– Trong cùng một bệnh viện công lập nhưng tồn tại hai hình ảnh, hai thế giới đối lập nhau hoàn toàn giữa một bên là bệnh nhân giàu có được phục vụ một kiểu, còn bệnh nhân nghèo được phục vụ kiểu khác. Điều đáng nói là nhiều bệnh viện đã lấy những nguồn lực công (bác sỹ, điều dưỡng, máy móc, nhà cửa, …) để phục vụ dịch vụ tư nhằm tăng thu, gây ảnh hưởng đến sự công bằng trong quá trình tiếp cận dịch vụ y tế của người bệnh.
TIN LIÊN QUAN:
>> Nằm viện đắt hơn khách sạn 5 sao ở Việt Nam
>> Bệnh nhân nhí bị thu phí 'giá cắt cổ'?
>> Khám bệnh chất lượng cao: Nở rộ và nhập nhằng
Một bệnh viện, hai thế giới
Bệnh viện Nhi Trung ương hiện nay có khu khám, điều trị tự nguyện ở cấp độ A, B, C, trong đó nổi bật hơn cả là khu điều trị tự nguyện A. Bởi nếu vào tự nguyện B, tự nguyện C thì bệnh nhân vẫn phải chờ đợi lâu (bởi giá khám chỉ có 90.000 đồng, trong khi ở tự nguyện A là 680 ngàn đồng), đội ngũ bác sỹ, điều dưỡng cũng không được “chắt lọc” kỹ lưỡng như ở điều trị tự nguyện A (với toàn bác sỹ trình độ thạc sỹ trở lên).
Khoa điều trị tự nguyện A ra đời một mặt đã đáp ứng được nhu cầu của một bộ phận người dân có điều kiện kinh tế tốt (với chi phí điều trị nội trú có thể lên tới vài triệu đồng/ngày) nhưng một mặt cũng gây ra những hiệu ứng tiêu cực, trong đó nổi cộm nhất là khiến người bệnh nghèo có cảm giác bị phân biệt đối xử.
Bệnh nhân khoa điều trị tự nguyện A được nằm phòng riêng, có điều hòa nhiệt độ, có người phục vụ tận tình, giá mỗi phòng đơn này là xấp xỉ 2 triệu đồng/ngày (Ảnh: N.A) |
Cách khoa điều trị tự nguyện A có một lối đi là khoa ung bướu. Có đến 4 bệnh nhi nằm chung một giường, đi kèm đó là 4 người mẹ, khiến không khí trong phòng lúc nào cũng ngột ngạt (Ảnh: N.A) |
Trong khi bệnh nhân vào khu điều trị tự nguyện A được đón tiếp nồng hậu, có điều hòa từ cửa ra vào cho tới phòng bệnh, được chăm sóc chu đáo (với tỷ lệ 1 điều dưỡng/giường bệnh), được nằm phòng riêng, người nhà được cấp suất ăn miễn phí, được y tá đến tận nơi lấy máu đi xét nghiệm, vv … thì bệnh nhân đến khám ở các khu vực khác trong bệnh viện phải chen chúc xếp hàng, chờ đợi đến nửa ngày trời mới đến lượt khám.
Quá mệt mỏi, nhiều người bệnh ngồi, nằm la liệt quanh hành lang chờ đến lượt khám, tạo nên một khung cảnh hoàn toàn tương phản với khu điều trị tự nguyện A – nơi mà bệnh nhân được đón tiếp, đối xử đúng nghĩa một người bệnh: nghĩa là được thăm khám kịp thời, được tư vấn kĩ, được hỏi han ân cần, được chỉ bảo tường tận, vv…
Đó là chưa kể đến việc nếu phải nằm điều trị nội trú, mỗi bệnh nhân nghèo có nguy cơ phải chung giường với 2 hoặc 3, thậm chí 4 bệnh nhân khác do tình trạng quá tải gây nên.
“Biết như vậy là khổ, vì con có thể bị lây bệnh từ người khác, rồi phòng ốc chật chội vì cháu nào cũng có cha mẹ đi chăm sóc. Nhưng vẫn phải cố chịu vì chúng tôi không đủ tiền để sang khu vực khám tự nguyện. Có đợt cao điểm, một phòng rộng độ chục mét vuông mà cả người lớn lẫn trẻ con cùng ở đến gần hai chục người, sinh hoạt bất tiện lắm”, mẹ bệnh nhi Huyền Trang, 7 tuổi, hiện đang điều trị tại khoa ung bướu, bệnh viện Nhi TW cho biết.
Có tiền, được thêm quyền lựa chọn
Nếu không đưa thêm tiền, bệnh nhân phải chờ đợi cả tháng mới được mổ. Nhưng với dịch vụ “mổ nhanh”, bệnh nhân chỉ còn phải đợi 10 ngày. Tình trạng trên hiện đang xảy ra ở bệnh viện Việt Đức (Hà Nội).
Dịch vụ này tồn tại dưới tên gọi “dịch vụ mổ nhanh”. Theo đó, nếu đóng thêm 2 triệu đồng (ngoài các khoản viện phí theo quy định” thì thời gian chờ đợi để được mổ sẽ giảm xuống rõ rệt.
Theo tìm hiểu của phóng viên, do quá đông bệnh nhân, tại bệnh viện Việt Đức có những trường hợp mắc bệnh mãn tính muốn được mổ phải đăng ký trước rồi chờ cả tháng trời mới đến lượt. Do đó, dịch vụ “mổ nhanh” này đã giúp người có điều kiện chỉ còn phải chờ từ 7-10 ngày.
Bệnh nhân đến khám bệnh tại khoa khám bệnh theo yêu cầu - BV Bạch Mai (Ảnh: N.A) |
Còn tại bệnh viện Bạch Mai, ngay trong cùng khoa khám bệnh theo yêu cầu cũng có sự phân biệt rõ: Nếu bệnh nhân khám bác sỹ thì tiền công khám là 50.000 đồng/lần, ai có điều kiện tốt hơn thì chọn khám GS với tiền công khám 100.000 đồng/lần.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại Bệnh viện ĐH Y Hà Nội, khi mà có sự phân biệt rất rõ nét giữa khu vực khám bệnh thông thường với khu vực khám bệnh của khoa Quốc tế - nơi có điều hòa mát lạnh, nhân viên y tế niềm nở, tươi cười, …
Theo đánh giá của ông Lý Ngọc Kính, Phó Chủ tịch Hội khoa học kinh tế y tế Việt Nam, việc mở các khu vực dịch vụ là thực hiện chủ trương xã hội hóa y tế của Đảng, Nhà nước. Nó đã góp phần cải thiện đáng kể nguồn thu của các bệnh viện, làm giảm áp lực ngân sách, đồng thời đáp ứng được một phần nhu cầu của những người bệnh có khả năng chi trả.
Chủ trương là đúng nhưng việc thực hiện chủ trương này trong thực tế còn nhiều điều phải bàn. Ông Kính cho rằng điều “nhập nhằng” hiện nay là khu vực y tế dịch vụ này vẫn chưa minh bạch, rõ ràng bởi vẫn sử dụng những nguồn lực của khu vực y tế công để hoạt động, gây hệ lụy không tốt cho vấn đề công bằng trong tiếp cận dịch vụ y tế.
Ngọc Anh
(còn nữa)