Không kiềm chế được dục vọng thấp hèn, Nguyễn Văn Bùn cướp đi cả phẩm hạnh lẫn tính mạng của người phụ nữ là ân nhân của hắn.

TIN BÀI KHÁC

Đang có một gia đình êm ấm với vợ con đề huề nhưng chỉ vì một tích tắc không kiềm chế được dục vọng thấp hèn của mình, Nguyễn Văn Bùn (SN 1970, ngụ xã Long Điền, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) cướp đi cả phẩm hạnh lẫn tính mạng của người phụ nữ là ân nhân của hắn, đồng nghĩa với việc hắn tự tay phá hủy hạnh phúc của mình. Vụ án là bài học cảnh tỉnh về tầm quan trọng của việc tiết chế phần “con” trong mỗi người...
 
Nổi dục vọng, lấy oán báo ân

Nguyễn Văn Bùn sinh ra tại vùng quê sông nước An Giang trong một gia đình nghèo đông con nên cũng như những anh em của mình Nguyễn Văn Bùn sớm phải bỏ học. Năm 1999, Bùn kết hôn và hạnh phúc đã mỉm cười với gia đình nhỏ khi bé gái xinh xắn khỏe mạnh ra đời đã làm cho gia đình anh lúc nào cũng ăm ắp tiếng cười. Vốn chăm chỉ và không cam phận với cái nghèo nên Bùn đã không nề hà bất cứ công việc gì nhưng cái nghèo vẫn cứ quấn lấy gia đình anh ta.

Phạm nhân Nguyễn Văn Bùn

Thấy việc buôn bán tro dừa cũng mang lại thu nhập khá nên vợ chồng Bùn dành dụm và vay mượn thêm bà con cô bác mua một cái ghe để phục vụ cho việc buôn bán. Vậy là, cuộc sống của Bùn trước đây vốn chỉ quanh quẩn xung quanh cái ấp nơi mình sinh sống thì bây giờ Bùn phải chấp nhận xa gia đình, vợ con để kiếm kế mưu sinh. Và trời đã không phụ lòng người, khi cũng bắt đầu từ đây cuộc sống của gia đình Bùn bắt đầu có của ăn của để.

Với bản tính hiền lành, đi tới đâu Bùn cũng được những người dân ở đó yêu mến và giúp đỡ. Trong số đó có vợ chồng chị Vương Thị Thúy Oanh (nạn nhân trong vụ án này, quê ở Tây Ninh) đã coi Bùn như một thành viên trong gia đình mình. Đáng lẽ, ở nơi đất khách quê người, Bùn phải trân trọng và quý mến tình cảm đó nhưng Bùn đã phạm phải một sai lầm “chết người” mà như dân gian vẫn thường nói đó là “lấy oán báo ân”.

Khoảng 18h45 ngày 4/8/2004, sau chuyến hành trình vất vả chở tro dừa từ An Giang sang Tây Ninh, Nguyễn Văn Bùn đã ghé nhà chị Oanh để nghỉ ngơi. Đến nơi, mặc dù không có chồng chị Oanh ở nhà nhưng Bùn đã rủ chị Oanh nhậu. Được sự đồng ý của nữ chủ nhà, Bùn đã đi mua mấy lít rượu “nút lá chuối” cùng mồi nhậu về để hai chị em “lai rai”.

Sau khi mỗi người đã “cưa” hết vài xị rượu đế, Bùn bỗng thấy trong người rạo rực và bức bối. Không cưỡng lại được dục vọng và biết chồng chị Oanh đi làm xa nên Bùn đã tiến lại chỗ “bà chị” để thực hiện những hành vi ve vãn. Mặc dù không được “khổ chủ” chấp nhận nhưng lúc này thú tính trong con người của Bùn đã đập nát lý trí của hắn, thế nên hắn đã dùng vũ lực để giở đến cùng trò đồi bại với ân nhân của mình.

Sau phút bồng bột là thời khắc của nỗi sợ hãi và sự ân hận, Nguyễn Văn Bùn như bừng tỉnh và nghĩ rằng: “Chồng chị Oanh mà biết chuyện thì anh ấy sẽ giết mình”. Để che giấu hành vi tội lỗi của mình, Bùn đã phạm phải một sai lầm lớn hơn đó là lấy chiếc quần dài của nạn nhân để xiết cổ người phụ nữ tội nghiệp cho đến khi ân nhân của hắn rời bỏ cõi trần một cách đầy oan ức. Thế là gã lực điền đã cướp đi phẩm hạnh, cướp cả tính mạng của người phụ nữ đã yêu thương, tin tưởng hắn như đứa em út ruột thịt trong nhà.

Tái sinh nhờ lòng nhân từ của gia đình người bị hại

Rời khỏi nhà chị Oanh, tên Bùn trở về quê hắn ở An Giang “ở ẩn”. Nhưng dường như Bùn biết rằng “lưới trời lồng lộng, tuy thưa mà khó lọt” nên chỉ 5 ngày sau, hắn đã đến cơ quan công an đầu thú mong được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.

Trong phiên tòa sơ thẩm, Hội đồng xét xử nhận định đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, hành vi của bị cáo Nguyễn Văn Bùn là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội. Chỉ vì dục vọng thấp hèn mà Bùn đã làm nhục rồi cướp đi một mạng người không chỉ vô tội mà còn là ân nhân của hắn, hành vi này đem lại đau thương tang tóc cho gia đình nạn nhân, khiến dư luận xã hội rúng động và tột độ căm phẫn. Vì lẽ trên, Tòa sơ thẩm đã tuyên phạt tên Bùn hình phạt cao nhất: Tử hình để có thể vĩnh viễn loại bỏ hắn ra khỏi đời sống xã hội.

