- Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh mới nổi là bệnh mới xuất hiện lần đầu hoặc có thể đã tồn tại trước đó nhưng tăng nhanh về số mắc hoặc khu vực địa lý. Điều đáng chú ý là tất cả những bệnh này hiện đều có mặt tại Việt Nam.
>> Ngành y tế loay hoay với 'bệnh lạ', kiến nghị di dân
Theo WHO, một số bệnh như bò điên, HIV/AIDS, SARS, đại dịch cúm A (H5N1), cúm A(H1N1), tiêu chảy tán huyết do E.coli, sốt xuất huyết, tay chân miệng được xem là bệnh mới nổi với số ca mắc tăng cao và xảy ra tại nhiều quốc gia.
Điều đáng chú ý là tất cả những bệnh này hiện đều có mặt tại Việt Nam và đang diễn biến phức tạp với số mắc và số tử vong cao.
Bệnh tay chân miệng hoành hành mạnh tại Việt Nam trong năm 2011 với số mắc và số tử vong đều tăng cao. Năm 2012, bệnh này tiếp tục có diễn biến phức tạp - (Ảnh: VietNamNet) |
Ngoài ra, Việt Nam còn có bệnh mới phát sinh chưa rõ nguyên nhân, như bệnh viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân (hay được gọi là bệnh lạ) ở tỉnh Quảng Ngãi.
Trong bài phát biểu tại lễ khai mạc hội nghị khu vực Tây Thái Bình Dương lần thứ 63 của WHO diễn ra ở Hà Nội sáng 24/9, Tiến sĩ Shin Young Soo, Giám đốc WHO tại khu vực Tây Thái Bình Dương cho biết, sự xuất hiện của các loại bệnh mới trong 10 năm trở lại đây đang là vấn nạn lớn toàn cầu, là thách thức đối với các nhà khoa học.
Do đó, trong 7 ngày diễn ra ở Hà Nội, hội nghị khu vực Tây Thái Bình Dương lần thứ 63 của WHO sẽ dành thời gian để bàn luận về các bệnh mới nổi trên các phương diện như mức độ ảnh hưởng, phương pháp ứng phó, sự liên kết để phòng chống các căn bệnh này, vv…
Đại diện WHO cũng cho biết trước sự phát sinh của những căn bệnh này, WHO đã phối hợp với các quốc gia để tìm ra căn nguyên cũng như cách ngăn chặn.
Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho biết, Việt Nam trong những năm qua đã có mối quan hệ tốt đẹp với Tổ chức y tế lớn nhất thế giới và tổ chức này đã dành nhiều hỗ trợ cho Việt Nam trên các phương diện về chuyên môn, kỹ thuật lẫn tài chính.
Ngoài việc dành thời gian cho các bệnh mới nổi thì các bệnh nhiệt đới bị lãng quên (như bệnh phong, bệnh giun chỉ bạch huyết, bệnh sán máng, giun sán) cùng các vấn đề như phòng ngừa bạo lực và tai nạn thương tích, loại trừ bệnh sởi, dinh dưỡng, phòng chống tác hại thuốc lá, các bệnh không lây nhiễm; tài chính y tế… cũng sẽ là những nội dung chuyên môn được thảo luận tại hội nghị quan trọng nhất khu vực về lĩnh vực y tế này.
Bên cạnh các nội dung chuyên môn trên, với tư cách nước chủ nhà đăng cai tổ chức, Việt Nam đóng góp cho hội nghị một sáng kiến về “Diễn đàn cấp cao về Bảo hiểm y tế toàn dân”.
Trưởng đoàn của các nước (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, …) cũng được Chính phủ Việt Nam phối hợp với WHO mời chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực này để đạt được bao phủ BHYT toàn dân.
Sáng 24/9, Hội nghị WHO khu vực Tây
Thái Bình Dương lần thứ 63 được khai mạc tại Hà Nội.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam đăng cai
tổ chức hội nghị lớn nhất và quan trọng nhất về y tế trong khu vực. Theo thông lệ, Hội nghị WHO Khu vực Tây Thái Bình Dương sẽ tập trung bàn thảo và giải quyết các vấn đề y tế nổi bật, xây dựng chính sách và phê duyệt các chương trình hạt động cho các năm tiếp theo với mục tiêu chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong toàn khu vực và góp phần thực hiện các mục tiêu y tế toàn cầu. |