Xung quanh đó có rất đông người đang chờ xe buýt, nhưng đáp lại lời khẩn cầu của người thanh niên này là sự im lặng. Cuối cùng người thanh niên bơ vơ đành phải bước lên xe buýt với gương mặt tuyệt vọng.

TIN BÀI KHÁC
Thói vô cảm đã dần thành "bệnh"

Trong y khoa không hề có cái gọi là bệnh vô cảm, chỉ có trạng thái thờ ơ với ngoại cảnh và bệnh lãnh cảm (thường chỉ về tình dục). Nói chung, thói vô cảm là lối sống thờ ơ với đồng loại và thói đó cứ dần dần phát triển thành "bệnh".

Căn bệnh vô cảm được thể hiện ở những "cung bậc" khác nhau, người thì "giả câm, vờ điếc" khi nhìn thấy người khác bị kẻ cắp móc túi bởi họ sợ liên lụy đến bản thân. Kẻ lại thờ ơ với những người khuyết tật đang lần mò từng bước trên đường. Vô lương tâm hơn, khi người khác rơi vào cảnh khốn cùng như gặp tai nạn, họ lại chạy vào hôi của mà không mảy may đến tính mạng của người gặp nạn...

Gần đây nhất, dư luận đã sôi sục khi một đoạn clip ghi lại cảnh thanh niên với khuôn mặt thất thần, chạy lên rồi lại chạy xuống chiếc xe buýt và van xin kẻ móc túi hãy trả lại cho mình cái ví trước sự chứng kiến của rất nhiều người.
 
Lời khẩn cầu, van nài của người đàn ông khốn khổ đã không được sự đồng tình và giúp đỡ của những người có mặt (Ảnh chụp từ clip)

Xung quanh đó có rất đông người đang chờ xe buýt, nhưng đáp lại lời khẩn cầu của người thanh niên này là sự im lặng. Cuối cùng người thanh niên bơ vơ đành phải bước lên xe buýt với gương mặt tuyệt vọng.

Trước đó, chiều 13/8, một thanh niên bị nạn do va quệt xe máy nằm bất tỉnh dưới đường ở quận 3, TP.HCM, nhưng những hành khách ngồi trên chiếc xe bus dừng ngay trước nạn nhân vẫn ung dung… ngồi xem.

Ngày 28/7, xe tải BKS 47P-2149 lưu thông trên Km 648 thuộc QL1A (đoạn qua xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) bất ngờ bị lật nghiêng giữa đường khiến toàn bộ thùng hàng chứa trái cây (chủ yếu là chôm chôm) rơi tung tóe ra đường, cản trở các phương tiện lưu thông qua đây. Tuy nhiên, điều ngỡ ngàng là nhiều người quanh đó không hành động theo kiểu tiến đến giúp đỡ người gặp nạn mà lại lao vào "hôi của".

Ngày 16/6, cũng một vụ "hôi của" trên địa bàn TPHCM khiến nhiều người cảm thấy nhức nhối. Khi người đàn ông đi xe máy ở ngã năm An Dương Vương bị giật giỏ xách khiến tiền vung ra đường thì nhiều người đã ào ra lượm mất trước ánh mắt thẫn thờ và bất lực của khổ chủ. Chỉ trong vòng chưa tới hai phút, số tiền của người đàn ông ấy đã bay mất.

 Người dân lao vào hôi của khi chủ xe gặp nạn (Ảnh: NLĐ)
 
Tình người sẽ chiến thắng vô cảm

Trở lại vụ clip người thanh niên van xin kẻ cắp trả lại tấm bằng lái xe. Đáp lại chỉ là sự im lặng! Họ sợ liên lụy, sợ bị trả thù, sợ ảnh hưởng đến công vịệc...? Còn những vụ "hôi của" hay thơ ơ khi người khác gặp nạn? Phải chăng, cái ác đang giết chết dần lương tâm của chúng ta?

Trao đổi trên Giáo dục VN, TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội (Viện Xã hội học) nói: "Từ một bức tranh xã hội thu hẹp là cộng đồng xe bus lâm thời, chúng ta thấy xã hội đang có những rối loạn về giá trị và chuẩn mực, làm cho ánh sáng và bóng tối, cái đen và cái trắng lẫn lộn với nhau. Ở đó, cái tốt không được kích hoạt, không được tôn vinh bảo vệ lẫn nhau. Đến một lúc nào đó cái tốt lại sợ cái xấu, sợ cái ác, vi phạm đến trật tự phát triển của cộng đồng theo hướng lành mạnh, tích cực hóa".

Độc giả Nguyễn Quế thẳng thắn chia sẻ trên VietNamNet: "Cần xem kỹ gốc rễ của vấn đề khiến một bộ phận rất lớn cộng đồng trở nên vô cảm như vậy. Theo tôi một số nguyên nhân như sau: 1. Các nhà quản lý, lãnh đạo chưa đủ quyết liệt. 2. Khung hình phạt chưa đủ tính răn đe cho loại tội phạm này (chỉ xử lý hành chính). 3. Nền giáo dục có vấn đề. 4. Gia đình hiện đại đang sống quá phụ thuộc vào tivi, internet. Do đó mạnh ai nấy sống, vô hình chung tạo môi trường tốt cho tâm lý bình thản, vô cảm trước sự việc".

Độc giả Bùi Trí cũng trăn trở đặt câu hỏi: "Những biện pháp bảo vệ người tham gia bắt kẻ cắp? Tình trạng kẻ cắp quay trở lại để trả thù những người đã tham gia truy cản khi chúng bỏ chạy không phải chưa bao giờ xảy ra. Nó nhan nhản đến nỗi nhiều người vẫn luôn khiếp sợ..."

Dù vậy nhưng trong xã hội vẫn còn những điểm sáng, chuyện anh xe ôm Nguyễn Tăng Tiên (Bình Dương) vì bắt cướp mà bị trả thù, đâm trọng thương; gần đây nhất là trường hợp hy sinh của anh Phạm Văn Chính (Chương Mỹ – Hà Nội) khi tham gia truy đuổi kẻ trộm xe SH....

Nói về hành động cao đẹp này, ông Trịnh Hòa Bình thẳng thắn trên Giáo dục VN: "Nhiều hiệp sĩ bắt cướp của chúng ta thuộc vào nhóm “yếu thế”. Họ có cuộc sống thấp kém, phải bươn trải kiếm ăn, phải chắt chiu từng đồng… nhưng lại không lãng quên phần phẩm chất tốt đẹp vì cộng đồng. Cần so sánh họ với những người có suy nghĩ “tránh dây dưa vào những việc nhức đầu, không đáng có” để xây dựng một “áp lực” dư luận xã hội - một dư luận chín chắn, trưởng thành”.

Ông Bình cũng khẳng định: “Đây không phải là câu chuyện “nghĩa khí” đơn thuần và cũng không phải là việc của riêng ai mà phải có sự thực hiện đầy đủ chức năng giữa nhiều ngành, nhiều lực lượng. Đặc biệt là đối với các cơ quan chức năng vì họ thực sự đã không hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình”. 

Căn cứ theo quy định tại Điều 103 Bộ luật hình sự “người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Nếu người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm hoặc là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm".

Mẫn Chi (tổng hợp)