- Từ ngày mồng 5 Tết, không khí lạnh khống chế thời tiết Bắc Bộ, Trung Bộ đang suy yếu. Tiết trời ấm áp, rất thuận lợi cho các hoạt động giao thông và việc gieo trồng.
Nhật kí 30 Tết: Hối hả đón tất niên
Hà Nội huyền ảo trong sương sớm mùng 1
Mùng 2 Tết và lá đơn li hôn của mẹ
Dự báo thời tiết miền Bắc từ ngày 7 đến 14/2: Đêm và sáng trời nhiều mây, có mưa nhỏ vài nơi. Sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác, trưa chiều giảm mây, nắng ấm ngập tràn. Tiết trời chỉ rét vào đêm và sáng sớm.
Giao thông kẹt cứng
Hôm nay là ngày cuối cùng trong đợt nghỉ Tết 8 ngày, rất nhiều người dân từ các tỉnh miền Tây đổ về hướng TP.HCM để đi làm lại sau tết khiến nhiều khu vực cầu hẹp trên quốc lộ 1A, đoạn qua địa bàn tỉnh Tiền Giang, bị kẹt cứng.
Theo thượng tá Nguyễn Văn Dũng - phó phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an Tiền Giang, phòng đã huy động toàn bộ lực lượng điều tiết giao thông tại các điểm “nóng” nhưng vẫn xảy ra ùn tắc và kẹt xe kéo dài do lượng xe cộ quá lớn.
Dòng người và xe cộ nối đuôi nhau trên quốc lộ 1A khu vực cầu Kinh Xáng chiều 6-2 (Tuổi Trẻ TP HCM) |
Nhiều ô tô phải mất 1-2 tiếng đồng hồ mới qua được cầu An Hữu. Tuy nhiên đến cầu Cai Lậy và ngã tư thị trấn Cai Lậy thì tiếp tục bị ùn tắc. Qua khỏi khu vực thị trấn Cai Lậy khoảng gần 20km thì tất cả xe cộ tiếp tục bị kẹt tại cầu Kinh Xáng (xã Long Định, huyện Châu Thành, Tiền Giang).
Để giảm bớt ùn tắc, cảnh sát giao thông đã điều tiết cho ô tô từ quốc lộ 1A rẽ phải vào ngã ba Đông Hòa theo đường tỉnh 867, sau đó đi theo đường tỉnh 864 rồi tiếp tục ra ngã tư Đồng Tâm vào đường cao tốc (hoặc quốc lộ 1A).
Tại miền Bắc, dòng người đổ về Hà Nội đã làm cho các ngả đường hướng TP. Hà Nội trở nên kẹt cứng. Khu vực đường Phạm Văn Đồng ùn tắc do có quá nhiều xe khách và xe ô tô con hoạt động, khiến lực lượng cảnh sát giao thông vô cùng vất vả.
Khu vực bến xe Giáp Bát, bến xe nước ngầm, bến xe Lương Yên, tiến độ tham gia giao thông rất chậm do lưu lượng tham gia giao thông quá lớn. Hàng nghìn lượt học sinh, sinh viên, người đi làm đổ về Hà Nội cùng lúc khiến giao thông bị quá tải.
Ngư dân hồ hởi ra khơi đầu xuân
Thời tiết thuận lợi nên rất nhiều ngư dân TP Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên đã bắt đầu ra quân câu cá ngừ đại dương. Trong ngày đầu đã có hơn 10 tàu đăng ký xuất bến.
Nụ cười hồ hởi của ngư dân (Dân Việt) |
Trong số các tàu ra khơi, có bốn tàu mang số hiệu PY 92134, PY 92008, PY90019 của ông Võ Đường và tàu PY 92567 trước đó đã trúng đậm với sản lượng từ 2 tấn đến 3 tấn cá ngừ/tàu, cho thu nhập mỗi lao động từ 11-20 triệu đồng.
Trước Tết Tân Mão đã có gần 120 tàu câu cá ngừ của ngư dân phường 6, TP Tuy Hòa cập bến với sản lượng đánh bắt khoảng 90 tấn.
Bà con ngư dân miền biển ở Quảng Ngãi cũng đã làm lễ “xuất quân”, vươn ra khơi xa đánh bắt sản vật. Được đi biển là niềm hạnh phúc của đời ngư dân. Hơn thế, nếu đi biển mà ra tới tận Hoàng Sa, Trường Sa thì đối với ngư dân Quảng Ngãi không gì sướng bằng. Năm 2011, ngư dân Quảng Ngãi đặt quyết tâm: bám biển!
"Mình sống ở biển không làm biển thì làm gì. Năm Tân Mão này tôi cũng quyết bám biển, quyết bám ngư trường Hoàng Sa mưu sinh" - ngư dân Trần Sơn, xóm Gành Cả, thôn Châu Thuận, xã Bình Châu nói.
Người Hà Nội nô nức trảy hội dân gian
Khi không gian văn hóa truyền thống đang dần bị thu hẹp, người dân thủ đô tìm cách trở về với cội nguồn bằng việc tham gia các trò chơi dân gian ngay trong bảo tàng.
Trẻ con chơi quay trong bảo tàng Dân tộc học (Ảnh: Tiền Phong) |
Bắt đầu từ những ngày mùng 3 Tết, nhiều gia đình tại Hà Nội đã nô nức tham gia Lễ hội vui xuân tại Bảo tàng Dân tộc học (Cầu Giấy, Hà Nội). Đây là cơ hội để nhiều bạn trẻ có dịp trở về với những trò chơi dân gian truyền thống như đánh đu, đánh quay, đi cà kheo, rối nước... là dịp để nhiều người nhớ về những dư vị Tết ở quê nhà thông các món ăn truyền thống.
Với hơn 20 trò chơi dân gian, hàng chục gian hàng ẩm thực, những tiết mục văn nghệ đặc sắc của đủ các vùng miền… đã làm sống dậy những nét văn hóa rất riêng của cộng đồng Việt.
Ra Tết, giá cả “nhảy” tưng bừng
Trong khi các siêu thị đua nhau tung ra các chiêu khuyến mại, giảm giá thì thị trường thịt, rau xanh tại các chợ trong khu vực nội thành vẫn không ngừng nhích giá. Nhiều người tiêu dùng có thắc mắc thì câu trả lời thường trực của người bán hàng là “Mới Tết ra nên giá phải từ từ mới hạ được”.
Các mặt hàng thịt, rau củ quả sau Tết tăng từ 5-10% so với trước Tết (Ảnh: Lao động) |
Tại Hà Nội, dạo quanh một số khu chợ lớn như Hàng Bè, chợ Láng Hạ, chợ Nghĩa Tân… giá thịt lợn vẫn ở mức ngất ngưởng: thịt mông, vai ở mức 85.000 – 90.000 đồng/kg, thịt lợn thăn 100.000 đồng/kg, thịt bò dao động quanh mức từ 190.000 – 220.000 đồng/kg.
Nắm bắt nhu cầu rau quả của người dân tăng đột biến sau Tết nên thị trường rau xanh, trái cây những ngày này cũng tăng đến chóng mặt: Rau cải ngọt 15.000 đồng/kg, cải xoong 10.000 đồng/bó, súp lơ 15.000 đồng/cái, rau cần 15.000 – 18.000 đồng/kg…
Chị Nguyễn Thị Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết “Ra tết hỏi đến cái gì cũng tăng, mức giá hiện tại đã tăng thêm khoảng 5-10% so với trước Tết”.
Anh Ngọc – Thúy Hạnh