Vụ việc Công ty cho thuê tài chính 2 (ALCII), bị phát hiện thua lỗ nặng hàng nghìn tỷ đồng mới đây đã khiến nhiều người phải “rùng mình”. Như vậy, chỉ trong vòng một năm qua, đã có rất nhiều doanh nghiệp lớn bị phát hiện thua lỗ nặng.
TIN BÀI KHÁC

ALCII khiến 30 tổ chức tài chính liên lụy
Kết thúc đợt kiểm toán báo cáo tài chính năm 2009 của Agribank, Kiểm toán Nhà nước phát hiện hàng loạt sai phạm. Trong đó chỉ riêng công ty con của Agribank là ALCII đã để thua lỗ tới 3.000 tỷ đồng trong năm 2009. Đơn vị này còn có khả năng lỗ tiềm ẩn đối với khoản tiền đầu tư tài sản cho thuê trị giá gần 4.600 tỷ đồng bị quá hạn, phải gia hạn nhiều lần (trong đó Kiểm toán Nhà nước tạm nêu ra số lỗ tiểm ẩn khoảng 1.266 tỷ đồng).

Công ty ALCII là doanh nghiệp thành viên hạch toán độc lập của Agribank, chức năng chủ yếu là cho thuê tài chính, thực hiện bảo lãnh trong những trường hợp có liên quan đến lĩnh vực cho thuê tài chính, hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp để đầu tư trang thiết bị, đổi mới máy móc, công nghệ…
Việc nhiều DN nhà nước đua nhau lỗ nặng không còn chỉ là vấn đề quản lý yếu kém của DN, mà còn cho thấy sự vô lương tâm của những kẻ lãnh đạo và sử dụng đồng tiền đóng thuế của dân.

Trong hoạt động huy động vốn, ALCII đã vi phạm các quy định huy động tiền gửi ngắn hạn. Trong hai năm 2008 - 2009, công ty này huy động 6 hợp đồng tiền gửi dưới 12 tháng với số tiền trên 510 tỷ đồng nhằm đáp ứng khả năng thanh toán cho các khoản cam kết đầu tư, cho thuê của công ty. Bên cạnh đó, công ty trả lãi cho khách hàng không đúng thỏa thuận theo hợp đồng, gây thiệt hại trên 1,1 tỷ đồng. Công ty huy động 26 hợp đồng trị giá hơn 1.300 tỷ đồng với mức lãi suất trên 17,5% một năm, vượt trần lãi suất quy định của Agribank.

Thực tế, ALCII hoạt động thua lỗ nhiều năm liền trước đó và đến năm 2007 đã bị phát hiện, tuy nhiên, công ty mẹ là Agribank lại đứng ra bảo lãnh và bơm vốn cho đơn vị này.
EVN lỗ nặng và nợ chồng chất
Mới đây, nhân việc kiến nghị tăng giá điện, EVN tiếp tục kêu đang chịu lỗ nặng và lấy lý do là bởi giá điện bán ra vẫn thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Thực ra không phải đến năm nay EVN mới kêu bị thua lỗ, trước đó tổng kết năm 2010, EVN đã chính thức công khai tuyên bố tập đoàn lỗ hơn 8.000 tỷ đồng. Điều này khiến dư luận hết sức quan tâm bởi lẽ hiện nay EVN đang là nhà độc quyền cung cấp điện tại thị trường Việt Nam, không hề có một đối thủ cạnh tranh nào khác, việc thua lỗ trong kinh doanh khó lòng có thể chấp nhận. 

Đầu tháng 4/2011, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thông báo, EVN đang nợ PVN khoảng 5.000 tỷ đồng. Số nợ đọng này chủ yếu là do EVN mua điện từ Tổng công ty Điện lực dầu khí (thuộc Tập đoàn PVN) và vẫn chưa thanh toán hết. Chưa kể, vừa mới đây, Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã “loan báo” về việc EVN đang nợ tiền mua điện và tiền mua than. Tính đến 31/3, EVN còn nợ TKV hơn 1.600 tỷ đồng. Như vậy, EVN hiện không chỉ lỗ nặng mà còn mang nợ chồng chất.

Rồi vài ngày trước, việc Tập đoàn FPT quyết định rút lại kế hoạch đầu tư vào EVN với mục tiêu ban đầu là mua lại 60% cổ phần của EVN (tuy nhiên Chính phủ chỉ duyệt cho phép EVN bán 49% cổ phần), đã một lần nữa đẩy EVN lâm sâu vào bế tắc. Bởi trước đó, tập đoàn này rất hy vọng rằng với số vốn đầu tư của FPT, EVN sẽ vực dậy được lĩnh vực viễn thông vốn đang chịu nhiều thua lỗ nhất. Ngay cả số tiền đặt cọc 12% (tương đương hơn 700 tỷ đồng), giới chuyên gia và người trong cuộc đều cho rằng, FPT sẽ sớm thu hồi lại, vì nhiều điều khoản trong hợp đồng đã thay đổi. 

