Giấc mộng vàng ở núi Tàu liệu có khép lại khi thời hạn thăm dò đã hết hay vẫn tiếp tục mở ra khi máy đo tia đất và bức xạ của một vị tiến sĩ cũng vào cuộc?

Theo giấy phép, hôm nay (10/10), “kho báu” núi Tàu ở xã Phước Thể, Tuy Phong (Bình Thuận) sẽ hết hạn thăm dò sau gần một năm thực hiện. Nhóm truy tìm kho báu của ông Trần Văn Tiệp (Phú Nhuận, TP.HCM) sẽ phải hoàn thổ những địa điểm đã đào bới, sau đó toàn bộ nhân công, cơ giới phải rút khỏi núi Tàu đúng như cam kết.

Tiến sĩ cũng vào cuộc

Trước đó, ngày 9/10, Tổ giám sát phương án thăm dò núi Tàu (do UBND tỉnh thành lập) đã họp để chuẩn bị báo cáo trình UBND tỉnh Bình Thuận về “kho báu” 4.000 tấn vàng gây nhiều tranh cãi và đầy bí ẩn này.

Tuy nhiên, đến nay trong số 20 mũi khoan mà UBND tỉnh Bình Thuận cho phép nhóm thăm dò khoan xuống lòng núi không hạn chế độ sâu vẫn còn một mũi khoan chưa thực hiện được. Do đó ngày 3/10, ông Tiệp đã có đơn gửi UBND tỉnh xin phép được gia hạn. Ngoài việc xin có thêm thời gian thực hiện mũi khoan cuối cùng, ông Tiệp còn công bố kết quả khảo sát mới nhất của Công ty Nghiên cứu môi trường Tia Đất (Hà Nội) do TS Vũ Văn Bằng, một chuyên gia về địa bức xạ, thực hiện.

Được biết TS Bằng tốt nghiệp ĐH Bách khoa Hà Nội, bảo vệ thành công tiến sĩ địa chất ở Ba Lan, khá nổi tiếng khi chế tạo thành công máy đo tia đất và bức xạ BXT-09. Ông Bằng là người góp công lớn để dò tìm xác nạn nhân trong vụ sập mỏ đá lèn Cờ vào tháng 4/2011 ở Nghệ An, vụ tìm đúng vị trí xe khách 48K-5856 bị trôi ở Hà Tĩnh làm 20 người thiệt mạng vào tháng 10/2010.

Hai vị trí được cho là cửa hang vào kho báu trên đỉnh núi Tàu nhưng tài sản đã bị ai đó lấy mất (?)

Trao đổi với PV, TS Vũ Văn Bằng nhận định trong quá trình ông Tiệp đào tìm kho báu vào tháng 9/2000, Công ty Tomtec - Nhật Bản mở khu vực nuôi thủy sản ngay sát phía đông núi Tàu. Để hình thành khu nuôi thủy sản, phía Nhật có ký hợp đồng với Đoàn Địa chất TP.HCM để khoan thăm dò về nguồn nước và chất đất để phục vụ việc nuôi tôm.

Đến đầu tháng 10/2010, Công ty Cổ phần Vật liệu xây dựng và Khoáng sản Bình Thuận với bốn xe máy xúc, một máy ủi, một máy nén khí cùng nhiều thợ khoan và hàng chục cơ giới khác đến khai thác đá ở ngay sườn đông núi Tàu. Đơn vị này khai thác đá để cung cấp đá xây dựng cho công trình Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân gần đó. Công việc khai thác đá diễn ra trên diện rộng, có thể nói là toàn bộ chân và triền núi phía đông, đông nam và nam núi Tàu đã bị đào phá.

