- Liên quan đến vụ giết hại dã man 2 cá thể voọc chà vá gây phẫn nộ dư luận, Cơ quan điều tra hình sự thuộc Quân đoàn 3 đã triệu tập Nguyễn Văn Quang cùng các đối tượng có liên quan để lấy lời khai.


Ngay sau khi nắm bắt được thông tin Nguyễn Văn Quang (20 tuổi, quê Hà Lam, Thăng Bình, Quảng Nam) là người tung hình ảnh giết voọc phản cảm lên mạng, Cơ quan điều tra hình sự thuộc Quân đoàn 3 (Binh đoàn Tây Nguyên) đã vào cuộc điều tra làm rõ.

Theo xác định, Quang cùng nhóm thanh niên tham gia hành hạ, giết thịt 2 cá thể voọc chà vá là quân nhân thuộc Trung đoàn 7, đang làm nhiệm vụ tại Kon Tum.
 
Một cá thể voọc bị hành hạ trước khi bị giết thịt

Khuya ngày 19/7, nhóm quân nhân này đã được đưa về trụ sở Quân đoàn tại An Khê (Gia Lai) để lấy lời khai.

Theo nguồn tin của PL.TPHCM, bước đầu Quang và các đồng đội khai nhận họ không phải là người trực tiếp bắn, bẫy những cá thể voọc nói trên mà mua lại từ người dân địa phương, sau đó thuê họ làm thịt.

Trong quá trình đó, Quang cùng một số quân nhân khác đã có hành vi hành hạ con vật rồi chụp ảnh đưa lên mạng.

Về hướng xử lý, chia sẻ trên Tuổi trẻ, đại tá Nguyễn Văn Hải, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự binh đoàn Tây nguyên cho biết hiện Viện đang xem xét hành vi mua bán, giết thịt voọc vi phạm pháp luật đến đâu để có thể tiến hành khởi tố trước pháp luật. Nếu không có hành vi vi phạm pháp luật thì cũng xem xét để xử lý theo các quy định của quân đội.

Vụ việc sau khi được phát tán đã khiến cộng đồng mạng vô cùng phẫn nộ, gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng săn bẫy và giết thịt các loài động vật quý hiếm tại Việt Nam.

Trên Khám phá, ông Trần Việt Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên cho biết một thực tế đáng buồn là tại nhiều tỉnh miền Trung, tình trạng bẫy voọc diễn ra vô cùng phổ biến.

Trung bình mỗi người làm khoảng 300 – 500 cái bẫy. Khi bẫy sẽ bẫy hết cả đàn. Đội thợ săn được trả lương rất cao để làm việc đó.

Nhiều người quan niệm, voọc là thuốc quý để chữa bệnh, nên phải ăn sống mới bổ. Do vậy ngay sau bắt voọc về, thì không cần qua xử lý mà cho luôn vào bình rượu để ngâm.

Tuy nhiên, chưa ai chứng minh được tác dụng chữa bệnh của nó. “Tôi đã từng hỏi chuyện một bác sỹ là trưởng khoa Đông Y, ông cho biết trong 3000 loài thuốc cũng chưa thấy có loài thuốc nào liên quan đến voọc”, ông Hưng khẳng định trên báo này.

Theo Điều 190 Bộ luật Hình sự, người nào săn bắt, giết động vật hoang dã quý hiếm sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Nếu phạm tội có tổ chức thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.

Đ.Tâm (tổng hợp)