Những ngày thấp thỏm sống giữa lằn ranh của sự sống và cái chết, Nguyễn Văn Bùn đã làm đơn kháng cáo, những mong sẽ thoát khỏi “chuyến đò về âm phủ”. Tại phiên phúc thẩm, cơ hội sống đã đến với gã đồi bại này khi hắn bất ngờ được gia đình nạn nhân mở lòng nhân từ làm đơn xin giảm án cho hắn.

Khi xem xét tình tiết này, Hội đồng xét xử phúc thẩm TAND tối cao còn nghiên cứu kỹ hoàn cảnh gia đình của bị cáo Nguyễn Văn Bùn thì thấy rằng hắn xuất thân nghèo khó, không được học hành giáo dục đàng hoàng nên ít am hiểu luật pháp, trước khi phạm tội lại là người lương thiện không có tì vết. Vì thế, sau khi cân nhắc một cách thận trọng, Tòa phúc thẩm đã chấp thuận giảm án cho bị cáo từ tử hình xuống tù chung thân.

Gặp Nguyễn Văn Bùn tại Trại giam Xuyên Mộc (thuộc Tổng cục VIII, Bộ Công an), nếu không nhìn bộ áo sọc phạm nhân mà chỉ “trông mặt bắt hình dong” thì khó ai có thể hình dung và tin được rằng người đàn ông sở hữu bộ mặt “thuần chất hai lúa” này lại gây ra một tội ác rùng rợn, táng tận lương tâm như vậy.

Khi được hỏi về nguyên nhân dẫn tới hành vi phạm tội, Nguyễn Văn Bùn giãi bày: “Lúc đó vợ tôi mới sinh con được gần 4 tháng nên tôi bị “kiêng” lâu ngày, vì thế mà sinh lý cũng có phần bức xúc. Đã vậy hôm đó đến nhà nạn nhân chỉ có mình chị Oanh ở nhà nên sau khi uống ít rượu, tôi đã không làm chủ được bản thân mình. Sau đó, tôi đã rất hối hận nên từ ngày bị bắt đến nay tôi luôn chấp hành đầy đủ quy định của trại giam mà chưa hề phạm bất cứ lỗi gì”.

Tình mẫu tử cảm hóa kẻ tội đồ

Kể từ tháng 7/2005, khi mà Nguyễn Văn Bùn chuyển về Trại giam Xuyên Mộc thì người lên thăm Bùn nhiều nhất có lẽ là người mẹ già đã gần 70 của phạm nhân này. Điều đau đớn nhất đối với Bùn lúc này không phải là những năm tháng đằng đẵng trong trại giam mà chính là sự “quay lưng, ngoảnh mặt” của người phụ nữ đã một thời “đầu ấp tay gối” với Bùn.

Bùn cho biết, thời gian đầu khi phạm nhân này nhập trại, cứ khoảng vài tháng vợ Bùn lại lên thăm chồng một lần nhưng khoảng 2 năm trở lại đây thì không đến nữa. Ở trong trại, Bùn chấp hành kỷ luật tốt nên thi thoảng lại được cán bộ cho gọi điện hỏi thăm người thân.

Nhìn những phạm nhân khác háo hức lao động, cải tạo, chấp hành nội quy để được gọi về cho vợ, Bùn cảm thấy rất buồn nhưng lâu lắm rồi phạm nhân này không gọi về cho vợ nữa bởi có một lần vợ Bùn nói rằng: “Thời gian này khó khăn lắm nên anh đừng điện thoại nữa”.

“Nghe câu nói đó, tôi linh cảm rằng cô ấy sẽ không bao giờ đến thăm mình nữa và sự thật đã diễn ra đúng như vậy. Không những thế, tôi còn mất đi cả các con của mình. Đến nay, chúng mới chỉ viết cho tôi đúng hai lá thư rồi “bặt vô âm tín” từ đó. Ham muốn tầm thường đã khiến tôi phải trả một cái giá thật đích đáng...”, Bùn buồn bã nói.

Tuy nhiên, Nguyễn Văn Bùn không vì thế mà mất niềm tin trong công cuộc tìm kiếm ngày hoàn lương bởi phạm nhân này vẫn còn đó người mẹ già tần tảo đang từng giờ từng khắc mong con trở về nhà. Bùn tâm sự: “Nếu trở về bây giờ thì tôi cũng chỉ còn có mẹ là người thân.

Nhưng tôi sẽ cố gắng lao động, cải tạo để sớm được trở về, để mẹ khỏi phải khổ sở lặn lội đi thăm đứa con bất hiếu như tôi. Sau ngần ấy lỗi lầm của tôi, mẹ đã không bỏ tôi, vẫn yêu thương tôi và một lòng mong tôi phục thiện. Chẳng nhẽ ước mơ nhỏ bé ấy của mẹ mà tôi lại không thực hiện được? Tôi mong mẹ chờ được đến ngày tôi trở về...”.

Phạm nhân Nguyễn Văn Bùn đã phạm phải tội ác mà trời đất khó dung, loài người khó tha và sau khi mắc sai lầm thì anh ta đã đẩy cuộc đời mình xuống vũng bùn đen nhầy nhụa. Nhưng việc Bùn sa lầy “dưới đáy bùn” nào phải là một định mệnh đã sắp đặt sẵn như cái tên của anh ta.

Suy cho cùng, không riêng Bùn mà đã có quá nhiều con người phải trả giá cả một phần đời ở phía sau song sắt chỉ vì họ đã không thắng nổi ba chữ “Tham - Sân - Si”, và đã có biết bao gia đình tan cửa nát nhà cũng vì ba chữ đó. Vụ án là bài học cảnh tỉnh cho mỗi chúng ta về tầm quan trọng của việc tiết chế phần “con” trong mỗi con người...

(Theo Pháp luật Việt Nam)