Ông Tiệp có đặt vấn đề nghi vấn liệu có phải là một hình thức ngụy trang của Nhật hay của một số tổ chức, cá nhân nào đó đến để hợp thức hóa việc thăm dò tìm kiếm kho báu. Theo TS Bằng, dù với mục đích nào đi nữa thì núi Tàu và những vùng xung quanh đã bị xâm phạm đào bới nghiêm trọng. Do đó công việc thăm dò và định hướng truy tìm “kho báu” trở nên phức tạp. Đặc biệt, việc khảo sát tìm kiếm của ông Tiệp bằng phương pháp phỏng đoán dựa trên những thông tin kiểu truyền miệng, bản đồ gia phả để lại nên bị nhiễu khiến ông Tiệp mất phương hướng tìm kiếm.

Ngày 29/9, TS Bằng cùng các cộng sự đã đưa máy BXT-09 vào núi Tàu để thực hiện đo đạc toàn bộ ngọn núi bằng phương pháp địa bức xạ.

Hé lộ “kho báu” (!?)

TS Bằng cho biết ông đã đo đạc từ đỉnh xuống chân núi với chiều dài theo trục dọc núi (bắc-nam) 1.100 m và chiều ngang núi (đông-tây) 700 m ở ba cao trình đỉnh núi, lưng núi và chân núi. Kết quả, đã định vị được hai khu vực chính và ba khu vực phụ. Ở mỗi khu vực này máy xác định được phạm vi phân bố, hình dạng, kích thước, độ sâu, đặc điểm xếp đặt, vùi lấp, đặc biệt là dấu hiệu định lượng của tài sản nghi bị chôn giấu... Toàn bộ tài liệu này đã được trao cho ông Tiệp và ông Tiệp cũng đã gửi cho UBND tỉnh Bình Thuận.

Theo TS Bằng, trong quá trình đo đạc đã phát hiện được hai đường hầm và hai hài cốt nằm ở miệng hầm giống như “lính gác cửa” bị chôn vùi theo kho báu. Tuy nhiên, đến nay những người truy tìm mới đưa lên được một bộ hài cốt. Ông Trần Phương Hồng, con trai ông Tiệp, xác nhận thông tin này và cho biết đã báo cáo cho tổ giám sát của UBND tỉnh biết.

TS Bằng nói do ông Tiệp mất phương hướng nên ba điểm trên đỉnh núi mà nhiều năm nay ông Tiệp tập trung đào bới là chưa hoàn toàn chính xác. Theo đó, ba điểm trên đỉnh núi đều là ba điểm chỉ cất giấu một lượng rất nhỏ vàng bạc và hiện vật cổ nhưng đã bị lấy đi từ rất lâu. “Nhiều khả năng số hiện vật và vàng bạc này đã bị lấy đi vào thập niên 1970” - TS Bằng nhận định.

Lật lại hồ sơ “kho báu” núi Tàu, chúng tôi phát hiện có một bản tường trình của ông Trần Ánh, ngụ Liên Hương, Tuy Phong. Theo lời ông Ánh thì ông nội ông là ông Trần Mua vào khoảng năm 1943-1944 làm cai đường sắt ở Ga Vĩnh Hảo.

Thời gian này ông Mua phát hiện trên núi Tàu đèn điện rất sáng và có một chiếc tàu rất lớn đậu ngoài biển cùng một số lính Nhật đứng canh gác vận chuyển gì đó lên đỉnh núi. Ông Mua đã kể lại cho cha ông Trần Ánh là ông Trần Băng, Trung đội trưởng Trung đội Bảo an ở Liên Hương. Đến năm 1970, ông Băng nhận lệnh bảo vệ cho bốn người Mỹ đi trực thăng từ Sài Gòn ra.

Sau khi những người Mỹ này dùng cọc đánh dấu rồi lên trực thăng rời khỏi núi, Trung đội Bảo an mới băng đường xuống quốc lộ 1 cạnh đó thì vướng lựu đạn làm hai người bị thương. Sau năm 1975, ông Băng đã đưa con trai là ông Ánh lên núi và tự tay vẽ lại sơ đồ, đến năm 1996 thì ông Ánh giao sơ đồ này lại cho ông Tiệp.

