích rừng gỗ nghiến, từ trước tới nay chưa có công trình khoa học, dự án nào đánh giá, xác định, phân loại chi tiết để tách diện tích từng loại cây một, trong đó có gỗ nghiến. Bởi cây gỗ nghiến thường mọc xen kẽ với các loài cây khác trong rừng.
Hiện, chưa có con số thống kê diện tích, khối lượng gỗ nghiến bị lâm tặc triệt hạ. |
Về phần rừng đặc dụng có ba khu gồm: Vườn Quốc gia Ba Bể, Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, Khu bảo tồn Loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc.
Do vậy, vẫn chưa có số liệu cụ thể về diện tích, trữ lượng gỗ nghiến của toàn tỉnh nói chung, VQG Ba Bể nói riêng.
- Về diện tích, khối lượng gỗ nghiến bị tàn phá, tỉnh có nắm được không?
Số lượng cây gỗ bị chặt phá có thể xác định được dựa vào gốc cây còn trơ lại. Còn khối lượng của cây chỉ xác định sơ bộ do sau khi đốn hạ, lâm tặc đã cưa thành các cục thớt để vận chuyển.
Hơn thế, gỗ bị lâm tặc chặt phá trong khu vực rừng đặc dụng nếu bị kiểm lâm phát hiện vẫn phải giữ nguyên hiện trường, không được vận chuyển về một địa điểm tập hợp nào đó. Do vậy, theo thời gian, lâm tặc vẫn có thể đột nhập vào để trộm gỗ.
Ông Nông Văn Chí – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho hay, để việc gỗ nghiến ở Ba Bể bị đốn hạ và vận chuyển về xuôi, không thể loại trừ trường hợp một vài lực lượng kiểm lâm, tiếp tay cho lâm tặc. |
Theo số liệu thống kê của Chi cục kiểm lâm tỉnh Bắc Kạn, trong nửa đầu năm 2012,
có tổng cộng 86 cây gỗ nghiến (khoảng 307,75m3 gỗ nghiến) bị đốn hạ tại ba khu
rừng đặc dụng trên.
Trong đó, riêng VQG Ba Bể có 48 cây nghiến (khoảng 160,29m3) bị đốn hạ. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ cố gắng thống kê số liệu về diện tích rừng nghiến bị chặt phá.
- Thưa ông, hiện tại, lâm tặc vẫn ngày đêm triệt hạ gỗ nghiến trong Vườn quốc gia Ba Bể và vận chuyển về xuôi. Liệu, các lực lượng được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng đã làm tròn trách nhiệm của mình chưa?
Việc để gỗ nghiến bị chặt phá, trách nhiệm chính thuộc về lực lượng kiểm lâm. Tuy nhiên, nếu không có sự đồng lòng, phối hợp của chính quyền địa phương và người dân sở tại thì việc quản lý, bảo vệ gỗ nghiến vô cùng khó khăn.
Lực lượng kiểm lâm cho dù có dày đặc đi chăng nữa song họ không thể canh giữ rừng 24/24h. Do vậy, việc giao khoán, cùng chia sẻ trách nhiệm quản lý rừng cho chính quyền, người dân địa phương rất cần thiết.
Hiện, đời sống của người dân sở tại trong khu vực vùng lõi của VQG Ba Bể còn rất nhiều khó khăn. Nhiều hộ gia đình vẫn phải sống trong các ngôi nhà tạm bợ, tranh tre nứa lá.
Song hiện vẫn chưa có thông tư nào hướng dẫn chính thức về việc chia sẻ trách nhiệm, lợi ích cho người dân nếu giao cho họ cùng quản lý, bảo vệ rừng.
Do vậy, cần phải có những cơ chế, chính sách cụ thể hơn giúp đảm bảo đời sống an sinh xã hội cho các hộ dân mới giúp việc quản lý, bảo vệ rừng tốt hơn.
Không loại trừ kiểm lâm tiếp tay cho lâm tặc
-Thưa ông, với hệ thống trạm kiểm soát dày đặc nhưng vì sao rừng nghiến vẫn không giữ được, gỗ vẫn được lâm tặc tập kết tại các xã lân cận và về xuôi? Dư luận cho rằng, nếu không có sự tiếp tay của kiểm lâm thì gỗ lậu không thể ngang nhiên vượt qua các sào chắn để về Chợ Đồn được.
Đây là vấn đề nhức nhối của tỉnh. Theo tôi, vấn đề này có 3 nguyên nhân.
Thứ nhất, do lực lượng kiểm lâm vẫn còn mỏng, mỗi trạm hiện chỉ có 1-2 người trực chốt.
Thứ hai, lâm tặc vận chuyển gỗ bằng nhiều đường đi khác nhau, nếu bị cưỡng ép, lâm tặc có thể chống trả quyết liệt, đe dọa tính mạng của kiểm lâm để tẩu thoát.
Thứ ba, không loại trừ trường hợp một vài lực lượng kiểm lâm không hoàn thành nhiệm vụ, tiếp tay cho lâm tặc.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng chỉ mới chỉ nghe dư luận phản ánh như thế chứ chưa có bằng chứng cụ thể nào khẳng định chắc chắn có trường hợp như vậy.
Phó Chủ tịch tỉnh Bắc Kạn cho biết sẽ tiến hành rà soát lại để kiểm tra tình trạng có hay không việc đầu nậu lợi dụng hồ sơ pháp lý sau khi đấu giá để vận chuyển gỗ lậu. |
- Thưa ông, một trong những thủ thuật của các đầu nậu gỗ là dùng hồ sơ hợp pháp trong các phiên đấu giá để vận chuyển gỗ lậu. Vấn đề này, ông nắm được không?
Theo quy định, tất cả các loại tang vật vi phạm không riêng gì gỗ đều phải qua đấu giá. Thủ tục đấu giá như thế nào thì phải theo trình tự quy định của Sở Tư Pháp.
Việc có lợi dụng hay không hay lợi dụng bao nhiêu, mức độ nào trong quá trình đấu giá thì tôi cũng chưa nắm được. Chúng tôi sẽ cho tiến hành rà soát lại vấn đề này.
- Rừng nghiến vườn quốc gia đang ngày cạn kiệt, gỗ nghiến vẫn ngang nhiên về xuôi như chỗ không người. Để xẩy ra vấn nạn này, ai phải chịu trách nhiệm?
Trách nhiệm đầu tiên thuộc về VQG Ba Bể, tiếp đó là chính quyền địa phương.
Vườn quốc gia Ba Bể là cơ quan quản lý được UBND tỉnh giao trách nhiệm. Trong VQG Ba Bể có hệ thống quản lý và Hạt kiểm lâm.
Việc để gỗ nghiến vẫn có thể tuồn qua các chốt chặn của kiểm lâm về xuôi thuộc trách nhiệm thuộc về trách nhiệm của Chi cục Kiểm lâm Bắc Kạn.
Rõ ràng có việc gỗ tuồn về xuôi qua các đường khác nhau, có thể có sự tiếp tay của kiểm lâm. Nếu chúng tôi phát hiện trường hợp kiểm lâm ở chốt trạm nào làm ngơ để cho lâm tặc tuồn gỗ qua thì sẽ xử lý nghiêm theo đúng pháp luật.
Ngoài ra, để xảy ra việc phá rừng ở địa phương, Chủ tịch, Phó chủ tịch tỉnh cũng là người phải chịu trách nhiệm trước nhà nước.
- Xin cảm ơn ông!
Hoàng Sang (thực hiện)