Nguyên nhân thua lỗ của EVN từng được giới chuyên gia mổ xẻ và nguyên nhân chính là do việc quản lý điều hành quá yếu kém, chiến lược đầu tư kinh doanh phạm phải sai lầm nghiêm trọng. Cụ thể, đó là việc đầu tư ngoài ngành tràn lan, đặc biệt tập đoàn này đã mạo hiểm dốc tiền vào viễn thông khi lĩnh vực kinh doanh này lúc đó đã trong tình trạng bão hòa. Đầu tư vào lĩnh vực viễn thông với một số vốn không nhỏ, trong khi không đủ sức cạnh tranh với các đối thủ khác cả về cơ sở vật chất lẫn dịch vụ như Viettel, VinaPhone, MobiFone, đã khiến EVN rơi vào thế “đâm lao đành theo lao”, đã lỗ ngàng càng lỗ nặng. 

Gần đây, có tin Tập đoàn VTC sẽ nhảy vào “thế chân” FPT khi mua cổ phần của EVN với mức 12%. Tuy nhiên, trả lời báo chí về vấn đề này, ông Lê Khả Dân, Phó tổng giám đốc VTC, khẳng định: “VTC chưa phát ngôn chính thức về vấn đề này”. Qua đó cho thấy, cơ hội dành cho EVN vực khỏi thua lỗ và khủng hoảng không thực sự nhiều.
Mỗi ngày Petrolimex mất hơn 7.000 tỷ đồng

Trong khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam liên tiếp chịu thua lỗ từ năm 2010 đến nay thì tình hình đầu tư kinh doanh của Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Ptrolimex) trong mấy tháng đầu năm 2011 cũng không khả quan hơn. Từ giữa tháng 2, trong cuộc gặp giữa Thường trực Chính phủ với các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, Tổng giám đốc Petrolimex, ông Bùi Ngọc Bảo công bố, với mức giá xăng bán ra trên thị trường thời điểm đó so với giá nhập khẩu (thời điểm tháng 2) thì mỗi ngày Petrolimex phải chịu lỗ hơn 7.000 tỷ đồng. 

Tổng kết quý I mới đây, Petrolimex cho biết, thống kê nhanh của đơn vị cho thấy, tính đến ngày 31/3, tổng công ty này đã lỗ 2.650 tỷ đồng từ việc bán xăng dầu. Nếu như EVN thua lỗ được cho là do sai lầm về chiến lược đầu tư kinh doanh thì với Ptrolimex nguyên nhân thua lỗ do đâu, liệu có phải là chỉ do xăng dầu bán ra trong nước bị kìm giá như phía Petrolimex nói? Vậy việc Chính phủ lập Quỹ Bình ổn giá xăng và từ trước tới nay, giá xăng vẫn luôn luôn được điều chỉnh tăng theo cơ chế thị trường (cụ thể chỉ trong một tháng trước, xăng tăng giá 2 lần) không có ý nghĩa gì? Câu trả lời có lẽ còn đợi phía cơ quan chức năng, kiểm toán vào cuộc.

Những ngày cuối tháng 7, tháng 8/2010, báo chí trong nước đồng loạt đăng tải nhiều bài vở phê phán việc quản lý và hoạt động của tập đoàn Vinashin, khi tập đoàn này để khoản thua lỗ và nợ nần lên tới 80.000 tỷ đồng, một con số khiến cả nước phải kinh hoàng. Nguyên nhân kinh doanh thua lỗ là do Vinashin đầu tư dàn trải, việc quản lý dự án, công nợ, dòng tiền... còn nhiều hạn chế, yếu kém. Tuy nhiên, cũng như vụ ACLII của Agribank, giới chuyên gia và nhiều người cho rằng, đây không chỉ là vấn đề quản lý yếu kém, trình độ có hạn, mà còn là sự biến tấu của đồng tiền của nhà nước một cách không minh bạch.

Tập đoàn này từ ngày 1/7 đã trở thành Công ty TNHH Một thành viên với số vốn điều lệ 14.655 tỷ đồng. 12 công ty con của Vinashin cũng sẽ được chuyển sang các Tập đoàn Dầu khí (PVN) và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).

Ngoài những doanh nghiệp Nhà nước lớn kể trên, rất nhiều doanh nghiệp hoặc công ty con của các doanh nghiệp Nhà nước khác cũng đã và đang rơi vào tình trạng thua lỗ nặng. Theo số liệu Kiểm toán Nhà nước công bố vào cuối năm 2010, kết quả kiểm toán 183 trong số 242 doanh nghiệp hạch toán độc lập thuộc 20 tổng công ty nhà nước cho thấy, chỉ 88% (161/183) doanh nghiệp có lãi. Tổng lợi nhuận trước thuế của 20 tổng công ty nhà nước này đạt hơn 16.600 tỷ đồng.

Các tổng công ty bị thua lỗ khá lớn có thể “điểm mặt” như Tổng Công ty Cơ khí Xây dựng lỗ lũy kế tính đến 31/12/2008 là 39 tỷ đồng, Tổng Công ty Công trình giao thông 6 lỗ gần 68 tỷ đồng, lỗ lũy kế 149 tỷ đồng, Tổng Công ty Cà phê tuy báo cáo lãi 199 tỷ đồng nhưng lỗ lũy kế 525 tỷ đồng.

Ngoài ra, thời điểm đó, Kiểm toán Nhà nước cũng phát hiện nhiều tổng công ty tồn tại các khoản nợ lớn khó đòi như Tổng Công ty Lương thực miền Nam có khoản nợ khó đòi 56 tỷ đồng, Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội: 51,2 tỷ đồng, Công ty Thương mại và Xuất khẩu Viettel (thuộc Tập đoàn Viettel): 79 tỷ đồng…
 (Theo Đất Việt)