Theo TS Vũ Văn Bằng, hai khu vực chính mà máy dò BXT-09 phát tín hiệu có kim loại quý ở khu vực 1 có chiều dài 90 m và chiều rộng 35 m; khu vực còn lại xác định có kích thước 44 x 45 m. So với các gia phả, sơ đồ, bản đồ trong hồ sơ “kho báu” của ông Tiệp thì hoàn toàn chính xác bởi hướng thẳng ra quốc lộ 1A.

TS Bằng cho rằng UBND tỉnh Bình Thuận nên cho ông Tiệp một cơ hội cuối để thực hiện ý nguyện và niềm tin mãnh liệt của mình vào kho báu này bởi việc thăm dò đều là tiền túi của ông Tiệp. Hơn nữa, trong thời gian thăm dò tại núi Tàu, tình hình an ninh trật tự vẫn ổn định, không có xáo trộn gì.

Ngày 9/10, ông Nguyễn Thành Tâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, cho biết tỉnh sẽ không tiếp tục gia hạn nữa vì ông Tiệp đã cam kết với UBND tỉnh và tỉnh cũng đã gia hạn một lần rồi. Hiện tỉnh đã chỉ đạo tổ giám sát kiểm tra và có báo cáo để UBND tỉnh có chỉ đạo cụ thể về vụ việc này.

“Mộng Nam Kha”

Năm 1963, thông tin về kho báu núi Tàu bắt đầu hé lộ khi ông Tiệp được Tỉnh trưởng Bình Tuy Lê Văn Bường, người giữ tấm bản đồ kho báu, tiết lộ. Năm 1976, Tỉnh đội Bình Thuận phát hiện xác con tàu đắm ngoài khơi xã Phước Thể, sát chân núi Tàu, trùng với dữ liệu về kho báu mà ông Tiệp có.

Theo ông Tiệp, hiện ông đang giữ trong tay tấm mật đồ kho báu núi Tàu hay còn gọi là kho báu Yamashita và có bút tích nhân chứng cung cấp cho ông về kho báu này từ hơn nửa thế kỷ trước.


Cụ Trần Văn Tiệp và hồ sơ kho báu núi Tàu mà ông đã theo đuổi hơn nửa thế kỷ.


Theo đó, kho báu nói trên có 4.000 tấn vàng cùng một số lượng lớn châu báu trị giá khoảng 100 tỉ USD. Tướng Nhật Tomoyuki Yamashita trước khi đầu hàng quân đội Đồng minh trong Thế chiến thứ hai đã vận chuyển tài sản vơ vét được từ các nước châu Á mà Nhật chiếm đóng đem về núi Tàu chôn giấu.

Từ năm 1993 đến nay, UBND tỉnh Bình Thuận đã bốn lần cấp phép cho ông Tiệp thăm dò “kho báu” và ông đã bỏ ra hàng ngàn cây vàng để theo đuổi “giấc mộng vàng” nhưng đến nay tất cả đều vô vọng. Nguồn kinh phí đầu tư cho việc truy tìm này đều là vốn của ông Tiệp (trước đây ông Tiệp được xem là một “đại gia” trong ngành buôn gỗ tại Ban Mê Thuột (1948-1957), chủ máy xay đá tại Tuyên Đức (1968-1970), sở hữu nhiều đất đai tại Bình Tuy (1971-1975)). Ngoài ra, ông Tiệp còn được các con ông ở trong nước và nước ngoài (Mỹ, Canada) gửi tiền về hỗ trợ ông theo đuổi giấc mơ kho báu đến cuối đời.

Được biết ông Tiệp sinh năm 1918 tại An Hải, Hải Phòng và hiện đã 94 tuổi nhưng vẫn còn rất minh mẫn. Trả lời Pháp Luật TP.HCM mới đây, ông Tiệp nói nếu Nhà nước cho phép, ông vẫn tiếp tục theo đuổi việc truy tìm kho báu núi Tàu.

(Theo Pháp luật TP.HCM)