- Cho rằng, người dân bất bình trước Nghị định 71 xử phạt xe không chính chủ là do lỗi của cơ quan Nhà nước, nhiều cử tri TP.HCM đề nghị, tạm dừng xử phạt để vạch lộ trình thích hợp cho người dân có thời gian sang tên đổi chủ.

Ngày 24/11, Bí thư TP.HCM Lê Thanh Hải cùng tổ đại biểu Quốc hội đơn vị 4 đã có buổi tiếp xúc cử tri tại quận 5 và quận 10 (TP.HCM). Nhiều vấn đề liên quan đến tham nhũng, chủ quyền biển đảo, dự án “treo”, những sai phạm ở lĩnh vực ngân hàng…được các cử tri nêu lên, nhưng “nóng” nhất vẫn là bức xúc về xử phạt xe không chính chủ theo Nghị định 71.


Nhiều ý kiến cho rằng, nên lùi thời gian thực hiện xử phạt xe không chính chủ. Ảnh minh họa

Cử tri Đoàn Thị Thanh Liêm cho rằng, chủ trương đưa ra Nghị định 71 thì rất hợp lý nhằm để quản lý giao thông tốt hơn. Tuy nhiên, cách làm của cơ quan Nhà nước trong việc áp dụng Nghị định này vào thực tế thì “có vấn đề”. Theo bà, cái “có vấn đề” ở chỗ lộ trình thực hiện quá bất ngờ khiến người dân không kịp trở tay, thành ra họ bất bình và không đồng tình với những người làm chính sách.

Cử tri Liêm lấy dẫn chứng từ một vụ việc cảnh sát giao thông bắt lỗi xe không chính chủ ở Cần Thơ, TP. Hà Nội mà bà đã xem được qua truyền hình. “Trong đó, có trường hợp CSGT bắt một cô gái vào lề đường và hỏi giấy tờ chủ quyền xe. Cô gái này nói là xe của bố mẹ tôi. Thế rồi, anh công an bảo đưa hộ khẩu ra coi và cô gái không chứng minh chính chủ được vì không đem theo hộ khẩu”, bà Liêm kể.

Vị cử tri này cho rằng, 6 người con trong gia đình nhưng chỉ có duy nhất một chiếc xe máy để đi thì không thể bắt buộc khi nào cũng phải đưa theo sổ hộ khẩu để đối chiếu được. “Chẳng lẽ, tôi không đưa theo sổ hộ khẩu thì bắt tôi chạy bộ về nhà lấy”, bà nói.

Do đó, bà Liêm đề nghị, cơ quan chức năng phải tạm dừng xử phạt xe không chính chủ để vạch lộ trình hợp lý hơn. “Phải đưa nội dung Nghị định này về phường, đưa xuống công an khu vực, sau đó tiến hành kiểm tra từng nhà, nếu ai chưa sang tên đổi chủ thì phải làm ngay cho đúng chủ quyền của mình. Nếu làm như vậy tôi nghĩ dân sẽ rất đồng tình. Đại biểu Quốc hội phải có ý kiến, kiến nghị có lộ trình cho phù hợp”, bà Liêm đề nghị.

Đồng tình với bà Liêm, cử tri Phan Thanh Thảo (phường 8, Quận 5) cho rằng, nguyên nhân của Nghị định này khuyến người dân bất bình là do lỗi của cơ quan Nhà nước. Theo ông, chủ trương của Nghị định 71 đã có từ lâu rồi, năm 2010, vấn đề hạn chế của cơ quan Nhà nước là không tuyên truyền, quán triệt để người dân có nhận thức đúng.

Cử tri này cũng đề nghị Chính phủ nên tạm dừng và cho thêm thời gian để người dân sang tên đổi chủ.

Ông Thảo cũng nêu ra một khó khăn mà hầu hết người dân hiện nay đang mắc phải, đó là khi mua xe không sang tên đổi chủ vì họ nghĩ giá trị chiếc xe không cao. Để đến khi có Nghị định 71, họ muốn tìm người chính chủ của chiếc xe để sang tên đổi chủ thì rất khó vì có thể chiếc xe đã qua nhiều chủ sở hữu, chủ xe đã chết rồi hoặc đã ra nước ngoài sinh sống, thậm chí nhiều người còn không hợp tác để chuyển quyền sở hữu.

“Theo tôi, nên chăng những ai không sang tên đổi chủ được thì cơ quan chức năng cho phép đăng ký lại bằng cách niêm yết trường hợp này một thời gian nhất định tại nơi chủ xe có đăng ký thường trú. Sau thời gian đó, nếu không có ai tranh chấp thì người sở hữu chiếc xe được quyền chuyển đổi sang tên của mình. Việc này sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân thực hiện Nghị định 71”, ông Thảo nói.

Trả lời những kiến nghị của cử tri, Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải cho biết, lãnh đạo thành phố sẽ có nghiên cứu sâu về Nghị định 71.
Theo ông Hải, chủ trương của Nhà nước về vấn đề xử phạt lỗi không sang tên đổi chủ là đúng nhưng trước khi áp dụng cần phải tính đến tính khả thi, làm sao cho hợp lòng dân.

“Cái gì ra lo cho dân thì phải được lòng dân. Có những cái thành phố vận dụng được thì sẽ vận dụng, còn có những cái không vận dụng được thì thành phố sẽ kiến nghị cho hợp lý”, ông Hải nói.

• Tá Lâm