– Xung quanh vụ việc sự xuất hiện bò tót tại sân bay Phú Bài (Thừa Thiên – Huế) và sau đó đã chết, PV VietNamNet có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Mạnh Hà, chuyên gia nghiên cứu về bò tót (Trung tâm nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường - ĐH Quốc gia Hà Nội).


Ông Hà còn cho biết, việc bò tót đột ngột xuất hiện ở Sân bay Phú Bài là điều làm ông ngạc nhiên nhất. Vì các nghiên cứu thú lớn trong 10 năm gần đây cho thấy, bò tót không còn ở các khu rừng thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Thực tế, khó có thể tưởng tượng được tại sao con bò tót lại xuất hiện giữa sân bay. Nếu nó xuất phát từ các khu rừng có bò tót phân bố trong khu vực thì cũng mất cả vài ngày đường di chuyển đến Phú Bài.

"Hơn nữa, con vật này phải đi qua các cánh đồng, các khu dân cư và cả băng qua các đường giao thông như QL1A, đường sắt Bắc Nam….mới đến được đây. Thật khó tin là còn vật di chuyển với khoảng cách đó mà không bị ai phát hiện" - ông Hà cho hay.
 
Ngoài ra, theo ông Hà, là một trong những người đã nghiên cứu về loài này, ông thấy rất buồn khi cá thể bò tót này bị chết. Bởi, hiện tại Việt Nam chỉ còn khoảng 400 cá thể bò tót. Nên việc một cá thể bò tót bị mất đi thì càng làm cho quần thể bò tót ở Việt Nam bị suy giảm và trở nên mong manh hơn.

PV VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông Hà:

- Là một chuyên gia đã từng có những đề tài nghiên cứu về loài bò tót, ông đánh giá như thế nào khi lực lượng chức năng khống chế con bò tót tại sân bay Phú Bài có gì bất hợp lý?

Việc khống chế động vật đi lang thang vào các khu vực công cộng như sân bay… là cần thiết. Nhằm đảm bảo tính an toàn cho người, động vật và các sinh hoạt khác. Mặc dù vậy, việc cá thể bò tót ở sân bay Phú Bài chết trong khi bị khống chế là điều rất đáng tiếc. Tôi không tham gia trực tiếp nên không biết được mục đích của việc khống chế đã thực hiện là để làm gì? Để gây mê, sau đó chuyển đi hay là tiêu diệt cá thể bò này ngay tại chỗ.
 
- Phương thức sử dụng bắn thuốc gây mê con vật để tiến hành bắt giữ như thế có phải là phương pháp tối ưu?

Sử dụng thuốc gây mê luôn là phương án được lựa chọn để khống chế các động vật bị sổng chuồng hay muốn di chuyển động vật từ vùng này qua vùng khác, ngay cả ở ngoài tự nhiên.

Tuy nhiên, việc để chết một cá thể bò tót được liệt kê vào dạng quý hiếm (nhóm IB trong Nghị định 32/2006/NĐ-CP) là điều đáng tiếc.

TS Nguyễn Mạnh Hà - Trung tâm nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường những ngày “săn bò tót” tại Vườn quốc gia Cát Tiên.


- Ông có nghĩ con vật bị bắn thuốc mê quá liều, dẫn đến đột quỵ và chết ngay sau đó?

Khó có thể nói là việc sử dụng liệu lượng thuốc mê đó có quá hay không. Bởi vì, thực tế tôi không biết các chuyên gia đã sử dụng loại thuốc mê nào? Với liều lượng bao nhiêu? Cũng có nhiều khả năng cá thể bò tót này bị chết do các phản ứng đối với thuốc mê (việc này xảy ra ngay cả với người).

Nhưng, cũng có thể nguyên nhân khác làm cho bò tót chết trong quá trình khống chế. Ví dụ như đồng vật này đã quá yếu và đang trong tình trạng hoảng loạn nên có thể bị chấn thương dẫn đến kiệt sức.

- Nhận định của ông về nguyên nhân dẫn đến con bò tót bị chết?

Tôi cho rằng việc cá thể bò này bị chết trong quá trình khống chế là hoàn toàn do sai sót của con người.

Theo tôi, có thể có các nguyên nhân sau:

Thứ nhất: Có thể là do các phản ứng phụ và ảnh hưởng của thuốc mê.

Thứ hai: Có khả năng do lúc chuyển lên xe, vận chuyển không đúng quy cách làm cho động vật bị thương tổn – cộng với sức khỏe của con vật đang rất yếu khi bị gây mê nên cũng dễ gây tử vong.

Thứ ba: Có thể do cá thể động vật này đã quá yếu, nên khi bị gây mê đã dẫn đến việc động vật không hồi phục được – do thiếu thức ăn và nước uống. Trong quá trình bị con người xua đuổi thường xuyên trước khi bị bắn gây mê đã làm cho bò tót bị kiệt sức, dẫn đến tử vong. Chất kích thích và gây mê đã làm con vật bị suy yếu trong quá trình di chuyển.
 
Tôi nhìn thấy qua hình ảnh và đọc được các thông tin này trên báo thì với hình thức bắn gây mê và chở động vật bằng xe tải thông thường nên chỉ đưa ra các đánh giá và giả định khách quan như thế.

- Nếu được chọn làm người tư vấn để khống chế con bò tót tại sân bay Phú Bài, ông sẽ đưa ra những giải pháp nào?

Khó có thể nói là phương án nào tốt hơn phương án nào. Vì khi làm thực tế mới biết được các khó khăn. Nhưng, nếu tôi tham gia việc khống chế cá thể bò tót đó thì tôi sẽ chọn phương án bắn thuốc mê liều thấp và đợi cho cá thể bò tót này yếu dần mới tiến hành các biện pháp không chế (sử dụng lưới, chuồng nhốt…).

Hoặc dồn cá thể bò này vào khu vực đã chuẩn bị sẵn để dể dàng kiểm soát. Phương án này có thể lâu hơn vài tiếng đồng hồ nhưng chắc sẽ ít rủi ro hơn. 

- Xin cảm ơn ông!

Quốc Huy