- Bị truy tố về tội danh “đưa hối lộ”, bị cáo Nguyễn Văn Khương – tức nhà báo Hoàng Khương bị Viện kiểm sát đề nghị tuyên phạt mức án từ 6 đến 7 năm tù. Trong phần trình bày lời nói sau cùng, bị cáo xin Tòa xem xét, tuyên không phạm tội như một sự khoan hồng của pháp luật.


Sáng nay (7/9), phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Văn Khương (nhà báo Hoàng Khương) và các bị cáo trong vụ án tiếp tục diễn ra như dự kiến. Sau khi kết thúc phần thẩm vấn, đại diện VKSND TP.HCM đã phát biểu quan điểm tranh luận về vụ án.

Theo đó, Viện kiểm sát đề nghị tuyên phạt bị cáo Huỳnh Minh Đức từ 6 đến 7 năm tù về tội “nhận hối lộ”. Đối với bốn bị cáo bị truy tố về hành vi “đưa hối lộ”, VKS đề nghị tuyên phạt Nguyễn Văn Khương từ 6 - 7 năm tù, Nguyễn Đức Đông Anh (em vợ Nguyễn Văn Khương) từ 4 -5 năm tù, Trần Minh Hòa từ 5 - 6 năm tù, Trần Anh Tuấn 2 – 3 năm tù. Riêng bị cáo Tôn Thất Hòa bị đề nghị từ 2 đến 3 năm tù về tội “môi giới hối lộ”.

“Tác nghiệp cũng phải theo pháp luật”

Trước đó, trong phần trả lời thẩm vấn của luật sư Phan Trung Hoài, bị cáo Nguyễn Văn Khương tiếp tục khẳng định mình không có động cơ phạm tội “đưa hối lộ” và tái khẳng định đó chỉ là việc tác nghiệp báo chí và những sai phạm ở đây là do sơ suất nghiệp vụ, toàn bộ những đoạn băng ghi âm mà cơ quan điều tra đã thu giữ bị cáo đã nộp cho Ban biên tập báo Tuổi Trẻ trước khi hai bài viết được đăng.

Từ đó, luật sư phân tích trước khi Hoàng Khương thực hiện đề tài, báo Tuổi Trẻ đồng ý về mặt chủ trương. Bị cáo Hoàng Khương chủ động lên kế hoạch tác nghiệp, các băng ghi âm đều nộp lại nên thể hiện bị cáo không có động cơ cá nhân.

Đại diện VKSND TP.HCM phát biểu tranh luận

Các bút lục thể hiện việc bị cáo Tôn Thất Hòa biết Hoàng Khương điều tra về an toàn giao thông, đúng ngành nghề mà Hòa đang làm nên đồng ý giúp. Việc giải cứu xe đua chỉ phát sinh sau khi đi tìm bằng chứng vụ xe đầu kéo, bị cáo Khương biết sự việc, đề nghị theo để lấy thông tin.

Từ đó, luật sư đề nghị Hội đồng xét xử xem xét động cơ bị cáo Hoàng Khương. Ngoài ra, những thông tin bị cáo Khương đưa lên mặt báo thực chất cần được nhìn nhận là một sự tố giác tội phạm.

Tuy nhiên, VKS đã bác bỏ lời khai của bị cáo cũng như quan điểm của luật sư, VKS khẳng định việc khởi tố, truy tố Hoàng Khương không có bất cứ yếu tố nào bên ngoài tác động mà hoàn toàn dựa trên cơ sở pháp luật.

Căn cứ vào lời khai và hồ sơ có đủ cơ sở kết luận hành vi của Hoàng Khương đã phạm tội “đưa hối lộ” với tổng số tiền 15 triệu đồng, Trần Anh Tuấn đưa hối lộ 3 triệu đồng, Huỳnh Minh Đức nhận hối lộ 18 triệu đồng.

VKS phân tích, dù Hoàng Khương là nhà báo nhưng làm gì, tác nghiệp ra sao cũng phải tuân theo pháp luật, đằng này bị cáo Khương đã không tuân thủ pháp luật. Mặc dù bị cáo khai đây là hoạt động tác nghiệp và những sai phạm trên là do sai sót về nghiệp vụ nhưng điều này không có cơ sở chấp nhận.

Thứ nhất, nếu bị cáo tác nghiệp thì phải báo cáo với cơ quan chủ quản, cơ quan pháp luật có liên quan. Trong khi đó, trong một công văn trả lời của Ban biên tập báo Tuổi Trẻ có xác nhận Hoàng Khương làm theo chỉ đạo của Ban biên tập nhưng việc đưa 15 triệu đồng cho Huỳnh Minh Đức thì bị cáo này không báo cáo.

Thứ hai, nếu bị cáo tác nghiệp thì phải dùng tiền của tổ chức đằng này bị cáo lại lấy tiền của Trần Minh Hòa. Theo VKS, việc bị cáo tham gia vào thực hiện đề tài là đúng, trong khi thực hiện có thể có nhiều điều phát sinh nhưng dù thế nào cũng phải tuân thủ pháp luật, bị cáo đã không tuân thủ nên vi phạm.

Từ đó, theo VKS kết luận việc truy tố các bị cáo là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Hoàng Khương: xin sự khoan hồng của pháp luật

Sau khi kết thúc phần tranh luận, các bị cáo được nói lời nói sau cùng trước khi Hội đồng xét xử vào nghị án. Là người đầu tiên được trình bày lời nói sau cùng, nguyên CSGT Huỳnh Minh Đức bật khóc trước tòa.

Đức nói “trong những tháng tạm giam, bị cáo đã ân hận rất nhiều, bị cáo xin Hội đồng xét xử xem xét”.

Các bị cáo đứng trước vành móng ngựa

Trước đó, trong phần tự bào chữa, bị cáo này còn nói sở dĩ sau khi “giải cứu” xe đua cho Trần Minh Hòa, nhưng sau đó không trả giấy đăng ký là vì bị cáo nhận thấy mình sai, đã báo cáo ban chỉ huy để khắc phục.

Quá trình điều tra, bị cáo đã thành khẩn khai báo và tố cáo hành vi sai phạm của nhà báo Hoàng Khương nên cũng đề nghị được xem xét.

Về phần mình, khi được trình bày lời nói sau cùng, bị cáo Hoàng Khương đã nói khá nhiều, bị cáo xin lỗi bị cáo Tôn Thất Hòa và Nguyễn Đức Đông Anh vì cho rằng những người này đã hết lòng giúp đỡ bị cáo tác nghiệp nhưng lại rơi vào hoàn cảnh đáng tiếc, xin Hội đồng xét xử xem xét cho họ.

Bị cáo Khương cũng gửi lời xin lỗi Ban biên tập và đồng nghiệp báo Tuổi Trẻ vì sơ suất tác nghiệp dẫn đến hậu quả hôm nay, ảnh hưởng đến uy tín tờ báo.

Bị cáo Khương thừa nhận mình có lỗi, có hành động sai nhưng theo bị cáo là xuất phát từ động cơ, mục đích tác nghiệp. Do vậy, bị cáo xin Tòa xem xét và xin được tuyên bị cáo không phạm tội và coi đó như một sự khoan hồng của pháp luật đối với bị cáo.

Sau khi bị cáo Khương trình bày, các bị cáo còn lại cũng lần lượt được nói lời nói sau cùng trước khi Tòa vào nghị án.

15 giờ chiều nay, Hội đồng xét xử sẽ tuyên án.

Mai Phượng