- Phương án mời đơn vị giám định nguyên nhân gây nên “hố tử thần” đang được các cơ quan chức năng trình lên UBND TP.Hà Nội phê duyệt. Tuy nhiên, khi đơn vị giám định chưa vào cuộc thì “hố tử thần” đã được cho khắc phục.


Không làm mất hiện trường giám định?


Liên quan đến việc giám định nguyên nhân gây nên "hố tử thần", ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Ban quản lý dự án giao thông 2 (Sở GTVT Hà Nội) cho biết: Sở có bộ phận kiểm tra về mặt chuyên môn riêng, nên sẽ có đánh giá thực trạng bước đầu.

Tuy nhiên, các bên liên quan vẫn thống nhất sẽ tham vấn chuyên gia có chuyên môn để tìm hiểu, cùng tổ giám định chuyên môn của các ban ngành khác, trước khi đưa ra kết luận chính thức. 
 
PGS. TS Trần Chủng cho biết: Nước là kẻ thù số 1 của phá đường, do vậy khi tiến hành thi cống cống thoát nước qua đường phải tính toán kết cấu của đường ống thoát nước đảm bảo chịu lực...

Theo ông Hùng, dự kiến, sẽ mời nhóm chuyên gia của Đại học GTVT tiến hành giám định độc lập. Hiện tại phương án mời đang được trình lên thành phố phê duyệt. Việc mời chuyên gia thẩm định độc lập không chậm trễ như lo ngại, bởi việc khắc phục sự cố sẽ rất mất nhiều thời gian.

Liên quan đến việc chưa biết chính xác cơ quan nào sẽ được mời giám định, nhưng hiện trường “hố tử thần” đã được cho khắc phục, ông Hùng cho biết: Việc giám định tìm ra nguyên nhân do Sở Xây dựng chỉ trì, Ban quản lý giao thông 2 chỉ tham gia giám sát khắc phục sự cố theo yêu cầu của Sở GTVT.

Tuy nhiên, ông Hùng cũng khẳng định, khi đã được chỉ định, đơn vị giám định sẽ tiến hành bằng các biện pháp kỹ thuật tìm ra nguyên nhân chứ không phải thi công làm mất hiện trường.
 
Nước là kẻ thù số 1 phá đường

 
PGS. TS Trần Chủng cho biết: Nước là kẻ thù số 1 của phá đường, do vậy khi tiến hành thi cống cống thoát nước qua đường phải tính toán kết cấu của đường ống thoát nước đảm bảo chịu lực, phải dự báo được lượng nước thải cần thiết.

Ngoài ra khi thi công phải coi trọng móng đường ống nhất là 2 bên đầu cống. Do đường ống là các đoạn lắp ghép nên nếu nền móng cống không đảm bảo sẽ lún lệch, khi chịu áp lực (đường, nước) đường ống sẽ bị bẻ lệch.
Ông Phạm Hoàng Tuấn, Phó Giám đốc Sở GTVT khẳng định: Sở sẽ công bố nguyên nhân chính thức gây nên “hố tử thần” khi đơn vị tư vấn có chức năng thẩm định khảo sát, đánh giá và đưa ra nguyên nhân một cách đầy đủ và cụ thể.

Theo PGS.TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), việc sớm khắc phục sự cố để đảm bảo vấn đề giao thông là cần thiết.

Tuy nhiên, việc khắc phục chỉ hiệu quả khi “chẩn” đúng bệnh, dựa trên những đánh giá, giám định kỹ lưỡng về địa chất, nền đất…

Ông Chủng cũng cho rằng: Cần tìm ra nguyên nhân gây sụt lún đường thuộc dự án đường trục phát triển phía Bắc Quận Hà Đông, công bố như một bài học cho các công trình khác.

Nghiên cứu khắc phục phạm vi ảnh hưởng

Ông Phạm Hoàng Tuấn cho biết: sẽ có hai giai đoạn thi công hố sụt. Trước mắt sẽ khắc phục tại hố sụt sâu và sau đó sẽ xác định phạm vi ảnh hưởng để xử lý triệt để tình trạng sụt lún trên đường dự án đường trục phát triển phía Bắc Quận Hà Đông.

Cụ thể, theo ông Tuấn, sau khi thu dọn các vật liệu và các cấu kiện đã bị sụt dưới hố sụt, Sở sẽ cho tiến hành đắp lại nền đường khu vực hố sụt. Cùng với đó, Sở sẽ phố hợp với bên Sông Đà triển khai thi công hàng giỏ đá sát bên tường bê tông cốt thép của Sông Đà. Đồng thời yêu cầu Sông Đà thi công nốt lớp tường đã đan cốt thép chuẩn bị đổ bê tông.

Sau khi bịt được hố sụt và có thể tổ chức cho xe đi lại bình thường, Sở GTVT sẽ tiếp tục nghiên cứu phạm vi ảnh hưởng từ hố sụt này đến trước và sau công trình.

“Hiện nay đã có dấu hiệu cần phải khảo sát và lên phương án xử lý, tránh chuyện sẽ tiếp tục xảy ra việc sụt như hố sụt này. Đặc biệt là trong quá trình triển khai các công trình tiếp theo bên cạnh trên tuyến đường”, ông Tuấn nói.

Trong khi đó, theo ông Trần Chủng, việc xây dựng các tòa nhà cao tầng với nền móng sâu dọc các tuyến đường, trong vùng đất yếu là vấn phải đặc biệt quan tâm.

Riêng với khu vực Hà Nội, ảnh hưởng của vùng châu thổ Sông Hồng được các nhà địa chất xác định có địa chất yếu điển hình với tầng bùn khá dày nên khi xây dựng các công trình có tải trọng lớn như nhà cao tầng buộc phải chọn giải pháp móng sâu với loại cọc khoan nhồi, chiều sâu trên 40m.

Ngoài ra, do các nhà cao tầng thường phải làm các tầng hầm có độ sâu nhất định, đòi hỏi phải có hệ tường vây bằng bê tông cốt thép hoặc bằng thép.

Tuy nhiên, theo ông Chủng, trên thực tế nhiều nhà thi công chưa quan tâm đến điều này nên dẫn tới đã có nhiều sự cố như hố đào bị dịch chuyển, bị nghiêng.

Vũ Điệp