– Đánh giá việc điều chỉnh giá viện phí sẽ không gây tác động đáng kể đến 56 triệu người dân đã có thẻ BHYT song Bộ Y tế cho biết đã đưa ra nhiều phương án để hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn khi tăng viện phí bởi họ vẫn có thể phải đồng chi trả.


Ngoài ra, một loạt các biện pháp “kích thích” 36% dân số chưa tham gia BHYT cũng được đưa ra để tăng độ bao phủ của BHYT, giúp người dân tránh được “bẫy đói nghèo” khi tăng viện phí.

Bệnh nhân nghèo được hưởng suất ăn từ thiện tại bệnh viện K (Hà Nội). Ảnh: C.Q

Tính đến thời điểm này, cả nước có 56 triệu người tham gia BHYT (chiếm 64% dân số). Theo đánh giá của Bộ Y tế, 56 triệu người có thẻ BHYT được chia làm 3 nhóm và chịu tác động không đáng kể của việc tăng viện phí.

Cụ thể: Nhóm 1 là người có công với cách mạng, gần 9 triệu trẻ em dưới 6 tuổi được nhà nước mua thẻ BHYT và được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí nên không bị ảnh hưởng.

Nhóm 2 gồm cán bộ hưu trí, người thuộc hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng khó khăn (gồm 14,1 triệu người) được Nhà nước mua thẻ BHYT, thanh toán 100% chi phí khi khám chữa bệnh tại trạm y tế xã và được thanh toán tiền vận chuyển từ tuyến dưới lên tuyến trên, được thanh toán 95% và chỉ phải đóng thêm 5% của số tăng thêm.

Nhóm còn lại là các đối tượng có thẻ BHYT khác phải đồng chi trả 20%.

“Tham gia BHYT, người dân tránh được “bẫy đói nghèo” vì chỉ bỏ ra một khoản nhỏ để mua thẻ nhưng nếu mắc bệnh hiểm nghèo, họ có thể được quỹ BHYT thanh toán hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng. Điều này càng cần thiết hơn trong bối cảnh giá dịch vụ y tế đã được điều chỉnh”

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh.

Trong số những người có thẻ BHYT, mức đồng chi trả từ 5-20% không phải lúc nào cũng nằm trong khả năng của người bệnh vì có những người mắc bệnh mãn tính, chi phí điều trị lớn (chưa kể chi phí gián tiếp như ăn ở, sinh hoạt, đi lại, …).

Do đó, Bộ Y tế cho biết đã trình và Thủ tướng đã có quyết định (số 14/2012), quy định Nhà nước sẽ hỗ trợ phần cùng chi trả cho người nghèo khi đi khám chữa bệnh nếu mức đồng chi trả cao hơn 100.000 đồng.

Ngoài ra, các bệnh viện cũng sẽ phải trích một phần nguồn thu để lập quỹ hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn. Hiện nay, nhiều bệnh viện còn hỗ trợ việc ăn uống miễn phí cho người bệnh nghèo và người nhà của họ.

36% dân số còn lại chưa có thẻ BHYT sẽ có nhiều hình thức để “kích thích” tham gia BHYT.

Theo đó, đối với hộ thuộc diện cận nghèo, Nhà nước hỗ trợ 50% chi phí mua thẻ BHYT. Thủ tướng đã có quyết định nâng mức hỗ trợ lên 70% và cho phép các địa phương có điều kiện về ngân sách tăng mức hỗ trợ để người cận nghèo tham gia BHYT.

Bộ Y tế cho biết từ cuối năm 2012 trở đi, người cận nghèo chỉ phải đóng tối đa 30% để tham gia BHYT. Nếu người cận nghèo tham gia BHYT theo hộ gia đình thì người thứ 2 được giảm 10%, người thứ 3 được giảm 20%.

Trong đề án về lộ trình thực hiện BHYT toàn dân, Bộ Y tế đề xuất nâng mức hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người làm nông nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp, lâm nghiệp có mức sống trung bình từ 30% lên 50 hoặc 60% vào năm 2013 để giảm bớt khó khăn và khuyến khích đối tượng này tham gia BHYT.

Cẩm Quyên