- Sau khi có chuyến khảo sát dài ngày tại vùng tâm chấn động đất Bắc Trà My, chiều 12/9, các Đoàn công tác của Bộ KH - CN, Xây dựng... đã có kết quả đánh gia ban đầu. Tuy nhiên, Bí thư Quảng Nam đề nghị, nếu công trình không an toàn cho dân thì cần phải 'hy sinh'.

Vẫn chưa xác định được tâm chấn

TS Lê Huy Minh, Phó Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho biết, trong quá khứ tại khu vực Trà My đã từng xảy ra nhiều trận động đất. Trong thời gian gần đây, bắt đầu từ đêm ngày 3-9 đến 9/9 tại khu vực Bắc Trà My đã xảy ra tổng cộng 15 trận động đất lớn nhỏ.
 
Đoàn công tác báo cáo sơ bộ kết quả khảo sát động đất tại Sông Tranh 2

Trận động đất lớn nhất xảy ra vào khoảng 20 giờ 40 phút tối 3-9 có cường độ 4,2 độ Richter và trận động đất đêm ngày 9-9 là 4 độ richter. Các trận động đất còn lại có cường suất nhẹ.

Vùng chấn động trong những ngày vừa qua khá mạnh và lan rộng tại nhiều huyện Nam Trà My, Tiên Phước, Hiệp Đức.

Đoàn công tác của Viện vật lý địa cầu đã vẽ lại bản đồ động đất Bắc Trà My. Vùng động đất kéo dài bao gồm các huyện Tiên Phước, Nam Trà My, Bắc Trà My. Tâm chấn được khoanh vùng tại khu vực Sông Tranh 2 bao gồm các xã Trà Bui, Trà Đốc, Trà Tân, huyện Bắc Trà My có bán kính hơn 20 km.

Khảo sát mực nước ở thuỷ điện Sông Tranh 2 từ tháng 1-2012 đến nay qua các thiết bị quan trắc động đất, đoàn công tác vẫn chưa khẳng định được tâm chấn có phải xuất hiện tại đập Sông Tranh 2 hay không. Bởi theo ông Minh, vấn đề này cần phải quan sát lâu dài mới có thể khẳng định được.

Tuy nhiên, các trận động đất vẫn có thể xảy ra và rung chấn sẽ không vượt quá 5,5 độ Richter.

Trong khi đó, PGS. TS Phan Trọng Trinh (Viện Địa chất) khẳng định, trong quá trình xây dựng hồ chứa sẽ phá vỡ kiến tạo địa chất và xảy ra các đoạn đứt gãy địa chất sinh ra động đất kích thích. Tuy nhiên, qua nghiên cứu, vùng đất Trà My chưa thấy dấu hiệu đứt gãy không rõ ràng và không dài.

'Tôi khẳng định động đất vùng Trà My sẽ xảy ra nhưng không lớn. Sẽ không có xảy ra động đất cực đại. Tuy nhiên, chúng ta không chủ quan, cần phải nghiên cứu cụ thể và xác định rõ động đất tại vùng này trong thời gian tới. Nhất là xác định chấn tiêu cụ thể" - ông Trinh nói.

Người dân và chính quyền vẫn hoang man lo lắng

Ông Lê Phước Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, khi nghe ý kiến của các nhà khoa học khẳng định là sau động đất đập Sông Tranh 2 vẫn an toàn. Tuy nhiên,, ông Thanh vẫn lo lắng là khi tích nước hồ chứa thì điều gì sẽ xảy ra?

Bởi, động đất trong quá khứ đã xảy ra tại vùng đất này. Nhưng khi có hồ chứa Sông Tranh thì động đất kích thích lại xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều và mạnh hơn.

"Chuyện người dân rất hoang mang lo lắng về động đất và sự án nguy của đập Sông Tranh 2 là có thật. Chúng tôi chỉ mong muốn các nhà khoa học kiến nghị với Chính phủ tiến hành khảo sát và khẳng định bằng những chứng cứ khoa học" - ông Thanh nói.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My Đặng Phong cho biết, ông đang nợ dân những câu hỏi về sự an toàn của họ trong vùng động đất và sự an toàn của đập Sông Tranh 2.

Ông Phong đặt câu hỏi, trước khi xây dựng đập Sông Tranh 2 đã biết chắc chắn động đất kích thích xảy ra nhưng khi xây dựng khu tái định cư quanh khu vực lại không theo qui chuẩn để đề phòng động đất xảy ra? Và đến khi động đất xảy ra, nhà cửa của dân đã bị nứt và hư hại nhiều.

Cũng như Chủ tịch Lê Phước Thanh, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam Nguyễn Đức Hải khẳng định, ông thực sự chưa an tâm về an toàn của đập Sông Tranh 2 sau động đất.

Ông Hải nói rằng, muốn an dân thì phải an toàn hồ chứa Sông Tranh 2. Vì vậy cần phải thận trọng, bình tĩnh để tích nước sau khi khắc phục sự cố.

"Nếu đập Sông Tranh 2 không an toàn thì cần phải “hy sinh” công trình này. Tôi chỉ đề nghị các nhà khoa học và các cơ quan chức năng cần tập trung làm rõ để công khai với dân" - ông Hải nói.

Ngoài ra, ông Hải đề nghị cơ quan chức năng cần làm rõ trách nhiệm của chủ đầu tư sau hàng loạt sự cố xảy ra tại Sông Tranh 2.

Vũ Trung