– Với những bệnh nhân phải nằm ghép 2-3 người/giường, Bộ Y tế đã có phương án thu giá tiền giường bệnh giảm xuống để đảm bảo quyền lợi bệnh nhân. Nhưng với những bệnh nhân không được nằm ghép, phải nằm ngoài hành lang, thậm chí “ngồi” để điều trị thì hiện nay chưa có giải pháp cụ thể.

>> Tăng viện phí, người bệnh vẫn đóng thêm tiền!
>> Tăng viện phí, nên hỗ trợ bệnh nhân khó khăn?
>> Viện phí: Mỗi địa phương phê duyệt một kiểu
>> Viện phí: Rất nhiều vô lý!
>> Viện phí: Thu giá mới, chất lượng không đổi!
>> Từ hôm nay đồng loạt áp viện phí mới
>> 'Viện phí tăng một đồng cũng chết người nghèo!'

Viện phí mới đã được áp dụng tại 42 tỉnh, thành và nhiều bệnh viện tuyến Trung ương song đến thời điểm này, những biện pháp cải thiện chất lượng khám chữa bệnh, điều trị vẫn chạy dài theo giá mới bởi các bệnh viện chưa thể cải tạo điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực để phục vụ bệnh nhân tốt hơn.

Bệnh nhân “ngồi” điều trị

Theo quy định của Thông tư 04 về điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh do Bộ Y tế và Bộ Tài chính ban hành thì giá ngày giường điều trị được tính cho 1 người/1 ngày giường điều trị. Trong trường hợp phải nằm ghép 2 ngơời/1 giường thì chỉ được thu tối đa 50% tiền giường/trường hợp, nếu nằm ghép từ 3 người trở lên thì chỉ đơợc thu tối đa 30% mức thu ngày giường điều trị nội trú đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Tuy nhiên, hiện nay, có những bệnh nhân “không được nằm ghép” trên giường vì quá tải trầm trọng. Họ phải nằm điều trị ngoài hành lang, trên băng ca, trên các giường gấp tự mang vào, thậm chí có người mang tiếng nằm viện điều trị nội trú nhưng hầu như toàn “ngồi” điều trị vì không còn chỗ!

Ông Phạm Trọng Hiền (áo xanh) đang điều trị ung thư tại bệnh viện K (Hà Nội). Ông cho biết trong phòng không còn chỗ mà nằm nên ông đành ra ngoài ghế ngồi truyền nước cho dễ chịu! (Ảnh: N.A)

Với những trường hợp này, phương án thu giá cụ thể vẫn chưa thấy Bộ Y tế đưa ra. Trong khi đó, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho rằng việc nằm ghép thu giảm tiền là rõ ràng, nhưng với những trường hợp nằm hành lang, “ngồi” điều trị thì không thể tính giá giường bệnh như đối với bệnh nhân nằm giường trong phòng điều trị, kể cả là nằm ghép.

Tính đến nay, giá viện phí mới đã được áp dụng gần 1 tháng ở 5 bệnh viện tuyến trung ương trực thuộc Bộ Y tế và hàng loạt các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện ở hơn 40 tỉnh thành trong cả nước. Tuy nhiên, chất lượng dịch vụ vẫn chưa được cải thiện do bệnh nhân vẫn phải chờ đợi quá lâu, thái độ nhân viên y tế chưa thân thiện, thủ tục hành chính còn rườm rà.

Ví dụ: Theo BHXH Việt Nam, giá khám bệnh điều chỉnh từ 3.000đ/lần khám lên 20.000/lần khám với điều kiện mỗi ngày một bác sỹ/phòng khám chỉ được khám từ 35-40 bệnh nhân để đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên hiện nay, mỗi ngày các bác sỹ/phòng khám ở bệnh viện tuyến trung ương khám tới 60-70, thậm chí 100 bệnh nhân!

Hiện nay, nhiều địa phương thậm chí đã thu giá mới nhưng những điều kiện để được phép thu mức giá đó vẫn chưa được đáp ứng đầy đủ, khiến người bệnh chịu thiệt.

Cải thiện chất lượng dịch vụ để đón đầu

Đây là nội dung mà Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện trước khi triển khai áp dụng giá viện phí mới trong cuộc họp giữa Bộ Y tế với 38 bệnh viện tuyến Trung ương về xây dựng viện phí mới.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Tiến, trước khi áp dụng giá viện phí mới, các bệnh viện phải tập trung cải thiện chất lượng dịch vụ để đón đầu. Các công việc cụ thể cần phải làm để thực hiện nhiệm vụ này là nâng cấp ngay các khoa khám bệnh, đảm bảo thuận lợi cho người đến khám bệnh không phải chờ lâu và chủ động công khai, minh bạch giá dịch vụ y tế mới.

Nhiều bệnh nhân không "được" nằm ghép vì không còn chỗ, đành phải nằm trên băng ca, giường gấp ngoài hành lang (Ảnh: N.A)

Trước đó, trong những ngày đầu thực hiện giá viện phí mới, khảo sát của VietNamNet ở các bệnh viện cho thấy dù đã thu theo giá mới nhưng chất lượng phục vụ tại các bệnh viện vẫn chưa có chuyển biến, có những bệnh viện tuyến Trung ương đã thu giá mới được nửa tháng nhưng vẫn chưa niêm yết giá.

Trong khi đó, việc nâng cấp, cải tạo điều kiện làm việc để tăng chất lượng phục vụ bệnh nhân phải là việc được chuẩn bị từ trước khi áp giá viện phí mới.

Theo BHXH Việt Nam, tính đến thời điểm này, đã có 42 tỉnh, thành áp dụng hoặc thông qua giá viện phí mới. BHXH Việt Nam đã đôn đốc BHXH các tỉnh, thành phố - đặc biệt là các tỉnh, thành phê duyệt giá viện phí cao trên 90% - cần tăng cường công tác giám sát để đảm bảo việc thu chi, không khiến quỹ BHYT bị âm nặng.

N.Anh